• :
  • :

“Nam châm” thu hút trí tuệ xã hội

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngôn: Tình yêu báo Đảng còn mãi trong tôi

“Nam châm” thu hút trí tuệ xã hội

Trong nhà tôi cơ man là sách báo, thôi thì đủ loại có cả của Trung ương và địa phương. Tôi xem sách báo như là một phần tài sản mà mình có được. Tôi yêu quý và trân trọng, nâng niu giữ gìn, nhất là bộ sưu tầm báo xuân từ những năm xưa cũ đến nay. Trong số các tờ báo xưa cũ nhầu nhĩ, bạc phếch theo sự mài mòn của thời gian ấy những tờ Báo Thanh Hóa - Báo Đảng - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa được tôi yêu hơn cả. Có mấy lý do cắt nghĩa cho tình yêu ấy:

1.Tôi có người bác ruột là nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng phòng Văn hóa của Báo - người phóng viên ảnh đầu tiên của báo có vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ. Những năm 1976 đến 1978, khi là học sinh chuyên Văn của tỉnh, tôi sống cùng bác tại Tòa soạn Báo Thanh Hóa. Lúc ấy, cũng như các cơ quan khác, báo Đảng cũng ở trong những căn nhà luồng lợp kè cũ kỹ, chỉ có khu nhà hội trường là lợp ngói đỏ Cẩm Trướng. Chỗ làm việc và sinh hoạt của phóng viên cùng ở trong một phòng với những trang thiết bị sơ sài, giản dị. Tôi được chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc mê say, có phần tất bật kham khổ, vất vả của phóng viên mà đem lòng cảm phục tin yêu. Tôi kính yêu bác cùng những nhà báo như: Văn Tập, Quốc Đỉnh, Hữu Ngôi, Trần Đàm, Hữu Nghĩa... Tình yêu bác và tình yêu báo Đảng cứ ngấm dần trong tôi lúc nào chẳng hay. Tôi được đọc và xem những tờ báo Đảng sớm nhất khi nó còn thơm mùi mực in.

2.Cha tôi là nhà giáo Nguyễn Hữu Phụng - Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện Hoằng Hóa, Thường vụ Công đoàn giáo dục tỉnh - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Hoằng Hóa. Ông vốn là cộng tác viên thân thiết của báo Đảng. Ông thường xuyên viết tin bài cho báo, nhất là tin về giáo dục Hoằng Hóa - cái nôi của vùng đất học luôn sôi nổi phong trào thi đua “Hai tốt”. Ông yêu báo Đảng và còn lưu lại những bài báo có bài viết của mình. Tôi men theo tình yêu của cha mà yêu báo Đảng.

3.Thời gian đảm nhiệm Phó Trưởng phòng Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi được phân công theo dõi hoạt động báo chí nên thường xuyên phải đọc, phải tiếp xúc với các phóng viên, nhất là làm công tác tổng hợp soạn thảo báo cáo cho giao ban báo chí hằng tháng, buộc tôi phải đọc một cách nghiêm túc để xây dựng báo cáo trình cho phó ban phụ trách. Chính công việc này cũng đã đem lại niềm vui và làm lớn dậy tình yêu báo Đảng trong tôi.

4.Được học qua các trường đại học, được tiếp xúc với các nhà báo gạo cội, được sống trong môi trường báo chí và được đi nhiều, cộng với chút năng khiếu tôi cũng thường xuyên tham gia viết bài cho tờ báo mình yêu quý và gắn bó. Con số hơn trăm bài báo của tôi được đăng trên Báo Thanh Hóa cũng một phần nói lên điều đó. Và mỗi ngày tình yêu ấy cứ nhân lên và nằm lòng trong tôi...

Kỷ niệm với báo Đảng thì thật nhiều. Những kỷ niệm ấy gom thành tình yêu, nỗi nhớ và in sâu trong tâm trí tôi. Có kỷ niệm tôi luôn mang theo trong hành trang của mình đó là những ngày tôi được Phó Tổng Biên tập Đỗ Văn Trường giao cho viết bài thường xuyên hàng ngày cho chuyên mục “Cùng suy ngẫm” đăng ở trang nhất của báo nơi một góc nhỏ. Vinh dự cũng thật nhiều nhưng khó khăn vất vả cũng chẳng kém. Suy nghĩ tích cực về cái tốt thì dễ viết và viết cũng hưng phấn, nhưng chuyên mục này thường nói sâu hơn về những tiêu cực, hạn chế, những hiện tượng chưa đẹp trong cuộc sống, mà lại phải viết dưới dạng thơ, mang yếu tố châm biếm cùng cảnh tỉnh và nhắc nhở. Một đòi hỏi nữa là phải phản ánh trung thực, sự việc xảy ra ở đâu, vào thời gian nào và có ảnh phản ánh xác thực. Điều đó đòi hỏi một sự phát hiện mang tính chất báo chí, lại phải mới, phải sinh động, thu hút sự quan tâm của mọi người và phải viết mang tinh thần xây mà chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Viết về cái tiêu cực nhưng với cách nhìn tích cực và có dẫn hướng, khuyến nghị. Tôi đã có gần hai chục bài viết, cùng một số nhà báo khác duy trì chuyên mục này... Nhân ngày kỷ niệm của báo, tôi bày tỏ chút tâm sự này như một lời tri ân, một lời nhắn gửi, và cao hơn hết là thể hiện tình yêu, sự gắn bó bền bỉ của tôi với tờ báo Đảng mà mình trân quý.

Nhà văn, nhà báo Thy Lan: Báo Thanh Hóa - nơi hợp lưu giữa dòng cảm xúc giàu tính Đảng và văn hóa, văn học nghệ thuật

“Nam châm” thu hút trí tuệ xã hội

60 năm một chặng đường dài, Báo Thanh Hóa vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, vừa là nơi các văn nghệ sĩ được cộng tác, đăng tải những sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật của mình. Hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa có nhiều tên tuổi góp mặt và hội viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đều được quý báo quy tụ như: Vương Anh, Huy Trụ, Văn Đắc, Lê Ngọc Minh, Lê Quang Sinh, Trần Đàm, Lưu Trọng Thắng, Lê Công Bình, Tạ Quang Bạo, Lê Đình Quỳ, Đỗ Chung, Hà Minh Đức, Xuân Ba... Nhiều cây bút sống trên quê hương và xa quê đều được Báo Thanh Hóa khai thác làm giàu có, phong phú, chất lượng cho mảng văn học nghệ thuật của quý báo.

Bản thân tôi đã được đón nhận từ khi còn bắt đầu vào nghề viết. Những trang thơ, bài ký, bài lý luận phê bình, văn hóa hơn 10 năm qua tôi đã được báo đăng tải. Với tôi, khi đó được khích lệ vô cùng. Đến giờ sau bao trải nghiệm của người cầm bút, được nhận nhiều giải thưởng của Trung ương, địa phương nhưng mỗi lần được đăng bài trên báo, nhận báo biếu từ Ban Biên tập, cẩn trọng và trân quý tôi vẫn nguyên sơ sự xúc động khó tả của những ngày đầu. Người cầm bút chỉ cần thế thôi!.

Mỗi khi cảm xúc bị chai sạn, trơ lì, bí tắc... thì những người làm Báo Thanh Hóa lại thổi vào người viết động lực: Họ nghĩ ra đề tài hay cho người viết, họ chọn được mảng viết phù hợp cho từng tác giả, họ tạo được khí thế để thời gian nộp bài đúng niên hạn trước ngày ra báo. Nhuận bút của báo cũng khá cao so với các Tạp chí Văn nghệ. Tôi nhận thấy tinh thần vì báo chí và chất lượng tin bài, tranh ảnh... của Báo Thanh Hóa ngày càng hoàn thiện, bồi đắp, tiến bộ qua các thế hệ người làm báo, các đời Tổng Biên tập. Nhất là báo điện tử tiến triển nhanh, mạnh, bạo. Cùng sự sáp nhập Báo Văn hóa & Đời sống thì mảng văn học, văn hóa nghệ thuật được mở trên nhiều ấn phẩm báo in, báo điện tử. Các trang bìa trình bày đẹp, mềm mại, hấp dẫn với sự góp mặt các nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ tên tuổi hoặc các tác giả trẻ tài năng, có tư duy mới mẻ trong bố cục, tạo hình, ánh sáng...

Tôi yêu Báo Thanh Hóa khi tôi còn nhỏ, đọc báo cùng ông bà nội, với tình yêu Đảng nồng nàn, da diết, ông tôi mất khi tuổi trên bát tuần, trước khi nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, bà nội tôi năm 2022 này cũng vinh dự nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Từ nhỏ tôi lớn lên với ông bà nên nguồn mạch tư tưởng của ông bà thấm vào tôi tự nhiên như cây lúa sinh sôi từ lòng đất. Sau này theo học ngữ văn, học đại học và sau đại học dù kiến thức thầy cô rộng dài thì sự hòa hợp giữa văn học nghệ thuật và những tác phẩm viết ca ngợi quê hương, Đảng, Bác Hồ trong tâm hồn tôi có nguồn cội từ làng tôi và ông bà nội tôi: “Tôi sinh ra giữa đồng đất Nga Sơn/ Củ sắn bắp ngô thơm mùi cách mạng/ Ngôi nhà ba gian bà con làng họp Đảng/ Tôi ví thành “Hạt giống đỏ” lên mười/ Tôi lớn lên ông bà nội là nguồn sông...”.

Những lời chân mộc tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn đến Báo Thanh Hóa - cái nôi tinh thần mà ông bà nội tôi đã lưu giữ nửa thập kỷ trước và đến tôi được thắp lửa, gắn bó, cộng tác, được “thở” cùng không khí Ân tình - Trang trọng - Hội nhập của quý báo! Chúc quý báo ngày càng phát triển, chúc các anh chị nhà báo năm mới, tuổi báo mới giàu sức trẻ, sức vươn, bút lực dồi dào. Xứng đáng với Báo Thanh Hóa - nơi hợp lưu giữa dòng cảm xúc giàu tính Đảng và văn hóa, văn học nghệ thuật.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết