Cán bộ Viện Nông nghiệp Thanh Hóa kiểm tra sản phẩm tại khu nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Ảnh: Nguyễn Đạt
Trong hàng trăm câu chuyện đã được sưu tầm và biên soạn về Bác Hồ với trí thức, nhiều người hẳn đã biết hoặc đã nghe chuyện Bác Hồ khẩn khoản mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Nội vụ. Trong sách “Những lần gặp Bác (Hồi ký, NXB Đà Nẵng 1985) đã ghi lại cuộc gặp gỡ giữa 2 nhân vật lịch sử đặc biệt này: “Cụ Hồ nói chuyện với Cụ Huỳnh về việc lập Chính phủ. Cụ Hồ nói: “Việc mời Cụ ra nhận chức Bộ trưởng Nội vụ là ý kiến chung của tất cả anh em các đảng phái, chứ không phải ý kiến riêng của tôi. Vì Cụ ở lại trong nước, Cụ biết rõ được trình độ tiến bộ của đồng bào ba kỳ, đồng thời đồng bào ba kỳ đều tín nhiệm Cụ”. Cụ Huỳnh trả lời: “Tôi ra đây cốt gặp Cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc, lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”. Cụ Hồ nói: “Chính phủ có 10 Bộ, đã có 9 người nhận 9 Bộ rồi, nay xin Cụ nhận Bộ Nội vụ để Chính phủ ra mắt đồng bào gấp, vì Pháp đã đổ bộ ở Nam Kỳ”. Cụ Huỳnh nói: “Tôi thấy ở các nước văn minh có khi cũng không đủ người thì ông Thủ tướng kiêm đỡ một thời gian ngắn rồi tìm người thay thế sau, hoặc để ông Bộ trưởng nào đó kiêm thêm một Bộ”. Cụ Hồ nói: “Cụ vui lòng giúp tôi. Bây giờ tôi có việc phải đi. Chúng ta sẽ gặp lại”. Sáng hôm sau, Hồ Chủ tịch gọi riêng ông Nguyễn Xương Thái và bảo: Chú thưa với Cụ Huỳnh, khi xưa làm quan là hưởng đinh chung, bây giờ chúng ta làm việc cho dân, cho nước, gọi là công bộc. Chú cũng nói Cụ biết là bọn Lư Hán còn đóng ở đây, chúng biết trong Chính phủ ta có vị tiến sĩ văn chương, chúng cũng trọng. Cụ Huỳnh đã hy sinh nhiều, xin Cụ hy sinh thêm. Nay mai sẽ có hội nghị liên tịch, các chính đảng sẽ mời Cụ”.
Chỉ qua vài lời đối đáp ngắn gọn giữa Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng, cũng đủ cho ta thấy được sự trân trọng và đề cao người có đức, có tài; cũng như văn hóa ứng xử vô cùng khiêm tốn, chân thành thể hiện sự tôn trọng đối với tầng lớp trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng bởi “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”, nên việc tìm ra và trọng dụng nhân tài giữa lúc đất nước đang “khát” người tài, là điều Bác luôn trăn trở. Đặc biệt, với sức hút mãnh liệt của tấm gương nhân cách, đạo đức và trí tuệ lớn Hồ Chí Minh, nhiều người tài đức như cụ Huỳnh Thúc Kháng, giáo sư Trần Đại Nghĩa,... đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống yên ổn, sung túc để dấn thân theo con đường cách mạng đầy hiểm nguy, gian khổ.
Nói về vai trò của đội ngũ trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng XHCN, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”. Để trí thức làm tốt vai trò quan trọng hay “sứ mệnh” của mình đối với dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, nhiệm vụ của đội ngũ trí thức là phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng; phải kết hợp lý luận với thực tiễn; phải không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghiệp vụ; phải biết kế thừa và phát huy nền văn hóa của dân tộc và ra sức học tập, vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại, những kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em... trong công tác nghiên cứu và lao động thực tiễn.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng ta xác định: Ðội ngũ trí thức nước ta có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, đội ngũ trí thức đã và đang trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của quốc gia trong chiến lược phát triển.
Trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước ngày nay, đội ngũ trí thức ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực. Như Đảng ta đã nhấn mạnh, đội ngũ trí thức Việt Nam đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Từ đó, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới...
Ngày nay, với sự bùng nổ của kinh tế tri thức và đứng trước yêu cầu đổi mới đất nước ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi đội ngũ trí thức càng phải nhanh chóng lớn mạnh và từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ gắn bó vững chắc giữa Ðảng - Nhà nước - trí thức, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí. Đó được xem là giải pháp để nâng tầm trí tuệ Việt Nam và sức mạnh dân tộc trong bối cảnh hội nhập.
Hoàng Xuân