Các đại biểu tham quan hệ thống tưới phun sương của mô hình thâm canh chè VietGAP.
Trước đây, người dân xã Bình Sơn theo nếp sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa. Mỗi tháng, hộ dân nhiều nhất cũng chỉ thu về khoảng 10 - 20 kg chè khô, thu nhập không cao. Mặc dù, thời điểm đó, sản phẩm chè Bình Sơn chất lượng không thua kém các thương hiệu chè nổi tiếng trong nước, nhưng không ghi dấu ấn trên thị trường.
Từ năm 2016, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập, đã xác định thế mạnh và những khó khăn hiện có nên đứng ra liên kết với 20 hộ dân trồng chè tham gia sản xuất tập trung, với tổng diện tích hơn 30 ha.
Từ khi thành lập HTX đến nay, đã giúp người dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống. Năm 2019, sản phẩm chè Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng nhiều, giá chè cao hơn. Mỗi năm, HTX đưa ra thị trường khoảng 50 tấn chè khô, thu lãi hàng trăm triệu đồng, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Trung ương HND Việt Nam phối hợp với HND tỉnh Thanh Hóa tổ chức bàn giao vật tư hỗ trợ mô hình thâm canh chè VietGAP.
Việc áp dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất và chế biến các sản phẩm từ chè là hết sức cần thiết nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước tình hình đó, Trung ương HND Việt Nam đã hỗ trợ HTX 1 máy hái chè, hệ thống tưới phun sương, phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học với tổng trị giá trên 400 triệu đồng. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về kinh tế tập thể, tổ hợp tác và sản xuất theo chuỗi giá trị cho hội viên nông dân tại xã Bình Sơn.
Với việc được đầu tư thiết bị, máy móc trong việc sản xuất và chế biến chè sẽ tạo ra được hướng đi mới cho sản phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ đào tạo được đội ngũ lao động có tay nghề cao, làm chủ được khoa học - công nghệ.
Tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về kinh tế tập thể, tổ hợp tác và sản xuất theo chuỗi giá trị cho 65 hội viên nông dân tại xã Bình Sơn.
Thời gian tới, Trung ương HND Việt Nam tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ đúng cách, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè Bình Sơn; quảng bá, giới thiệu và đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng.