Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Thanh Hóa đồng chủ trì hội nghị.
Các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển và các chuyên gia, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.
Toàn cảnh hội nghị.
Hiện nay, cả nước có 6 Ban quản lý KBTB và 5 Ban quản lý Vườn quốc gia có quản lý hợp phần biển. Tất cả các Ban quản lý trên trực thuộc quản lý của địa phương với 3 hình thức tổ chức bộ máy khác nhau. Về khía cạnh chuyên môn, các ban quản lý khu bảo tồn biển hiện nay đang có sự bất cập nhất định trong công tác chỉ đạo điều hành; chưa đủ thẩm quyền để tham mưu kịp thời trong việc quản lý khu bảo tồn biển. Mặt khác, Ban Quản lý/Vườn Quốc gia là đơn vị sự nghiệp có thu, không có thẩm quyền và chức năng để xử lý vi phạm pháp luật mà phải phối hợp với các lực chức năng khác (Biên phòng, Cảnh sát môi trường) để xử lý nên không kịp thời và gặp khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhiệt liệt chào mừng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn tham dự Hội nghị. Đồng chí đã khái quát tình hình kinh tế và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng.
Vùng biển Thanh Hóa hiện có khoảng 426 loài thuộc 203 giống nằm trong 101 họ hải sản, chiếm 68,7% tổng số loài bắt gặp ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ. KBTB Hòn Mê là một trong 16 KBTB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 742 ngày 26-5-2010 và đã được Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch chi tiết, bàn giao cho UBND tỉnh để phê duyệt thành lập theo quy định. Tuy nhiên, hiện KBTB Hòn Mê vẫn chưa có quyết định phê duyệt do ưu tiên phát triển kinh tế biển tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Thông qua hội nghị này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự hội nghị sẽ đóng góp nhiều giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật trong công tác quản lý KBTB, ven biển, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Tạo hành lang pháp lý minh bạch, điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực cho các KBTB phát triển bền vững.
Đại biểu tham luận tại hội nghị.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đã tập trung thảo luận, đánh giá công tác quy hoạch, thành lập và quản lý KBTB. Chia sẻ các kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý trong bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các địa phương; phát triển kinh tế biển xanh góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển; cơ chế tài chính bền vững cho quản lý KBTB ở Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý các KBTB, ven biển Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Thủy sản tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện báo cáo trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để công tác bảo tồn biển đạt hiệu quả hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu của KBTB; chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các ngư dân hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trong KBTB sang các nghề thân thiện với môi trường.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo tồn biển để đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của các địa phương trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thành lập mới các KBTB, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, tái tạo, phục hồi môi trường sống cho các loài sinh vật biển nói chung, nguồn lợi thủy sản nói riêng. Kết nối các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển với các địa phương nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy việc mở rộng thành lập mới các KBTB, ven biển.