Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên và Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh dự hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm trình bày Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp cụm công nghiệp sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp cụm công nghiệp sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh cho biết: Qua kết quả điều tra, khảo sát tại 423 cơ sở; kết quả phân tích chất lượng thành phần môi trường và các số liệu thanh tra, giám sát, xác minh đơn thư của Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố và căn cứ tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiện có 208/423 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.
Với mục tiêu, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh phát triển bền vững, Đề án đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không có khả năng khắc phục tại chỗ, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường ra khỏi khu dân cư, khu đô thị.
Trên cơ sở rà soát Đề án đã đề xuất phương án xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, dự kiến sẽ di dời 168 cơ sở thuộc nhóm các cơ sở không đảm bảo khoảng cách về môi trường hoặc đảm bảo về khoảng cách nhưng không thể khắc phục tại chỗ vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung.
Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất chế biến đá tại cụm công nghiệp Vức, hiện đã hết hạn thuê đất/chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa thực hiện việc lập hồ sơ môi trường… Yêu cầu UBND TP Thanh Hóa rà soát các cơ sở, lập phương án di dời, yêu cầu dừng hoạt động hoặc giao đất, cho thuê đất đối với các cơ sở đủ điều kiện để tiếp tục được hoạt động tại chỗ; thời gian trước ngày 30-12-2025.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị.
Cho ý kiến vào nội dung này, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng: Việc xây dựng Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp cụm công nghiệp sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh là cần thiết, cần hoàn thiện và triển khai sớm. Qua rà soát danh sách 168 cơ sở thuộc diện phải di dời mới chỉ là kết quả sau khi khảo sát 423 doanh nghiệp, do vậy cần phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo không bỏ sót cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoạt động trong khu đô thị, khu dân cư. Bên cạnh đó, Đề án xác định mục tiêu, lộ trình di dời các cơ sở trong giai đoạn 2026-2030 là chưa có tính phấn đấu, cần phải xác định các cơ sở có tính cấp bách về ô nhiễm môi trường để tổ chức di dời ngay trong giai đoạn 2023-2025.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam phát biểu tại hội nghị.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên phát biểu tại hội nghị.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư. Hầu hết các cơ sở này hoạt động tự phát trên đất ở của hộ gia đình, đất nằm trong quy hoạch khu đô thị, mặt bằng chật hẹp, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, công trình xử lý chất thải không được đầu tư đầy đủ hoặc không đúng tiêu chuẩn, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, gây bức xúc trong Nhân dân.
Về giải pháp, các ý kiến cho rằng trước hết phải xác định được vị trí để di dời các cơ sở, đồng thời phải có các giải pháp đồng bộ về hạ tầng, công nghệ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng di dời cơ sở gây ô nhiễm ở vị trí này lại gây ô nhiễm môi trường ở vị trí khác. Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp cụm công nghiệp sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh là quan trọng nên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần chỉ đạo sở, ngành liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng để khi ban hành thực hiện đạt hiệu quả cao.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh và các ngành, địa phương liên quan khảo sát, xây dựng dự thảo đề án khá công phu, có tính khả thi cao. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh đề án.
Nhấn mạnh quan điểm của Đảng về mục tiêu phát triển bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Muốn phát triển bền vững thì phải đảm bảo môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc sửa đổi tên đề án là: Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Phải điều tra, khảo sát, đánh giá lại thực trạng của các cơ sở sản xuất một cách căn cơ, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo các nhóm nguyên nhân và mức độ ô nhiễm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu sản xuất tập trung để chuẩn bị mặt bằng tiếp nhận các cơ sở di dời. Vận động chuyển đổi nghề đối với các cơ sở sản xuất không có khả năng khắc phục ô nhiễm tại chỗ và không có điều kiện để di dời. Đề án cần xác định mục tiêu, lộ trình cho giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030, đồng thời nên xác định mục tiêu cụ thể cho từng năm để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh giải pháp tuyên truyền, vận động, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở di dời; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, đơn vị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện đề án với tinh thần khẩn trương, phấn đấu phê duyệt, ban hành ngay trong 6 tháng đầu năm nay.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa trình bày về tình hình thu hút đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm 3 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo về tình hình thu hút đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, huy động vốn đầu tư phát triển quý I trên địa bàn tỉnh ước đạt 32.526 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 19 dự án đầu tư, trong đó có 3 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng và hơn 50 triệu USD. Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế như: số dự án thu hút đầu tư trực tiếp mới giảm so với cùng kỳ, chưa thu hút được các dự án lớn mang tính đột phá, thiếu mặt bằng sạch để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư...
Báo cáo cũng đánh giá cụ thể về tình hình triển khai thực hiện 68 dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong số 16 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, đến nay có 5 dự án đang triển khai thực hiện; 5 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư; 6 dự án ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư đang thực hiện hồ sơ, thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đối với 10 dự án trong KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, hiện có 4 dự án đang thực hiện, 6 dự án đang hoàn hiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư. Còn lại 42 dự án khác thì có 18 dự án đang thực hiện, 24 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị.
Các ý kiến thảo luận của các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại hội nghị đều cho rằng: Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, chủ yếu do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, đầu tư hạ tầng một số khu tái định cư chậm, một số trường hợp người dân cố tình không hợp tác với Hội đồng giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, trách nhiệm của một số nhà đầu tư, chủ đầu tư chưa cao cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư cũng gặp khó khăn do các vướng mắc về thể chế.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Thuận lợi rất lớn của chúng ta hiện nay là đã có các quy hoạch lớn, điều quan trọng là phải đẩy mạnh việc hiện thực hóa, đưa quy hoạch vào cuộc sống, tạo cơ sở để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách về đầu tư. Đặc biệt, phải tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác này. Đôn đốc các nhà đầu tư, chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp điện, cấp nước, phòng cháy chữa cháy cho các dự án, nhất là các dự án sản xuất kinh doanh quy mô lớn. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, các dự án không làm theo đúng cam kết. Linh hoạt trong điều hành phân bổ quỹ đất 2 lúa được phép chuyển đổi, ưu tiên cho các dự án có khả năng thực hiện nhanh và hiệu quả.
Đối với các dự án đã ký cam kết đầu tư, ghi nhớ thỏa thuận đầu tư, UBND tỉnh và các ngành, các cấp cần bám sát từng dự án, gặp gỡ nhà đầu tư để thúc đẩy triển khai dự án. Cùng với đó, cần phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động của các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt sáng tạo hơn nữa trong công tác thu hút đầu tư, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, tạo động lực phát triển của tỉnh trong thời gian tới.