Du lịch được xác định là ngành “công nghiệp không khói”, ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế hỗ trợ như giao thông - vận tải, viễn thông, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, lưu trú, ăn uống phát triển theo; đem lại một thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn, tạo nhiều việc làm, nhất là việc làm cho những lao động tại địa phương nơi có các khu, điểm du lịch.
Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ; có hệ thống giao thông với hệ thống đường bộ, đường sắt Bắc - Nam đi qua; có cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không quốc tế. Cùng với đó, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, 5 di tích quốc gia đặc biệt là, Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn.
Hệ thống văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa đa dạng và đặc sắc với các loại hình nghệ thuật, các làn điệu dân ca, dân vũ như hò sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn Đông Anh, trò diễn Xuân Phả… Về ẩm thực, nhiều món ngon của xứ Thanh đã nức tiếng cả nước xưa nay, trong đó có nhiều sản vật trong lịch sử từng được dùng để tiến vua. Bên cạnh đó các làng nghề xứ Thanh với lớp lớp nghệ nhân tài hoa đã làm nên những sản phẩm nổi tiếng cả nước, hiện để lại một di sản đồ sộ, là nguồn tài nguyên không nhỏ cho du lịch khám phá.
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa có nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa… Ở khu vực thượng du, với dáng núi, hình sông quanh co uốn khúc, sơn kỳ thủy tú, thảm thực vật đa dạng, phong phú, đã tạo ra rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó có thể kể đến như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương. Khu vực TP. Thanh Hóa nổi bật nhất là thắng cảnh Hàm Rồng - Sông Mã và nhiều di tích, lễ hội văn hóa đặc sắc vệ tinh. Những tài nguyên đó là điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa phát triển ngành công nghiệp không khói, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã tiếp tục xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế dịch vụ, thuộc nhóm các tỉnh có ngành du lịch phát triển của cả nước. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch, làm cơ sở để thu hút đầu tư khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch; chú trọng thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, ưu tiên các dự án có sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và khác biệt, để xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực du lịch có chất lượng và tính chuyên nghiệp cao, chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, nâng cao sức hấp dẫn du khách. Phấn đấu năm 2025, đón 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 850.000 lượt; đưa du lịch trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng.
Để khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua Thanh Hóa đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã có 44 quy hoach du lịch đã được phê duyệt và 10 quy hoạch đang được triển khai nghiên cứu. Công tác đầu tư hạ tầng phát triển du lịch được tỉnh hết sức quan tâm. Cùng với 40 dự án đã hoàn thành trước đó, hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có 12 dự án đầu tư hạ tầng đang được cấp vốn triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 7.695 tỷ đồng. Trong số đó có nhiều dự án đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho du khách và Nhân dân tiếp cận các khu, điểm du lịch.
Trên cơ sở các quy hoạch và hạ tầng kinh tế - xã hội đã được tạo ra, Thanh Hóa đã đa dạng hóa cách thức kêu gọi đầu tư và đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch như Tập đoàn FLC, VinGroup, Sungroup, Flamingo, BRG, T&T, TNG… đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn tại Thanh Hóa như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Sầm Sơn, Khu tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn Vincom, Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường; dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn, Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En; Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên, Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân... tạo bước đột phá về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh.
Theo đó, các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa ngày càng phong phú và đa dạng. Sản phẩm du lịch biển đã khẳng định được thương hiệu, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng bước đầu hình thành và phát triển tích cực. Đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về du lịch được nâng cao, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, môi trường du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Những yếu tố đó đã giúp uy tín, vị thế, thương hiệu du lịch Thanh Hóa được cải thiện rõ rệt, hình ảnh đất và người xứ Thanh dần được quảng bá ra quốc tế.
Thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát năm 2019, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa đạt trên 9,6 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt trên 14.500 tỷ đồng, là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng về du lịch thuộc tốp đầu cả nước.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong hơn 2 năm qua khiến cho ngành Du lịch gần như phải đóng cửa, một số mục tiêu mà ngành đặt ra trong năm 2020, 2021 không hoàn thành. Để gỡ khó cho hoạt động du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực, chủ động phát huy nội lực, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết khó khăn và khôi phục ngành kinh tế du lịch; tập trung nguồn lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn với những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp để nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh khác biệt, nổi trội; thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch có mức chi cao và khách quốc tế sau khi thị trường du lịch mở cửa trở lại; tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương trọng điểm về du lịch trong cả nước và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch và tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch…
Sau khi tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4399/QĐ-UBND quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hoạt động du lịch đã từng bước phục hồi và hoạt động trở lại, nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp an toàn, đa dạng, đổi mới sản phẩm du lịch đón khách trong nước. Nhất là chuẩn bị “đón đầu” cho một thời kỳ phát triển du lịch mới khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch, rộng cửa đón khách quốc tế từ ngày 15-3-2022, tỉnh và ngành Du lịch Thanh Hóa đã và đang có nhiều biện pháp kích cầu du lịch nhằm đưa du lịch trở lại quỹ đạo trên một “đường băng” cất cánh mới mẻ hơn. Và mở đầu cho hành trình mới được đánh dấu bằng việc ngày 11-3-2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa; phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá.
Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, việc xây dựng và công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa ở thời điểm này cho thấy khát vọng và quyết tâm rất lớn của tỉnh trên hành trình trở thành một trọng điểm du lịch quốc gia. Ngành Du lịch Thanh Hóa đang trở lại một cách rất mạnh mẽ, tạo ra xung lực, niềm tin rất lớn sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra không chỉ trong năm 2022 mà cả giai đoạn tiếp theo.
Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 17.920 tỷ đồng. Để hiện thực mục tiêu này cần phải có cách làm tươi mới, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt, có tính cạnh tranh cao. Lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hoá; Phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa chính là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa; đồng thời cũng là thông điệp, sự cam kết mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp du lịch và người dân trong tỉnh quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến “An toàn, thân thiện và hấp dẫn”.
Biểu trưng du lịch Thanh Hóa với slogan “Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” được chọn quảng bá đến với bạn bè, du khách, như một lời khẳng định về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch; đồng thời cũng là một lời mời chào, khích lệ du khách muôn phương đến trải nghiệm và khám phá du lịch Thanh Hoá với bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. Slogan ngắn gọn, súc tích nhưng quy tụ đầy đủ nét tinh hoa ở vùng đất xứ Thanh với con người thân thiện, điểm đến hấp dẫn. “Hương sắc bốn mùa” sẽ là một câu chuyện muốn kể với du khách về vùng đất xứ Thanh 4 mùa trong năm đều tuyệt đẹp với những sắc thái riêng, vẻ đẹp riêng - độc đáo, hấp dẫn.
Trước mắt, tỉnh Thanh Hóa đã sẵn sàng các điều kiện để tổ chức những sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là chuỗi sự kiện trong suốt mùa hè hứa hẹn một mùa hè sôi động với sự đồng hành của các tập đoàn lớn như Sun group, FLC.
Để cùng hợp sức phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, ngành Du lịch Thanh Hóa đang tích cực tham gia, hình thành liên minh kích cầu du lịch; tỉnh kêu gọi, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch phối hợp thực hiện các chiến dịch kích cầu du lịch, với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”, bảo đảm tiêu chí an toàn, hấp dẫn khách du lịch. Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; Chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn với những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh thu hút khách du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; Tăng cường liên kết các tỉnh, thành phố kết nối tạo hành lang an toàn thu hút khách du lịch; Chỉ đạo tập trung các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch, hợp tác với các hãng hàng không mở lại, mở mới đường bay an toàn.
Nhằm quảng bá rộng rãi thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã và đang tích cực xây dựng các kế hoạch, nội dung tuyên truyền quảng bá hoạt động du lịch, như giới thiệu các ấn phẩm, vật phẩm gắn bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; đẩy mạnh truyền thông trên các kênh truyền hình, trên website và nền tảng số; tổ chức và tham gia tổ chức các sự kiện xúc tiến, tuyên truyền, giới thiệu về du lịch Thanh Hóa bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp; ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên tuyền, quảng bá du lịch, như xây dựng hệ thống dữ liệu du lịch thông minh: số hóa hệ thống khu, điểm du lịch, tài nguyên du lịch...
Mục tiêu đặt ra đối với du lịch Thanh Hóa đến năm 2025 là trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh, thuộc nhóm địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước. Thông qua việc xây dựng và công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa với slogan “Hương sắc bốn mùa” cho thấy tầm nhìn mới của du lịch xứ Thanh đã vượt lên, bay cao nhằm phát huy hết giá trị, tiềm năng, để xứ Thanh quanh năm là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn của du khách.
Xuất bản: 0:13:03:2022:15:59