• :
  • :

75 năm Thanh Hóa thực hiện “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”

75 năm Thanh Hóa thực hiện “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”Biểu dương, khen thưởng học sinh, giáo viên đạt thành tích tại các kỳ thi, cuộc thi, hội thi học sinh giỏi cấp tỉnh là hoạt động được TP Thanh Hóa tổ chức hàng năm nhằm động viên các thầy cô giáo và các em học sinh nỗ lực phấn đấu vươn lên trong dạy và học.

Nhớ lại cách đây 75 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”. Người khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; những người thi đua là những người yêu nước nhất”, và “Cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt”. Kể từ đó, tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, tổ chức nhiều phong trào cách mạng rộng lớn, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã hăng hái, đi đầu trong thực hiện. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, Nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Tuần lễ vàng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, phụ lão “Ba giỏi”, “Tiếng hát át tiếng bom”... đã trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu” và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với nhiều đóng góp hết sức to lớn, Thanh Hóa được Bác Hồ nhiều lần tặng Cờ thi đua Quyết thắng cùng hàng trăm bức thư, bức điện khen ngợi các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và chiến đấu.

Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây, Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết một lòng, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, trọng tâm là 4 phong trào lớn do Thủ tướng Chính phủ phát động “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Chưa dừng lại ở đó, với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, Thanh Hóa đã phát động và triển khai thực hiện hàng trăm phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhà.Tiêu biểu như, trong lĩnh vực kinh tế có phong trào “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu”, “Mỗi xã một sản phẩm”. Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội có phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng xã, phường đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Xây dựng đô thị văn minh”. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có phong trào “Dạy tốt - học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Lĩnh vực y tế có phong trào thi đua “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Thực hiện 12 điều y đức”, “Ứng dụng các thành tựu y học tiên tiến vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân”. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh có phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”...

Đặc biệt hơn, Thanh Hóa có sáng kiến phát động thi đua hàng năm vào ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2), vừa góp phần giáo dục truyền thống, vừa thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc, là những cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang... vượt qua bao khó khăn, gian khổ, tận tụy, tâm huyết với công việc, hăng say lao động sản xuất, sáng tạo, chung sức xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp.

“Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”, khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển rộng khắp. Để cổ vũ và nhân rộng các phong trào thi đua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 28-5-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng. UBND tỉnh ban hành quy chế thi đua, khen thưởng và nhiều cơ chế chính sách khen thưởng, như: khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, khu vực và thế giới; tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu; khen thưởng cho hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa” cho những cá nhân có cống hiến to lớn cho sự phát triển của tỉnh nhà... Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị chú trọng việc phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến; tuyên truyền rộng rãi những lá cờ đầu, những mô hình hay, cách làm sáng tạo; suy tôn, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ngày càng nở rộ.

Các phong trào thi đua yêu nước lan tỏa mạnh mẽ đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực thúc đẩy, đưa Thanh Hóa vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gặt hái được nhiều thành tựu to lớn mà tỉnh chưa bao giờ có được. Thanh Hóa hoàn toàn có quyền tự hào khi trở thành điểm sáng của cả nước trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng rõ nét khi năm 2022, kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá, là địa phương có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 12,51%, đứng trong nhóm 7 tỉnh dẫn đầu cả nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã xác lập những con số ấn tượng, trong đó thu ngân sách Nhà nước đạt 50.099 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đưa Thanh Hóa chính thức gia nhập nhóm các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ mỗi năm. Trong năm, tỉnh đã khởi công và khánh thành một số dự án công nghiệp, dự án giao thông lớn, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế, năm 2022 đi qua với đầy ắp các sự kiện nổi bật về chính trị, văn hóa - xã hội. Giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao ghi dấu với nhiều thành tích nổi bật, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên, GRDP bình quân đầu người đạt 2.924 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,99%.

Những tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa liên tiếp đón nhận tin vui khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, khẳng định khát vọng, tầm nhìn và mở rộng không gian, chỉ ra các động lực phát triển, để Thanh Hóa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, vững vàng trên hành trình trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

75 năm, “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang ý nghĩa và giá trị thời sự sâu sắc. Chạm vào dấu mốc 75 năm là thời khắc vô cùng ý nghĩa để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa trân trọng những thành quả đã đạt được; đồng thời bồi đắp niềm tin yêu để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, tỉnh “kiểu mẫu” mong đáp lại sự tin tưởng và tình cảm sâu nặng Bác dành cho vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt trong lịch sử dân tộc.

Bài và ảnh: Tố Phương


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết