Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư.
Sáng cùng ngày, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung Phiên họp…
9h21: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư đối với lĩnh vực giao thông vận tải
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong phiên chất vấn đã có 112 đại biểu Quốc hội đăng kí chất vấn, trong đó có 20 đại biểu đặt câu hỏi và 17 đại biểu tranh luận. Còn 76 đại biểu đăng kí chất vấn và 2 đại biểu đăng kí tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, rất thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn, rất tích cực đeo bám, tranh luận để làm rõ thực trạng và trách nhiệm. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, đã trả lời đầy đủ, nhận diện đúng các tồn tại trong ngành, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của Bộ và ngành giao thông vận tải.
Qua báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành 4/5 quy hoạch ngành quốc gia; tích cực triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia; kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ đạt khá so với mặt bằng chung của cả nước. Đã đưa vào khai thác, sử dụng 566 km đường cao tốc phía đông giai đoạn 1 (2016 – 2020), đang tích cực triển khai và chuẩn bị khởi công các dự án mới… Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Tai nạn giao thông hằng năm tiếp tục giảm ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng bước được kiềm chế…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giao thông vận tải vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vướng mắc, khó khăn như: Việc tổ chức triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia còn chưa đạt yêu cầu, giải ngân đầu tư công rất chậm; các hình thức PPP và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn rất hạn chế; chưa có giải pháp giải quyết căn bản tồn đọng, vướng mắc của một số dự án BOT. Thiếu cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt; chất lượng dịch vụ vận tải, logistics còn chưa đáp ứng yêu cầu. Để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phạm vi rộng, thời gian dài trong hoạt động đăng kiểm chưa được chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời; việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau cấp phép còn nhiều bất cập và yếu kém. (còn tiếp)
9h05: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng: Luật Quy hoạch không có lỗi
Về quy hoạch chuyên ngành mạng lưới trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Quy hoạch không có lỗi, mà vấn đề ở phản ứng chính sách của Bộ Giao thông vận tải. Khi Luật ra đời, quy hoạch này hết hiệu lực, bị bãi bỏ, đáng ra Bộ cần chỉ đạo Cục Đăng kiểm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm soát, nhưng Bộ đã không kịp làm việc đó, đây là một trong những nguyên nhân khiến các trung tâm đăng kiểm nở rộ.
Về nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong việc cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công. Việc cấp đổi gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu, có thể đăng ký cấp đổi qua mạng. Đối với việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, qua việc thanh kiểm tra trong thời gian qua, Bộ đã nhận diện được vấn đề. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong phân định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải các tỉnh trong thanh tra, kiểm tra đào tạo, cấp phép lái xe. Đến nay toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp phép lái xe đã được phân cấp xuống địa phương, Bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải khắc phục triệt để vấn đề này.
Về vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cần giải quyết tháo gỡ về lâu dài, không thể hoàn thành một sớm một chiều. Bộ trưởng cho rằng cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Nếu ở vùng lõi tiếp tục mọc lên các chung cư cao tầng thì tình trạng ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn. Trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị thì cần chú trọng đến đất giao thông. Bộ trưởng cho rằng đất giao thông cần từ 16 đến 26% đất đô thị, tuy nhiên hiện nay chúng ta chỉ dành khoảng 8 đến 9%.
Bên cạnh đó, việc phát triển phương tiện công cộng cũng là vấn đề cấp thiết, trong đó, đường sắt đô thị cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, thúc đẩy tiến độ, cần tổ chức sắp xếp để mở rộng không gian, triển khai quyết liệt các tuyến đường vành đai, tuyến tránh.
Đối với vấn đề sử dụng cát biển trong xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía đông, Bộ trưởng cho biết, hiện nay theo quy hoạch chúng ta vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho quá trình thi công dự án này. Riêng với dự án Cần Thơ – Cà Mau, trên cơ sở Bộ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc trực tiếp với 3 tỉnh, Thủ tướng đã giao các địa phương cung cấp vật liệu. Bộ trưởng cho biết, các tỉnh rất ủng hộ, đang làm quy trình thủ tục để cấp phép vật liệu cho tuyến đường này.
9h04: Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận
Đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Dương Văn Phước tuy mới nhận nhiệm vụ nhưng đã nắm rõ được vấn đề, trả lời thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm. Tuy nhiên còn vấn đề chưa được trả lời thấu đáo, nhất là việc quản lý thi công các tuyến đường thuộc trách nhiệm của Bộ.
Đại biểu Dương Văn Phước cho biết, khi thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, VEC chưa thi công hoàn trả 17 tuyến đường gom, đường dân sinh, đường mượn của địa phương để vận chuyển vật liêu thi công như đã cam kết; hay việc không thiết kế đường cho người đi bộ gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, gây bức xúc cho cử tri.
Đại biểu cho biết cử tri cần lời giải trình có trách nhiệm từ Bộ trưởng?
9h02: Đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tranh luận
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phản ánh về tình trạng tăng công suất khai thác tại các mỏ cát khi triển khai dự án có thể gây sụt lún, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng làm rõ các giải pháp cho tình trạng này khi triển khai các dự án trong thời gian tới?
9h01: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân?
Đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, nhiều đoạn tuyến cao tốc, đường bộ đã được đầu tư giai đoạn một không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của đường cao tốc. Những đoạn tuyến này thường xuyên ùn tắc và gây tai nạn giao thông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới?
Để hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là tại các đô thị và các khu vực tập trung đông người. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ có giải pháp như nào?
9h00: Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Có hiện tượng mua đi bán lại các mỏ vật liệu xây dựng hay không?
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, tại Nghị quyết 18 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đặt ra yêu cầu, các địa phương phải giao trực tiếp các mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, không để xảy ra tình trạng mua đi bán lại, đẩy giá lên cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết công tác giao của mỏ vật liệu như thế nào? Có hiện tượng mua đi bán lại hay không?
Cũng theo đại biểu, khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các tuyến đường cao tốc, Quốc hội đã tạo điều kiện tối đa về việc giao các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để Chính phủ triển khai thực hiện. Bộ trưởng cũng cho rằng, hiện nay, về cơ bản đã giải quyết được. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, trong lúc chờ giao các mỏ vật liệu thì các nhà thầu vẫn phải đảm bảo tiến độ, do đó phải mua vật liệu ở nơi khác đẩy giá lên cao. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những khó khăn này của các nhà thầu đã được Bộ Giao thông vận tải xử lý như thế nào?
8h59: Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Giải pháp khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe
Đại biểu Tráng A Dương cho biết quản lý tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần giúp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn, qua đó giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên?
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, việc ùn tắc giao thông tại các khu đô thị lớn, nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không có dấu hiệu giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính của tình trạng trên và những giải pháp Bộ sẽ cùng các địa phương thực hiện trong thời gian tới?
8h40: Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tranh luận liên quan đến chất lượng công tác thanh tra
Liên quan đến chất lượng công tác thanh tra, đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhận thấy, Bộ trưởng đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến tồn tại trong vi phạm trong đăng kiểm, nhất là vi phạm trong sát hạch giấy phép lái xe. Đến nay, cơ quan điều tra các tỉnh đã khởi tố 68 vụ, trên 600 bị can liên quan đến đăng kiểm viên, còn liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực sát hạch giấy phép lái xe thì đã khởi tố đến hai con số và vi phạm này đã kéo dài. Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng trả lời đã chỉ đạo thanh tra 63 tỉnh, thành, qua thanh tra, cơ bản là không phát hiện vi phạm, trong khi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm qua, Bộ trường nói rằng đã chuyển 6 vụ việc liên quan đến sát hạch giấy phép lái xe liên quan đến vi phạm do cơ quan điều tra để xem xét.
Do vậy, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị Bộ trưởng cho biết suy nghĩ về chất lượng thanh tra. Chất lượng thanh tra do năng lực của cán bộ thanh tra hay do nể nang, né tránh hay do một áp lực gì khác mà qua thanh tra không phái hiện vi phạm gì khác để cơ quan điều tra khởi tố.
Liên quan đến vi phạm sát hạch cấp giấy phép lái xe tại một số tỉnh và cơ quan điều tra đã khởi tố, trong đó có việc bôi trơn, đại biểu Lý Văn Huấn đặt câu hỏi, Bộ trưởng có biết việc này hay không? Công tác chỉ đạo của Bộ trưởng như thế nào, đặc biệt là giải pháp tới đây mà Bộ trưởng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra?
8h42: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng: Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giảm chi phí logistics
Trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề logistics, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt nhất việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm đến việc kết nối mạng lưới giao thông. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quy hoạch cảng hàng không, chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giảm chi phí logistics.
Đối với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng cho biết, đây là một trong những tồn tại, nguyên nhân khiến xảy ra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm. Đặc thù của hoạt động đăng kiểm là tương đối khép kín, nên khi thanh tra tiến hành kiểm tra, chỉ kiểm tra được trên hồ sơ, trong khi sai phạm lại không nằm trên hồ sơ, hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn xảy ra sai phạm.
Bộ trưởng cho biết, qua phân tích kỹ, có lỗ hổng trong hệ thống công nghệ thông tin, khi phần mềm bảo mật kém, bị lợi dụng, các trung tâm đăng kiểm đã sử dụng phần mềm can thiệp làm thay đổi số liệu trong hệ thống, nếu kiểm tra hồ sơ thì không thể phát hiện được. Đó là khó khăn của công tác thanh tra, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng thời gian qua thanh tra đã làm chưa hết trách nhiệm.
Bộ trưởng cho biết, ngay khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng đã tiến hành thanh tra hệ thống đăng kiểm, thanh tra việc đào tạo, cấp phép lái xe, huy động lực lượng tập trung vào công việc này, từng bước khắc phục vướng mắc. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ siết chặt hơn nữa, ban hành các Nghị định, thông tư để làm cơ sở cho công tác thanh tra, kiểm tra được quản lý tốt hơn, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thanh tra, xây dựng đề án tách kinh doanh dịch vụ công khỏi công tác quản lý để đảm bảo thanh tra, kiểm tra được khách quan, minh bạch.
Đối với việc hoán cải xe, Bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu của người dân là chính đáng, hiện nay việc hoán cải từ xe 16 chỗ thành xe 9 chỗ đã được quy định trong Thông tư 85 của Bộ Giao thông vận tải, trong đó giao nhiệm vụ này cho các Sở Giao thông vận tải của các tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo xe cơ giới mà có đăng kiểm tại địa phương. Nếu Sở Giao thông vận tải không đủ điều kiện thì Cục Đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện, trong đó chỉ thực hiện hoán cải với các xe không kinh doanh vận tải.
8h39: Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tranh luận:
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhận thấy, một số dự án mà Bộ trưởng nêu ra thì chưa có thời gian, thời hạn, chưa có khẳng định cụ thể, nhất là đối với các dự án BOT. Do đó, đại biểu đề nghị với nhiều dự án, Bộ trưởng cần có cam kết hết sức cụ thể để người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm.
Liên quan đến huy động nguồn lực cho giao thông, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, trong phát triển kết cấu đường giao thông không thể cái gì cũng dùng NSNN. Tuy nhiên trước thực trạng Luật PPP ban hành vừa qua, chúng ta phải chuyển dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Đại biểu nhận thấy, nêu không có giải pháp căn cơ để huy động được nguồn lực phát triển kết cấu đường giao thông thì sẽ rất khó khăn cho đất nước ta. Giải pháp mà Bộ trưởng đã đưa ra như kêu gọi xúc tiến đầu tư chỉ là 1 phần, còn vấn đề liên quan đến thể chế chính sách, nhât là quy định về tỉ lệ vốn Nhà nước trong Luật PPP, quy định của Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi ngân sách ở Trung ương và địa phương còn nhiều điểm vướng.
Do vậy, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Bộ trưởng phải tổng kết, đánh giá và tham mưu cho Chính phủ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý vấn đề liên quan đến thể chế để khơi dậy nguồn lực, sự cần thiết cho phát triển giao thông trong thời gian tới.
8h33: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận về vấn đề giảm bớt chi phí logistics bền vững, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường sắt của Việt Nam hiện đại để tạo ra một hệ thống giao thông nòng cốt, trụ cột, xương sống và xuyên suốt đất nước. Từ đó kết nối thị trường trong nước và ngoài nước. Đây là vấn đề rất lớn, rất khó nhưng nên làm và phải làm. Đại biểu cũng gửi ý kiến này tới Phó Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
8h30: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp. Trong phiên chất vấn trước, Bộ trưởng cho biết đây là việc làm khả thi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng báo cáo kết quả việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp ở miền Tây.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trách nhiệm quản lý nhà nước vầ logistics là thuộc Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm trong việc đầu tư, tổ chức vận tải đa phương thức. Thực tế hiện nay, đóng góp chi phí logistics trong GDP là thấp, nhưng chi phí logistics trong giá thành lại cao. Đây là một nghịch lý.
Về cơ chế đặc thù cho Tp.Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian thí điểm là 5 năm, đến nay đã đến năm thứ 2, nhưng vẫn chưa triển khai. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải tập trung triển khai, nếu có vướng mắc về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì cần báo cáo sớm để tháo gỡ.
8h01: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng: Còn nhiều dư địa giảm chi phí logistics
Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thông lệ quốc tế chi phí logistics đều được so sánh với GDP. Năm 2022 ở mức 16,8% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025, chi phí logistics chiếm khoảng từ 16-20%. Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. Đây cũng kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư phát triển các cảng cạn, trung tâm logistics để đẩy mạnh các phương vận tải đa phương thức. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta đã ban hành 4 quy hoạch; chỉ còn quy hoạch về cảng không Bộ Giao thông vận tải đã trình lấy ý kiến hoàn tất thủ tục và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có 5 quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tính toán phương án kết nối đầu tư giữa các vùng.
Ngoài ra, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng. Chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lãng phí xã hội.
Trả lời tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung về trách nhiệm của bộ trong việc chậm phản ứng, khiến các Trung tâm đăng kiểm chậm hoạt động trở lại do thiếu đăng kiểm viên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như các Trung tâm đăng kiểm là một sự cố hết sức đau xót đối với lĩnh vực đăng kiểm nói riêng cũng như ngành giao thông vận tải nói chung. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng với Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do công an các địa phương thực hiện, không phải là Bộ Công an. Về nguyên tắc điều tra, không trao đổi trước với Bộ Giao thông. Do vậy, với tinh thần khi xảy ra ở đâu, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để có phương án giải quyết. Bộ Giao thông có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện, việc thu giữ máy móc, thiết bị và tài liệu niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra có thể làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho trung tâm kiểm để để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.
Tuy nhiên thì 75% trung tâm đăng kiểm của các doanh nghiệp tư nhân, nên không phải muốn khôi phục lại là khôi phục được. Đặc biệt, lực lượng bị khởi tố, bắt giam ở các trung tâm đăng kiểm chủ yếu là nhân lực chủ chốt, đăng kiểm viên bậc cao, thường mỗi trung tâm chỉ có một người và thường giữ vai trò lãnh đạo của trung tâm.
Về trách nhiệm, ngay từ đầu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo khi xảy ra các vụ việc tại các trung tâm đăng kiểm về các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định sửa đổi 139, như vậy các điều kiện liên quan đến hoạt động của Trung tâm đăng kiểm cơ bản được đảm bảo.
Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thị Phúc liên quan đến dự án BOT dừng thu phí, Bộ Giao thông vận tải đang đốc thúc, trong trường hợp doanh nghiệp chưa chịu bàn giao, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ chỉ đạo để thực hiện việc tiếp quản; nơi nào hỏng hóc cần phải nâng cấp, bảo trì, Bộ Giao thông vận tải thực hiện.
Về kế hoạch nâng cấp sân bay Côn Đào, Bộ Giao thông vận tải đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã phê duyệt dự án để triển khai thực hiện việc nâng cấp.
Đối với ý kiến của đại biểu liên quan đến Quốc lộ 27, trong kỳ họp nào Bộ cũng nhận được ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, việc nâng cấp 30km rất cần thiết. Chính vì thế, Bộ Giao thông vận tải cũng nghiên cứu lập dự án nâng cấp, cải tạo, nhưng khi trình Chính phủ và Quốc hội nhưng do điều kiện nguồn vốn có hạn nên chưa được xem xét.
Bộ Giao thông vận tải đã dành quỹ bảo trì để xử lý, trong đó năm 2023 dành hơn 40 tỷ, đặc biệt năm 2024 dành ra 124 tỷ để bảo trì và sửa chữa một số đoạn. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận thấy, để xử lý dứt điểm vấn đề này cần phải phải xây dựng dự án đầu tư nâng cấp trong thời gian tới.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu về khó khăn trong tiếp cận nguồn cát của các nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực tế này có trên thực tế nhưng không phải là phổ biến, chỉ diễn ra ở một vài dự án trong giai đoạn đầu triển khai dự án. Bởi khi chưa thực hiện quy trình, thủ tục để được cấp mỏ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội cần có quy trình, thủ tục và mất thời gian, khi đó các doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu trên trên thị trường, vấn đề này cơ bản được giải quyết.
Trả lời ý kiến của đại biểu về giải pháp phát huy hơn nữa phương thức vận tải đường biển để tận dụng chiều dài của bờ biển hơn 3.200 km, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang triển khai các quy hoạch lĩnh vực hàng hải làm cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải; tiếp tục phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các điểm nghẽn về kết nối hạ tầng; tập trung phát triển, nâng cao năng lực vận chuyển các chặng ngắn; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng biển theo đúng quy hoạch và cố gắng thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính lớn có kinh nghiệm trên thế giới.
Giải trình chất vấn của đại biểu về vi phạm của các doanh nghiệp vận tải, giải pháp của Bộ trưởng đưa ra là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để quản lý các phương tiện này; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt phần mềm giám sát hành trình, lắp đặt các camera giám sát hành trình nhằm theo dõi, giám sát thời gian lái xe, tuân thủ đúng quy định về các biện pháp an toàn hành khách…
8h00: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tiếp theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn và ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên họp chiều qua.
Theo Cổng TTĐT Quốc hội