* Tập trung chỉ đạo 3 động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tại Thanh Hóa ước đạt 7,01%. Tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng Thanh Hóa vẫn nằm trong top đầu cả nước về chỉ tiêu này. Sở dĩ chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh thấp so với kế hoạch, phần lớn đến từ nguyên nhân khách quan của thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới khiến cầu thị trường giảm, tiêu thụ hàng hóa khó khăn. Một số sản phẩm công nghiệp truyền thống đạt thấp, đặc biệt là xi măng, thép. Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng tổng thể khiến sản lượng giảm so với cùng kỳ.
Mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 tỉnh Thanh Hóa đặt ra là 11%. Cơ sở xây dựng chỉ tiêu này dựa trên những dự báo, kỳ vọng về thị trường đầu tư, tiêu thụ sẽ “ấm” lên trong thời gian tới. Theo đó, với năng lực sản xuất hiện hữu phát huy hết công suất đã có thể đưa Thanh Hóa đạt mục tiêu. Cùng với đó là các cơ sở, dây chuyền công nghiệp mới như nhà máy lốp, dây chuyền 2 thép Nghi Sơn, một số nhà máy may mặc, giày da... đang hoàn thiện và dự báo đi vào vận hành trong năm 2024. Tuy nhiên, để phát huy tốt các dư địa tăng trưởng này, tỉnh cần sát sao hỗ trợ các nhà máy hoạt động ổn định, tập trung kích cầu để tiêu thụ tốt cả nội địa và xuất khẩu nhằm tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm tới, công tác đầu tư mà đặc biệt là đầu tư công cần được chú trọng đặc biệt. Năm 2023, tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cao hơn cả nước nhưng một số lĩnh vực nguồn vốn giải ngân chậm và dự kiến không “tiêu” hết vốn phân bổ như: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nguồn vốn đầu tư ODA, vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững... Toàn tỉnh có 18 chủ đầu tư hiện đang giải ngân chậm nguồn vốn đầu tư công, trong đó có 6 sở, ngành và 8 chủ đầu tư cấp huyện.
Trong bối cảnh thị trường đầu tư, tiêu thụ còn khó khăn, trong năm tới, các chủ đầu tư cần chủ động, tích cực hơn trong công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện và giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt, cần chuẩn bị các điều kiện liên quan tới thực hiện dự án như quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng; đồng thời chuẩn bị bài bản thủ tục pháp lý để thuận lợi và nhanh chóng, rút ngắn thời gian thẩm định thủ tục, hồ sơ dự án. Trong năm 2024, tỉnh cần tổ chức ký cam kết sớm về giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho các chủ đầu tư tập trung triển khai nhiệm vụ này ngay từ đầu năm.
* Phát triển các sản phẩm công nghiệp mới, có hàm lượng công nghệ cao, tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Đồng chí Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tham luận tại hội nghị.
Trong sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, sản xuất công nghiệp đã và đang tiếp tục có những đóng góp rất lớn. Cụ thể, lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng công suất liên tục; chỉ số công nghiệp ước tăng 4,87%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ như: điện sản xuất tăng 77,5%; giày thể thao tăng 6,2%; giấy bìa các loại tăng 8,3%... Bên cạnh những kết quả đạt được thì một số sản phẩm cũng gặp khó khăn như, xi măng, đường, xăng... Bên cạnh đó, việc cung cấp điện cho vùng nông thôn cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, ngành công thương là chủ đầu tư cho chương trình cấp điện vùng nông thôn đã hoàn thành việc cấp điện cho 80 thôn, bản miền núi, đưa việc thực hiện chương trình phát triển miền núi về đích trước 2 năm.
Mặc dù một số chỉ tiêu của ngành công thương chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng đây cũng là những kết quả đáng khích lệ trong tình hình phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nguyên nhân của thực trạng trên, là do suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2022, xuất khẩu rơi tự do nên nền kinh tế của cả nước và tỉnh bị ảnh hưởng. Việc thu hút đầu tư gặp khó khăn, do chưa có các khu, cụm công nghiệp đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư. Toàn tỉnh đã thành lập 45 cụm công nghiệp, nhưng không phải cụm công nghiệp nào cũng chậm. Có những cụm công nghiệp thành lập 3 năm nhưng chưa bàn giao do không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa có chủ trương hạn mức đất lúa như ở các huyện Triệu Sơn, Nông Cống... Thậm chí có những nơi đã có nhà đầu tư thứ cấp nhưng vẫn không san lấp, bàn giao được đất như ở huyện Hoằng Hóa.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới các cấp ngành, đơn vị liên quan cần giải quyết các vấn đề vướng mắc xung quanh các thủ tục hành chính khi thành lập khu, cụm công nghiệp Chú trọng công tác rà soát, điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch cấp dưới phù hợp với quy hoạch cấp trên, các loại quy hoạch phải đồng bộ, công khai minh bạch để nhà đầu tư chủ động tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Đối với các địa phương khi đề xuất thành lập cụm công nghiệp thì cần đảm bảo các điều kiện quy hoạch như quy hoạch chung, quy hoạch về sử dụng đất, hạn mức đất lúa, ưu tiên phân khai, bố trí quỹ đất cho phát triển công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất.
Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật...