Huyện Thọ Xuân tặng huyện Quế Sơn bức tranh đá về Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân).
Mối lương duyên đặc biệt
Ngược dòng thời gian, xứ Thanh và xứ Quảng đã có lương duyên từ hàng trăm năm trước. Từ thuở Nguyễn Hoàng, người con của dòng họ nổi tiếng vùng đất Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) tiến về phương Nam mở cõi, gây dựng cơ đồ cho con cháu nhiều đời. Vùng Thuận Quảng “đất nhiều vàng sắt, biển nhiều cá muối”, xứng là nơi dụng võ của đấng anh hùng. Vương triều Nguyễn ở Đàng Trong đã xây dựng xứ Thuận Quảng trở nên một vùng đất phồn hoa đô hội bằng chính sách trọng thương cởi mở. Hồn cốt văn hóa xứ Quảng là sự giao thoa, hội nhập và chắt lọc giữa các nền văn hóa khác nhau, trong đó có dấu ấn văn hóa xứ Thanh. Tiếp nối mạch nguồn ấy, đến thời đại Hồ Chí Minh, vào năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn cam go, ác liệt, cháu con của hai miền đất giàu di sản này lại kết giao tình huynh đệ, kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Từ đây, người xứ Quảng - xứ Thanh không chỉ là dân một nước, mà đã là con một nhà. Dưới mái nhà chung ấy, huyện Thọ Xuân - quê hương của hai vị Hoàng đế Lê Hoàn, Lê Lợi đã kết nghĩa với huyện Quế Sơn - miền đất sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh sĩ thuộc hàng “Ngũ phụng, tứ hổ” của khoa bảng đất Việt. Lễ kết nghĩa diễn ra vào ngày 20/11/1968 tại làng Mỹ Lý Hạ, xã Bắc Lương, nơi sơ tán của cơ quan Huyện ủy Thọ Xuân lúc bấy giờ. Tại buổi lễ, hai huyện đã ký biên bản kết nghĩa trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai tỉnh, cùng nguyện ước gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng chống kẻ thù chung, thống nhất nước nhà; đồng thời phát động phong trào thi đua: Quế Sơn không ngại gian khổ hy sinh, ra sức chiến đấu giết giặc lập công; Thọ Xuân vừa sản xuất vừa chiến đấu, động viên Nhân dân hết lòng hết sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đặc biệt là cho địa phương kết nghĩa với tinh thần “Quế Sơn gọi, Thọ Xuân sẵn sàng”.
Đây là một sự kiện quan trọng, thể hiện tình đoàn kết Bắc - Nam một nhà, là sợi dây nối liền tình đồng chí, tình anh em, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi giữa Đảng bộ, quân và dân hai huyện Thọ Xuân - Quế Sơn. Những người con của Lam Kinh đã cùng những người anh em sông Thu Bồn sát cánh bên nhau trong những năm tháng đạn bom, cùng sẻ chia những gian khó thời hậu chiến. Mối thâm tình lịch sử ấy theo năm tháng đã tồn tại, đang phát triển và mãi bền chặt.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước với vai trò hậu phương lớn, Thọ Xuân luôn dõi theo, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào miền Nam nói chung, Nhân dân Quế Sơn nói riêng; sẵn sàng chia lửa với Quế Sơn, với Miền Nam ruột thịt, không ngừng tăng cường chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Khẩu hiệu hành động của Nhân dân Thọ Xuân là: “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quế Sơn kết nghĩa, Nhân dân Thọ Xuân ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai để chi viện cho đồng bào miền Nam ruột thịt và Quế Sơn kết nghĩa”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do hậu quả của chiến tranh để lại, nhưng Đảng bộ và Nhân dân Thọ Xuân vẫn tăng cường cho Quế Sơn cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, tiếp tục chi viện lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, văn hóa phẩm... trong đó hàng chục người con của Thọ Xuân và con em Quảng Nam đang công tác ở Thọ Xuân, ở Nông trường Sao Vàng đã vào giúp Quảng Nam, giúp Quế Sơn hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Song hành cùng phát triển
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp được dựng xây từ những ngày gian khó, trong thời kỳ đổi mới, hai huyện thường xuyên tổ chức các chuyến thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, động viên nhau xây dựng quê hương, đất nước.
Với huyện Thọ Xuân, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Thọ Xuân đã phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu giành được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 17% trở lên. Chương trình XDNTM đạt kết quả rõ nét, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đến nay có 13 xã được công nhận xã NTM nâng cao, đang hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao trình cấp có thẩm quyền thẩm định công nhận. Công nghiệp, dịch vụ phát triển khá; khu vực Lam Sơn - Sao Vàng đang hình thành một số nhân tố, tạo tiền đề để Thọ Xuân phát triển thành 1 trong 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn, có tính kết nối liên vùng được đầu tư xây dựng.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Đáng chú ý, ngày 10/1/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của tỉnh; phấn đấu đến năm 2024 là huyện NTM nâng cao, đến năm 2025 là 1 trong 3 huyện dẫn đầu các phong trào của tỉnh, trở thành thị xã trước năm 2030, một trung tâm động lực quan trọng, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Đây thực sự là tiền đề quan trọng, là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thọ Xuân tập trung xây dựng quê hương phát triển bền vững trong thời gian tới.
Với huyện Quế Sơn, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quế Sơn không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm đạt khá. Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM đạt được kết quả quan trọng, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn. Các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi được huy động hiệu quả. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng mối tình trong sáng, thủy chung Thọ Xuân - Quế Sơn vẫn như “cây một cội, con một nhà”; tiếp tục lắng đọng, bồi đắp tình người, tình quê hương và sẽ không ngừng vun đắp những giá trị bền vững và gắn bó keo sơn. Đây cũng sẽ là nền móng vững chắc để giáo dục các thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước đã tạo dựng và duy trì để cùng nhau tiếp tục giữ vững và kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai...
Lê Đình Hải
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân