Ông Lê Trung Dĩnh chia sẻ kỷ niệm được gặp Bác Hồ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, ông Dĩnh được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân tại Hà Nội. Trong thời gian học tập tại trường, ông vinh dự có 3 lần được gặp Bác. Mặc dù gặp Bác trong không gian hội trường rộng lớn, nhưng ông Dĩnh thực sự ấn tượng sâu sắc về Bác. Nhất là tình cảm ân cần, những lời thăm hỏi, động viên của Người dành cho học viên - những người lính trở về từ chiến trường chống thực dân Pháp đầy gian khổ, cam go và anh dũng.
Ông Dĩnh kể: “Trước ngày duyệt binh 2-9-1957, Bác đến thăm trường và động viên: “Các chú chiến thắng rồi thì giờ về đây các chú phải học giỏi”. Lời Bác nói thật giản dị và tình cảm lắm, như người cha dặn dò các con vậy.
Với ông Lê Sỹ Hứa, cùng thôn Đạt Tài 2 vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Nhưng lần gặp Bác để lại kỷ niệm sâu sắc nhất là vào năm 1957, Bác đến thăm đơn vị ông đóng quân ở thôn Ô Cách, xã Trường Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông Hứa nhớ lại: “Trước tiên, Bác thăm nhà ăn, nhà bếp, công trình vệ sinh, nơi ăn chốn ở của bộ đội. Bác căn dặn cán bộ phải giáo dục bộ đội cho tốt, tôn trọng chính sách dân vận của quân đội. Bác dặn dò giữ gìn vệ sinh, sức khỏe cho bộ đội...”. Bác đến thăm thời gian ngắn, nhưng những lời dặn dò của Người đã làm xúc động bao trái tim người lính trong đơn vị.
Ông Lê Sỹ Hứa trở về quê vẫn tích cực lao động sản xuất, lan tỏa tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Ở xã Hoằng Hà còn có 2 người được gặp Bác Hồ là ông Nguyễn Trọng Thể (sinh năm 1937) và ông Nguyễn Trọng Lục (sinh năm 1940). Ký ức thiêng liêng được gặp Bác Hồ sau mấy chục năm vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm. Những lời dạy ân cần của Người đã trở thành động lực tinh thần to lớn để ông Dĩnh, ông Hứa, ông Thể, ông Lục và nhiều người lính khác trên khắp mọi miền quê hương đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Bởi thế, khi hoàn thành nhiệm vụ công tác, các ông trở về địa phương tham gia nhiều vai trò, vị trí công tác, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Riêng ông Hứa, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ Điện Biên, ông lại cùng đồng đội xông pha khắp các chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ. Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, quân đội và kỷ vật Bác Hồ tặng cho ông là minh chứng sống động cho việc học tập và làm theo Bác. Một số phần thưởng, kỷ vật đó, ông Hứa đã trao tặng cho Bảo tàng Quân đoàn 4.
Đồng chí Phạm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoằng Hà, chia sẻ: “Xã rất vinh dự có 5 nhân chứng (một nhân chứng đã mất do tuổi cao, sức yếu) từng được gặp Bác Hồ. Các ông luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ, thực sự là những người con ưu tú của quê hương, là những cán bộ, đảng viên, quân nhân, người lao động gương mẫu, trọn đời học và làm theo Bác”.
Qua những câu chuyện mà các nhân chứng được gặp Bác kể lại, chúng tôi cảm nhận sâu sắc giá trị chân thực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hình ảnh, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác sẽ sống mãi trong trái tim những người lính, mỗi người dân Thanh Hóa, Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Bài và ảnh: Lê Hà