Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị
Dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành liên quan, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và các huyện miền núi của tỉnh.
Đồng chí Trưởng Ban Dân tộc phát biểu tại hội nghị.
Đề án phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thể khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025 do Ban Dân tộc chủ trì xây dựng. Đối tượng của đề án hướng đến là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Phạm vi thực hiện của đề án tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 11 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc đã báo cáo trình bày đề án trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến của các sở, ban, ngành, UBND các huyện miền núi góp ý vào dự thảo đề án. Đến nay, Ban Dân tộc đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh đề án và gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình UBND tỉnh. Theo đó từ nay đến năm 2025, các huyện miền núi phát huy được 43 đối tượng cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi. Tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.000 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh (hộ gia đình làm chủ mô hình và lao động thuộc hộ nghèo làm công thường xuyên từ các mô hình). Xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP trở lên. Tổng nhu cầu vốn cho phát triển đề án khoảng 230 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 139 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 13,2 tỷ đồng, còn lại là vốn vay tín dụng chính sách và những nguồn huy động hợp pháp khác.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc phát biểu tại hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, các huyện miền núi đồng ý với các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế ở khu vực miền núi mà đề án nêu. Đồng thời, đề nghị bổ sung mở rộng đối tượng tham gia các mô hình cây trồng, vật nuôi; bổ sung mô hình hoặc thay đổi quy mô cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương; quy định rõ đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định…
Đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đánh giá cao sự cố gắng của Ban Dân tộc đã xin ý kiến hoàn thiện của các cấp, các ngành và các địa phương liên quan để xây dựng đề án. Đồng thời cũng đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội nghị.
Đồng chí nhấn mạnh đối tượng và phạm vi thực hiện đề án là đồng bào dân tộc vùng miền núi là rất rộng, nhưng nguồn kinh phí thực hiện cho đề án là rất hạn chế. Vì vậy, đề án cần đi sâu tìm tòi những mô hình có chọn lựa trọng điểm, để xem xét đầu tư phát triển.
Ngoài ra, về nguồn vốn đối ứng, các địa phương cần ưu tiên để đầu tư đối ứng. Ban Dân tộc chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn các đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động vay vốn của Ngân hàng chính sách theo phương án của đề án xây dựng. Đồng thời, yêu cầu Ban Dân tộc rà soát lại các mô hình đã triển khai thực hiện theo các chương trình dự án để không trùng lặp. Ban Dân tộc tiếp thu tối đa ý kiến của các ngành, các huyện miền núi hoàn thiện đề án đến ngày 17-9-2022 trình UBND tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, khảo sát đề xuất vùng trồng cây dược liệu tập trung ở khu vực các huyện miền núi; phối hợp với Ban Dân tộc để lồng ghép các chương trình có liên quan trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.