Đền thờ Trịnh Công Đán nằm khiêm tốn trong khuôn viên xanh của dòng họ. Ảnh: Huyền Chi
Theo Lịch sử Đảng bộ xã Định Hải, làng Duyên Lộc có nhiều xứ đồng, bà con sống bằng nghề nông nghiệp nên hay lam, hay làm. Dẫu không có điều kiện kinh tế nhưng nơi đây lại giàu có về truyền thống văn hóa. Trên mảnh đất này, hiện còn bia mộ của Lê Sát - bậc khai quốc công thần nhà Hậu Lê. Ngoài ra còn có danh nhân Thánh sư Lê Minh Trí cùng với ông tổ họ Nguyễn Trạch vào lập ấp, truyền nghề đúc lưỡi cày và nghề làm thuốc cam. Chính vì vậy, ngày nay, thuốc cam gia truyền và lưỡi cày Thác Nghè vẫn nổi tiếng khắp các miền Bắc, Nam.
Làng Duyên Lộc trước đây có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa như: nghè Duyên Lộc thờ Đệ nhất thần Quản gia đô bác Trịnh Phủ quân; đền thờ Đệ nhị thần biệt hiệu Đông phương hộ quốc; đền thờ Đệ tam thần thờ Sơn Độc Cước; đền thờ Đệ tứ thần Cao sơn, Giáp sơn; đền Đệ ngũ thần thờ Thượng thư Trịnh Công Đán… và có chùa, có phủ. Hằng năm, vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, Nhân dân làng Duyên Lộc tổ chức Lễ hội Kỳ phúc với mong ước cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Chính những giá trị văn hóa ấy đã giúp người dân quên đi những mệt nhọc trong công việc để từ đó vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhắc đến danh nhân, danh tướng ở xã Định Hải nói chung không thể không nhắc đến Thượng thư Trịnh Công Đán. Cha ông là Trịnh Khả, bậc khai quốc công thần, làm quan dưới 3 triều Vua Lê: Thái tổ, Thái tông, Nhân tông và được ban quốc tính họ vua gọi là Lê Khả. Tổ tiên ông các đời trước thì làm quan triều Trần có công lớn trong việc bình Chiêm, diệt Nguyên Mông.
Trịnh Công Đán sinh vào tháng 7 năm Đinh Tỵ (1437), tên chữ là Khắc Minh, quê ở Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay). Nhưng ngay từ nhỏ ông đã được đưa đến làng Duyên Lộc sống cùng người cô là em gái của Trịnh Khả. Thời vua Lê Thánh Tông, Trịnh Công Đán được trọng dụng bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng. Đáng chú ý, năm Hồng Đức thứ 10 (1479), ông cùng các tướng theo vua xa giá đi đánh Ai Lao. Thắng trận trở về, ông được ban tặng chức Quang Kiến đại phu, Huân chính trị khanh.
Năm Hồng Đức thứ 13 (1482), quân Ai Lao tiếp tục đem quân sang báo thù. Vua sai ông đi chinh phạt, phong cho chức Đô đốc đồng tri, cất nhắc chức Chiêu Nghi tướng quân, Khâm sai tổng trấn quân vụ các xứ. Bình định xong, triều đình cho gọi ông về vẫn giao cho giữ nguyên chức cũ Thượng thư Bộ Binh.
Sau này, triều đình xét thấy ông đã lâu giữ chức Thượng thư Bộ Binh, lại lập được nhiều công lao, “như vậy hà cớ gì mà vẫn nhận phẩm trật bình thường”. Bèn làm lễ tuyên phong cho ông là Tuyên lộc đại phu, Chính trị tự khanh, tặng thưởng Thông tư tứ cấp, giữ nguyên chức Thượng thư Bộ Binh như cũ.
Vì thế sử sách đánh giá Trịnh Công Đán là “trụ đá chốn triều đình, một bậc kỳ lão có nhiều trông cậy”.
Năm 1497, ông bị cảm, vua nhiều lần lệnh cho các quan đến thăm khám bệnh, song bệnh vẫn không thuyên giảm. Ngày 16 tháng 9 năm 1497 ông tạ thế, hưởng thọ 61 tuổi. Nghe tin, nhà vua thương tiếc cho nghỉ chầu, ban 18 vạn tiền chi phí sắm sửa lễ vật, truy tặng cho tước Thư Quận công, ban tên thụy là Cung Lượng. Làm lễ xong, đến ngày 17 tháng 2 đưa về an táng tại quê nhà.
Ngày nay, ở làng Duyên Lộc, xã Định Hải (Yên Định) vẫn còn bia đá ghi nhớ công lao của Đinh Công hầu Trịnh Công Đán, đó là “Tặng Thư Quận công thần đạo bi” có kích thước cao 1,65 m, rộng 1,20 m, dày 0,28 m dựng trên lưng rùa. Bia dựng ngày 17 tháng 2 năm Đinh Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 28 (1497), do Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Huân chính trị khanh soạn.
Rất tự hào khi nhắc tới cụ tổ dòng họ Trịnh Công, ông Trịnh Công Lực, hậu duệ đời thứ 17 cho biết: Cá nhân tôi tự hào khi là con cháu cụ. Kể từ khi Nhà nước công nhận Đền – bia – mộ Trịnh Công Đán là di tích lịch sử cấp tỉnh (ngày 31-8-1993), và sau đó xã Định Hải trao 292 m2 đất văn bia và cấp 160 m2 đất đường vào văn bia; 6 năm liên tục, con cháu trong dòng tộc đã góp nhiều công sức, tiền bạc để tôn tạo lại di tích như ngày nay. Ngày 26 tháng 7 âm lịch này là giỗ cụ, chúng tôi đang chỉnh trang lại khuôn viên để đón con cháu về dâng hương kính cụ.
Còn ông Lê Xuân Nông, Trưởng thôn Duyên Lộc lý giải cho chúng tôi về việc tấm bia “Tặng Thư Quận công thần đạo bi” có thời kỳ liên tục bị “quấy nhiễu”. "Một số đối tượng vẫn nghĩ dưới tấm bia ấy có thể còn vàng bạc, họ ra sức đào, khiến tấm bia đồ sộ này mà cũng phải nghiêng về phía trước. Đến năm 2007, bà con Nhân dân trong thôn và dòng họ Trịnh Công mới dựng lại bia như ngày hôm nay". Dẫu bia đã mòn nhiều, một số chữ bị đục mất, và còn nghiêng nhẹ, song nội dung văn bia chính là tài liệu lịch sử giá trị khắc ghi công ơn ông.
Với 300 hộ/1.1000 nhân khẩu, nhiều năm qua, người dân thôn Duyên Lộc (xã Định Hải) đã cơ cấu lại ngành nghề, thay vì tập trung hoàn toàn vào nông nghiệp, đã chuyển đổi sang các hoạt động kinh doanh dịch vụ, làm việc ở các công ty, nhà máy, vì thế mà thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 58 triệu đồng/năm. “Với tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực không ngừng của Nhân dân trong thôn và sự chung tay của cả những người con đang sống xa quê luôn hướng về cội nguồn, bà con Nhân dân thôn Duyên Lộc đang phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu”, ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hải cho biết.
Huyền Chi
***Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Lịch sử Đảng bộ xã Định Hải” và bài nghiên cứu “Ba văn bia họ Trịnh ở huyện Yên Định” của TS Nguyễn Văn Hải.