• :
  • :

[Video] - Hàng ngàn ngôi mộ cổ nghi của nghĩa quân Lam Sơn

[Video] - Hàng ngàn ngôi mộ cổ nghi của nghĩa quân Lam Sơn

Nơi đây có đến hàng ngàn ngôi mộ. Mỗi ngôi mộ được đánh dấu bằng một phiến đá chôn dựng đứng ở đầu và ở cuối cách nhau chừng 2,5m. Đây là loại đá tự nhiên được ghè đẽo theo thớ, vẫn còn hằn nguyên nhiều dấu vết của các công cụ chế tác thô sơ.

Ngôi mộ có phiến đá lớn nhất còn tồn tại đến nay thuộc khu rừng trồng keo của gia đình ông Đào Văn Dung, nằm cách con đường liên xã chưa đầy chục mét. Phiến đá đầu mộ cao ngang ngực người lớn, rộng chừng 1 m và dày khoảng 20 cm, được chôn khá vững chãi.

Qua quá trình tìm hiểu ở địa phương, nhiều người khẳng định đây là khu mộ chôn những người lính trận vong của nghĩa quân Lam Sơn chống lại giặc Minh vào thế kỷ 15. Trang thông tin điện tử của UBND xã Ngọc Phụng cũng ghi về địa danh này: “Quyết Tiến được kế thừa truyền thống văn hóa của vùng đất cổ - Vụng Khế thuộc làng Me hay còn gọi là làng Mẹ, vùng đất cổ đã từng gắn chặt với cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh thế kỷ XV do anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo và đã trở thành hậu cứ của nghĩa quân. Những người thiệt mạng trong cuộc kháng chiến được đưa về an nghỉ vĩnh hằng tại chân núi Bù Mẹ (tiếng Thái gọi là Pù Mé), tức là phố Mé - làng Quyết Tiến ngày nay. Nghĩa trang của nghĩa quân Lam Sơn hiện đang được lưu giữ có tới hàng trăm ngôi mộ cổ được xếp đánh dấu bằng những phiến đá to nhỏ khác nhau trên diện tích rộng 1ha”. Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin căn cứ trên những lời truyền miệng ở địa phương từ đời này qua đời khác, chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra kết luận.

Trên thực tế, khu mộ cổ còn nhiều điều huyền bí này chỉ cách khu đồi Bái Tranh - nơi được xác định diễn ra Hội thề Lũng Nhai giữa chủ tướng Lê Lợi và 18 anh hùng hào kiệt trước thời điểm diễn ra cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn vào đầu năm 1418 khoảng 500 m đường chim bay. Nhiều sử liệu cũng khẳng định dãy núi Pù Mé ở xã Ngọc Phụng ngày nay là một trong những nơi lui binh chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn về miền Tây Thanh Hóa những thời điểm khó khăn. Thôn Quyết Tiến ngày nay - nơi có khu mộ cổ, trước kia là một phần của làng Phụng Dưỡng. Tương truyền, đây chính là nơi điều trị, dưỡng thương cho những người lính bị thương trong Khởi nghĩa Lam Sơn nên mới có tên như vậy. Tại xã Ngọc Phụng hiện nay vẫn còn một ngôi miếu cổ cũng có tên Phụng Dưỡng để thờ những người lính của nghĩa quân Lam Sơn.

Giả thuyết khu mộ cổ dưới chân dãy Pù Mé là nơi chôn cất những người lính trong khởi nghĩa Lam Sơn càng trở nên thuyết phục khi xâu chuỗi nhiều chi tiết về nguồn gốc phiến đá. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từng nghiên cứu mộ cổ, người có chức vị càng lớn thì phiến đá được chôn cùng càng to và ngược lại. Phải chăng mộ của các tướng lĩnh thì có phiến đá lớn, còn những người lính thì nhỏ và thấp hơn ?

Vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về lịch sử, chủ nhân những ngôi mộ cổ ở xã Ngọc Phụng. Trong khi đó, nguy cơ bị xâm hại bởi con người và mai một của thời gian vẫn không ngừng tác động. Rất cần những công trình khoa học nghiên cứu và kết luận để có phương án bảo tồn.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết