Toàn cảnh kỳ họp.
Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.
Dự kỳ họp có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Toàn cảnh kỳ họp.
Trên cơ sở gợi mở thảo luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng sáng 13/12, các đại biểu đã tập trung phân tích để khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân về những kết quả đạt được năm 2023.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Phân tích những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; tập trung làm rõ việc dự báo, đánh giá bối cảnh tình hình, thời cơ thuận lợi, khó khăn, thách thức; các chủ trương, biện pháp, giải pháp chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền.
Đại biểu HĐND tỉnh đăng ký phát biểu tham luận.
Cùng với việc thảo luận làm rõ hơn những kết quả đạt được năm 2023, các đại biểu cũng tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện. Từ đó soi vào từng lĩnh vực, ngành mình để tìm những biện pháp khắc phục; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải pháp năm 2024.
* Đồng tình với những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Đại biểu Lê Minh Nghĩa cho rằng, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,01% cho thấy sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp trước nhiều khó khăn, thách thức. Đại biểu Lê Minh Nghĩa cũng bày tỏ sự đồng tình với những chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra trong năm 2024 và tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế thời gian qua cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2024. Đại biểu Lê Minh Nghĩa cũng kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 như: tiếp tục tập trung đẩy mạnh tiến độ tính tiền sử dụng đối với những dự án đã chấp thuận nhà đầu tư. Đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương tăng chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và triển khai quyết liệt công tác thu hồi các dự án chậm tiến độ. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng trong thực hiện các dự án đầu tư, kể cả dự án đầu tư công và dự án đầu tư trực tiếp. Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Nhiệm vụ này phải có sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương. Liên quan đến nhiệm vụ này, đại biểu Lê Minh Nghĩa cũng đề nghị ngành chức năng của tỉnh cần đánh giá lại kết quả thực hiện chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở ngành DDCI. Đồng thời đề nghị các ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cũng như thu hút đầu tư... Phong Sắc (lược ghi) * Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất Đại biểu Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu thảo luận. Qua nghiên cứu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, tỉnh ta liên tục đối mặt những khó khăn, thách thức, thế nhưng vượt qua khó khăn và thách thức ấy, nền kinh tế tỉnh nhà đã đạt được những kết quả tích cực. Điểm sáng trong bức tranh kinh tế là dịch vụ du lịch được phục hồi đáng kể, sản xuất nông nghiệp ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Đối với sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT có một năm thấm đẫm mồ hôi của người nông dân; vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức của DN cùng với sự chỉ đạo đầy trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương để nông nghiệp có một năm đạt được mục tiêu đề ra, là một năm hầu hết các loại cây trồng đều được mùa, được giá, nhiều thời điểm trong năm giá tăng cao như: Giá lúa, giá mía, giá dứa tăng so với năm 2022. Về chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên tổng đàn của tỉnh; nhiều dự án chăn nuôi lớn đưa vào hoạt động tạo ra giá trị cho lĩnh vực chăn nuôi trong toàn ngành. Về lâm nghiệp, an ninh rừng ổn định, mặc dù nắng nóng kỷ lục nhưng đã kiểm soát tốt cháy rừng trên địa bàn; công tác trồng rừng vượt kế hoạch đề ra. Về thủy sản tạo giá trị thủy sản ngày càng cao, nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh, nhất là nuôi công nghệ cao (sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 73.500 tấn, bằng 103,7% so với năm 2022, tăng 2.700 tấn. Về xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả khích lệ. Riêng về việc trồng và thu mua cây gai xanh, năm 2022 diện tích cây gai xanh trên địa bàn toàn tỉnh là 1.000 ha. Tuy nhiên, do thị trường dệt may thế giới suy thoái ảnh hưởng đến tình hình trong nước. Trước tình hình trên, từ tháng 11/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Tập đoàn An Phước và 18 huyện vùng nguyên liệu (5 văn bản chỉ đạo, 3 báo cáo UBND tỉnh về giải pháp cây gai xanh, trong đó không mở rộng diện tích, ổn định thị trường tập trung thâm canh) đề nghị công ty thanh toán nợ tiền nguyên liệu...). Đến nay, công ty đã thanh toán hết nợ cho người trồng gai và có Văn bản gửi đến Sở NN&PTNT và các huyện thông báo việc tái cấu trúc đã xong. Hiện, Tập đoàn An Phước tiếp tục thu mua và đề xuất mở rộng vùng nguyên liệu năm 2024. Đại biểu Cao Văn Cường cũng thẳng thắn chỉ rõ nhưng tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp đó là chưa có sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để quảng bá giới thiệu và cạnh tranh trên thị trường. Tỷ trọng bảo quản, chế biến nông sản còn thấp so với vùng nguyên liệu hiện có của tỉnh. Sản phẩm chế biến đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao. Liên kết trong sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa nhiều. Đại biểu Cao Văn Cường cũng đề xuất các giải pháp phấn đấu năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao nhất. Trong đó, tập trung sản xuất theo đúng kế hoạch hằng năm; trọng tâm, mở rộng vùng lúa tẻ chất lượng cao, có liên kết, lúa nếp, các loại lúa đặc sản; rà soát lại vùng trồng mía, sắn để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy; mở rộng diện tích liên kết trong sản xuất. Kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; sớm đưa các dự án lớn vào sản xuất. Đảm bảo an ninh rừng, phòng cháy chữa cháy; tập trung chỉ đạo trồng rừng sau khai thác. Tập trung chỉ đạo việc gỡ thẻ vàng Châu Âu; động viên ngư dân vươn khơi bám biển khai thác hải sản đúng quy định. Triển khai hạng mục Dự án nguồn lợi thủy sản để có hạ tầng thủy sản đồng bộ. Chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là khu vực xung yếu về dân cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an toàn tính mạng và đời sống của đồng bào các dân tộc. Đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM và Chương trình OCOP. Trọng tâm, báo cáo Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương công nhận 2 huyện Hậu Lộc, Hà Trung đạt chuẩn NTM năm 2023. Xác định lộ trình để công nhận ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2024, 2025. (Trần Hằng lược ghi) * Tháo gỡ rào cản, đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động Đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh phát biểu thảo luận. Theo đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, hiện nay, còn rất nhiều tồn tại “nổi cộm”, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp (DN). Theo đại biểu, hiện dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh đang bị ngưng trệ. Trong khi các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thừa tiền thì DN lại “đói vốn”. Nhiều vướng mắc trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn tiếp tục tồn tại. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhưng cơ chế, chính sách kịp thời, nhưng thực tế, số DN được thụ hưởng, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ này là rất hạn chế vì kèm theo quá nhiều điều kiện mà DN không thể đáp ứng được. Cùng với đó, vấn đề cải cách hành chính, mà đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực DN còn nhiều hạn chế. Theo phản ánh của DN, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính chồng chéo, rườm rà, phức tạp kéo dài, làm mất cơ hội đầu tư của DN như: Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng... Cùng với đó, vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, yếu kém về năng lực; tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đang ít nhiều gây bức xúc trong DN. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bị tụt giảm so với các năm trước và nằm trong nhóm thấp của cả nước. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, cộng đồng DN luôn ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân, DN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để tạo thêm niềm tin, động lực giúp DN từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn đặc biệt này và phát triển bền vững trong tương lai, cộng đồng DN kiến nghị tới HĐND tỉnh một số vấn đề: Một là: Đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đối với một công việc cụ thể liên quan đến DN; nghiên cứu cách thức giải quyết trong công việc cởi mở hơn. Hiện nay, một số vấn đề cấp tỉnh thường giao cho các nhóm sở ngành liên quan, chủ trì rà soát lấy ý kiến tham mưu nhưng thực tế, rất nhiều công việc kéo dài thời gian, có biểu hiện né tránh trách nhiệm, đùn đẩy lẫn nhau. Do đó, Hiệp hội DN đề xuất, nếu giao công việc cho một đơn vị chủ trì tham mưu trong nhóm sở ngành liên quan, đơn vị chủ trì nên tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến trực tiếp từ các sở ngành trong nhóm liên quan, lập biên bản làm việc chung, làm cơ sở để thực hiện trong xử lý công việc, tránh tình trạng trong nhóm sở ngành liên quan xử lý một công việc thì đơn vị nào cũng được chủ trì cả một vòng tròn. Có như vậy mới rút ngắn tối đa thời gian giải quyết công việc cho DN. Bên cạnh đó, Hiệp hội DN đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, xem xét, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ công chức, viên chức có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; mạnh dạn thuyên chuyển công tác những cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc được giao đến một môi trường công việc khác phù hợp. Hai là: Đối với những văn bản trả lời đề xuất, kiến nghị cho DN, kính đề nghị các sở ngành liên quan hoặc Văn phòng UBND tỉnh cần trả lời cụ thể, rõ ràng, hướng dẫn chi tiết mạch lạc để DN dễ hiểu, dễ thực hiện. Những nội dung không đồng ý chấp thuận thì cần dẫn chứng có lý do cụ thể, tránh xảy ra tình trạng chung chung, cố tình né tránh trách nhiệm để làm khó DN. Ba là: Hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ. Nguyên nhân được xác định do giá vật liệu xây dựng ban hành chưa sát với thực tế, khiến cho DN càng làm càng lỗ, các dự án không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến chậm tiến độ trong việc thực hiện các dự án. Cùng với đó, việc cấp phép khai thác khoáng sản cho các mỏ vật liệu xây dựng với trữ lượng quá thấp so với thực tế, không đủ khối lượng để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh; dẫn đến thiếu hụt vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án, để đáp ứng tiến độ dự án. DN buộc phải mua “chui” với giá cao, không hóa đơn khiến vô tình vướng vào vòng lao lí, mà ngành chức năng cũng rất khó quản lý, lãng phí ngân sách nhà nước. Từ những nguyên nhân nêu trên, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan, sớm có giải pháp thiết thực để khắc phục tình trạng trên để tạo điều kiện phát triển và bảo vệ DN. Bốn là: Đối với việc nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho DN trong các gói được hỗ trợ, kính đề nghị lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa rà soát và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN; đồng thời làm rõ số lượng các DN đã, đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nguồn vốn nêu trên, không dựa trên báo cáo bằng tỷ lệ % số tiền đã giải ngân, mà chú trọng đến việc đã có bao nhiêu DN được thụ hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ. Năm là, Hiệp hội DN tỉnh kiến nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về cho mượn/thuê trụ sở làm việc, nhằm tạo điều kiện cho hiệp hội khi đón tiếp, làm việc với đối tác, các cơ quan chức năng khi đến làm việc và các tổ chức hiệp hội DN, hội ngành nghề, các tỉnh bạn đến giao lưu xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, tổ chức lễ kỷ niệm... xứng đáng vai trò, vị thế của một tổ chức đại diện cho hơn 27.000 DN trên địa bàn tỉnh. Minh Hằng (lược ghi) * Sớm có giải pháp trong tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Thượng tọa Thích Tâm Đức (Lê Văn Huân), Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hoá, Trụ trì chùa Thanh Hà thảo luận tại kỳ họp. Theo phản ánh của đại biểu, những năm qua, công quản lý, bảo tồn, phát huy di tích được các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tu bổ, tôn tạo di tích đã được tiến hành thường xuyên, liên tục. Phần lớn các di tích có niên đại xây dựng từ sớm, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ. Do vậy, trải qua thời gian, tác động của chiến tranh, thời tiết mưa nắng, côn trùng mối mọt xâm thực đã gây nên tình trạng xuống cấp của nhiều di tích. Trong khi đó, về nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy di tích lịch sử văn hóa được thực hiện từ các nguồn như: Nguồn từ Chương trình chống xuống cấp thường xuyên, cấp thiết (từ ngân sách tỉnh) và nguồn từ chương trình phát triển văn hóa hàng năm vẫn chưa đáp ứng đủ, kịp thời... Để giải quyết căn bản tình trạng xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng của các di tích nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân; đồng thời, khai thác có hiệu quả giá trị lịch sử văn hoá của các di tích; đại biểu đề nghị HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu xem xét tăng nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy di tích lịch sử văn hóa hợp lý tương xứng. Đồng thời, gắn đầu tư tu bổ di tích với phát triển kinh tế du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Song song với đó, tỉnh cũng cần thiết ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích đã xếp hạng đang xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, liên quan đến nội dung này, đại biểu cũng kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về thời gian thực hiện các thủ tục hồ sơ phê duyệt tu bổ phục hồi các di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp, nhất là các di tích theo thời gian đã xuống cấp cần phải tu bổ kịp thời cấp thiết. Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở ban ngành cấp tỉnh xem xét nghiên cứu đề nghị các cơ quan chủ trì làm rõ quy mô, tính chất dự án, có cơ chế đặc thù hoặc phân cấp đầu tư các di tích cho UBND cấp huyện thị, thành phố chấp thuận chủ trương đối với các hạng mục tu bổ cấp thiết, có tính chất sửa chữa nhỏ và một số hạng mục phụ trợ không ảnh hưởng đến kết cấu kiến trúc của di tích đã xếp hạng, giúp cho việc tu bổ cấp thiết được kịp thời, nhanh chóng, tránh để xảy ra tình trạng di tích bị xuống cấp nghiêm trọng kéo dài, dẫn đến hư hại nặng. Với những đề xuất trên, đại biểu kính mong HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu có những văn bản quy định mới để các cơ quan chuyên môn có nhiều thuận lợi trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ, tăng cường công tác quản lý điều hành của Nhà nước. Lê Phượng (lược ghi) * Đẩy mạnh “3 động lực” tăng trưởng: “đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu” để tạo nguồn thu trong năm 2024 Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa phát biểu thảo luận. Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa đánh giá, trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đã tác động lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 ở mức cao nhất, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng cấp ủy đảng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai nhiều giải pháp; từ việc ban hành và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, chương trình hành động, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo nguồn thu ổn định cho NSNN. Theo đó, thu NSNN trên địa bàn tỉnh vượt 14% so với dự toán. Tuy thấp hơn so với cùng kỳ nhưng đấy vẫn là mức cao trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Về nhiệm vụ thu NSNN năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước, tronh tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là các “điểm nghẽn” trong hoạt động xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công chậm, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản trầm lắng... sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc thu NSNN ở các địa phương. Để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024, đại biểu Ngô Đình Hùng cho biết: Ngành Thuế tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh như giảm, giãn, gia hạn thuế cho doanh nghiệp theo quy định; từ đó bồi dưỡng, phát triển nguồn thu; phối hợp chặt chẽ với các ngành triển khai tốt nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2024. Bên cạnh đó, đại biểu Ngô Đình Hùng cũng đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN trong năm tới. Trọng tâm là tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ “3 động lực” tăng trưởng, đó là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Theo đó, tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường bất động sản để tháo gỡ những “điểm nghẽn” đang có. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn, có khả năng tạo bước tăng trưởng kinh tế và thu NSNS trên địa bàn tỉnh. (Trần Thanh lược ghi) * Sớm có giải pháp tính tiền sử dụng đất cho các dự án nhằm tạo điều kiện cho các dự án triển khai và đi vào hoạt động Đại biểu Lê Đình Hải, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Thọ Xuân thảo luận tại kỳ họp Theo phản ánh của đại biểu, trong năm 2023, các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh gặp khó khăn trong việc thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất. Từ nguồn thu không đạt đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các kế hoạch đầu tư công trung hạn của huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn; các công trình thực hiện dang dở hoặc đang triển khai thực hiện, làm chậm chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua công tác đấu giá đất cho thấy, nhu cầu của người dân là rất lớn, thị trường còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do giá khởi điểm cao không phù hợp với thực tế hiện nay, nhưng không hạ được, do trước đây khu vực đã trúng đấu giá cao; các nhà đầu tư khó khăn thực hiện xác định giá, do đó cần có giải pháp để khơi thông thị trường từ việc xác định giá, vốn nhà đầu tư, giải pháp kích cầu cho người dân. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị với các huyện, thị xã, thành phố và các nhà đầu tư, các ngân hàng để tìm giải pháp tháo gỡ, kích cầu thị trường bất động sản trong năm 2024, tạo nguồn thu cho các địa phương, cũng như ngân sách tỉnh. Song song với đó, đại biểu cũng đề nghị tỉnh có các giải pháp đẩy nhanh tính tiền sử dụng đất cho các dự án nhằm tạo điều kiện cho các dự án triển khai đi vào hoạt động, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cho biết, trên địa bàn huyện Thọ Xuân, một số dự án cũng đang chậm, mặc dù được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh. Đại biểu đề nghị tỉnh thành lập tổ công tác hoặc giao cho 1 đơn vị cấp sở là đầu mối đấu mối với các sở, ngành khi vướng mắc ở đâu thì tổ chức họp giải quyết ngay, không để các doanh nghiệp đấu mối với nhiều sở, ngành để giải quyết. Cùng với đề xuất, kiến nghị về giải pháp đẩy nhanh tính tiền sử dụng đất cho các dự án, đại biểu Lê Đình Hải cũng đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định, quy trình, trình tự xử lý tài sản công sau sáp nhập một cách đồng bộ để các huyện thực hiện và thường xuyên tháo gỡ kịp thời các vướng mắc khi tổ chức thực hiện. Hiện trạng hiện nay, sau hơn 4 năm không sử dụng tài sản đã xuống cấp, hư hỏng, cử tri và nhân dân đã có nhiều ý kiến. Lê Phượng (lược ghi) * Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương Đại biểu Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Như Thanh phát biểu thảo luận Phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Tiến Dũng đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc hoàn chỉnh các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh; tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp, nhất là các thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Các vướng mắc này là những vướng mắc mà trong các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, hoặc quy định chung chung, do đó các địa phương không thể thực hiện được. Đại biểu Nguyễn Tiến Dũng cũng đề nghị tỉnh xử lý nghiêm các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không đầu tư hoặc đầu tư chậm, đầu tư cầm chừng. Đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để huyện Như Thanh thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như tiêu chí số 17.1 về nước sạch tập trung; tiêu chí số 2.4 về giao thông; chỉ tiêu về môi trường... Đại biểu Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Để hoàn thành tiêu chí về nước sạch tập trung đối với huyện Như Thanh là hết sức khó khăn, do không có doanh nghiệp đầu tư. Nếu huyện đầu tư thì mỗi xã phải đầu tư ít nhất 3 mô hình nước sạch tập trung tại các thôn, kinh phí đầu tư mỗi mô hình khoảng 1,6 tỷ đồng, kinh phí đầu tư một xã khoảng 4,8 tỷ đồng; số xã phải đầu tư là 12 xã, tổng kinh phí khoảng 57,6 tỷ đồng, nguồn kinh phí này là rất lớn đối với huyện Như Thanh khi thực hiện. Phong Sắc (lược ghi) * Rà soát toàn diện công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh phát biểu thảo luận Tham gia thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh cho rằng, trong những năm gần đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội khu vực miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đời sống Nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân còn thiếu đất ở, đất sản xuất... Từ yêu cầu thực tiễn, cũng như kiến nghị, đề xuất của cử tri, đại biểu Nguyễn Xuân Hồng đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi có hiệu quả hơn. Theo đại biểu Nguyễn Xuân Hồng, trước hết, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho khu vực miền núi, nhất là các tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối vùng, các tuyến đường phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất như hồ đập, mương, bai. Đồng thời rà soát, báo cáo các bộ ngành liên quan cho mở thêm một số của khẩu phụ ở các huyện có biên giới với nước bạn Lào. Cụ thể, mở cửa khẩu phụ tại Méng, xã Yên Khương (Lang Chánh) và sớm triển khai tuyến đường giao thông từ Méng đi cụm bản Phôn Xay, nối với đường từ cửa khẩu Khẹo đi huyện Sầm Tớ để Nhân dân hai bên biên giới giao thương buôn bán, phát triển kinh tế và tăng cường mối quan hệ đối ngoại. Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng cũng đề nghị tỉnh cần chỉ đạo đẩy nhanh việc rà soát toàn diện tình hình, kết quả thực hiện quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; chỉ đạo các sở ngành có liên quan sớm bàn giao đất từ các chủ rừng đã được rà soát, thống nhất giao cho địa phương quản lý và giao cho Nhân dân sử dụng, canh tác. Đồng thời khẩn trương tham mưu báo cáo bộ ngành chính thức bàn giao đất của Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh về tỉnh. Nếu thực hiện sớm vấn đề này sẽ khắc phục một phần thiếu đất ở, đất sản xuất cho Nhân dân. Cho rằng, cây luồng - cây bản địa đang được xác định là cây xóa đói, giảm nghèo. Thực tế, giá trị cây luồng, cây nứa, vầu trong nhiều năm gần đây cao gấp nhiều lần so với cây keo và một số loại cây trồng khác. Do vậy đại biểu Nguyễn Xuân Hồng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng Đề án hỗ trợ trồng mới thay thế diện tích luồng thoái hóa, bằng giống luồng có chất lượng cao ở một số huyện miền núi. Trong thảo luận, đại biểu Nguyễn Xuân Hồng cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm giải quyết một số vấn đề, như: hoàn thành việc đầu tư điện lưới quốc gia cho các thôn bản còn lại; đầu tư các trường học, thiết chế văn hóa; tập trung thực hiện bố trí sắp xếp dân cư, nhất là ở vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện miền núi. Chỉ đạo các sở, ban ngành cơ quan chuyên môn khảo sát, hội thảo đánh giá và đề nghị xếp hạng quần thể núi Chí Linh là di tích lịch sử cấp Quốc gia... Đỗ Đức (lược ghi) * Phát huy tối đa năng lực sản xuất để hoàn thành chỉ tiêu đề ra Đại biểu Trịnh Tuấn Thành, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn thảo luận tại kỳ họp. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Tuấn Thành, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn thống nhất với các báo cáo, tờ trình đã được trình bày tại kỳ họp, đặc biệt là kết quả khá toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà tỉnh đạt được trong năm 2023. Đây chính là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất của các cấp uỷ, đảng, chính quyền; là hành động quyết liệt, trách nhiệm vì sự phát triển chung của lãnh đạo tỉnh cũng như cộng đồng DN. Đại biểu cũng hoàn toàn thống nhất với các chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được đề ra cho năm tăng tốc 2024. Đối với chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, theo đại biểu đây là chỉ tiêu khá cao trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn, biến động khó lường, nhất là ảnh hưởng của tình hình chính trị - kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với năng lực sản xuất hiện hữu trên các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoàn thành công tác bảo dưỡng, một số nhà máy chuẩn bị hoàn thiện đi vào vận hành sẽ là động lực cho việc hoàn thành nhiều chỉ tiêu đề ra. Với riêng thị xã Bỉm Sơn, trong bối cảnh nhiều khó khăn chung của thị trường, địa phương cũng đã có nhiều giải pháp linh hoạt điều hành và đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, quy mô kinh tế của thị xã hiện duy trì vị trí thứ 3 toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế ổn định với 81% là công nghiệp - xây dựng, 17% dịch vụ - thương mại, 2% nông lâm thuỷ sản; thu ngân sách Nhà nước vượt 27% dự toán tỉnh giao; thu ngân sách địa phương vượt 62% dự toán tỉnh giao. Sang năm 2024, trên địa bàn thị xã có một số nhà máy mới đi vào hoạt động như Nhà máy Công Nghiệp SAB Việt Nam; Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial của Công ty TNHH lốp COFO Việt Nam... kỳ vọng sẽ đóng góp thêm năng lực sản xuất công nghiệp cho thị xã nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đại biểu Trịnh Tuấn Thành cũng kiến nghị tới HĐND tỉnh một số vấn đề cần được xem xét, chỉ đạo giải quyết: Một là đối với dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt tại bãi rác núi Voi bị chậm tiến độ, gây bức xúc trong Nhân dân. Theo chủ đầu tư dự án này, hiện các thủ tục hồ sơ để được giao đất đã được doanh nghiệp hoàn thiện, nhưng hiện nay dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất. Thứ hai, hiện nay trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn còn tồn tại khoảng 11 ha diện tích đất là trụ sở các doanh nghiệp trước đây vào xây dựng Nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Tuy nhiên, hiện diện tích này sử dụng không hiệu quả, cơ sở vật chất xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn. Trong đó có 2,5 ha hết hạn sử dụng, có thể thu hồi và 4,3 ha đến năm 2026 hết thời hạn giao đất. Hiện thị xã đã làm việc với các doanh nghiệp, tuy nhiên do năng lực, hiệu quả hoạt động kém nên chưa có định hướng đầu tư. Thị xã Bỉm Sơn đề nghị tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành rà soát lại diện tích đất này để sớm có hướng giải quyết, đưa vào sử dụng hợp lý, hiệu quả. Minh Hằng (lược ghi) |
Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật...