Trải qua những biến cố trong lịch sử, với nắng núi mưa ngàn, quần thể kiến trúc điện Lam Kinh đã gần như không còn. Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hạng mục di tích tại Lam Kinh đã được nghiên cứu, bảo tồn. Nhiều hạng mục di tích được phục dựng, tu bổ, dần tái hiện phần nào diện mạo ban đầu của điện Lam Kinh.
Bước khởi động ban đầu cho công cuộc tìm lại dáng dấp Lam Kinh xưa được bắt đầu từ năm 1962 với việc Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cùng với việc vinh danh di sản, năm 1994 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Lam Kinh. Năm 2012, Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, một lần nữa khẳng định những giá trị to lớn, trường tồn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích Lam Kinh.
Năm 2010, Chính điện Lam Kinh chính thức được khởi công bảo tồn, phỏng dựng trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng hiện còn, kết cấu hoàn toàn bằng gỗ lim, vật liệu xây dựng hoàn toàn được phục chế theo mẫu và kiểu dáng màu sắc được phát hiện tại Lam Kinh qua các lần khai quật khảo cổ học. Năm 2017, chính điện hoàn thành và chính thức mở cửa đón khách tham quan vào đầu năm 2022. Với kiến trúc mang đậm phong cách nhà Lê, và là công trình điêu khắc gỗ tỉ mỉ, công phu. Sử dụng tới hơn 2.000m3 gỗ lim và hàng chục thợ lành nghề, hệ thống hoa văn kiến trúc cột, mái, bình phong, vật dụng bên trong Chính điện không chỉ cho thấy sự kỳ công, khéo léo của người thợ, mà còn là sự phản ánh đầy đủ và chân thực vẻ đẹp kiến trúc cung đình thời Lê. Có thể khẳng định, sự hiện hữu của tòa chính điện ví như linh hồn của di sản, đã mang lại cho Lam Kinh một diện mạo kinh đô cổ xưa.
Hơn 2 thập kỷ qua, hàng chục dự án đã được triển khai phục dựng như công trình Chính Điện, các tòa Thái miếu, Nghinh môn, sân Rồng, cầu Bạch, sông Ngọc, giếng cổ và bảo vệ các lăng mộ, bia đá, cải tạo cảnh quan thiên nhiên. Trong đó, sân Rồng là nơi tổ chức các nghi thức quan trọng nhất mỗi khi các vua Lê về bái yết sơn lăng. Trải qua nhiều lần bị tàn phá cùng toàn bộ khu di tích, ngày nay sân Rồng đã được trùng tu lại và trở thành nơi tổ chức lễ hội Lam Kinh hàng năm.
Ngày nay, Lam Kinh còn là điểm du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn, bởi khối kiến trúc xanh tự nhiên hình thành từ những vạt rừng già cùng dòng sông Ngọc. Bởi hàng chục công trình kiến trúc nghệ thuật uy nghi, thần thái cung đình. Tại đây, du khách sẽ sống trong không gian lịch sử, ngược dòng về quá khứ để tưởng nhớ về một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.