Toàn cảnh hội nghị.
Nhiệm vụ “Xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)” triển khai tại 9 huyện: Lang Chánh, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định và Hà Trung, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Môi trường Nông nghiệp thực hiện, mục tiêu nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đó, các đơn vị đã hoàn thành xây dựng bộ bản đồ nông hóa cấp xã tỷ lệ 1/5.000 – 1/10.000 và bản đồ nông hóa 9 huyện tỉ lệ 1/25.000.
Các đại biểu theo dõi bản Demo Bản đồ nông hoá.
Căn cứ kết quả đánh giá đặc tính nông hóa các vùng điều tra, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ nông hóa và bản đồ khuyến cáo bón phân cân đối cho các cây trồng chính tại 9 huyện, tỷ lệ 1/25.000, mức độ thích hợp đất đai cho 25 loại cây trồng. Trong đó, đề xuất tập trung phát triển 15 nhóm cây trồng cho giai đoạn tới, xây dựng Webgis (một hệ thống thông tin địa lý được phân bố qua các môi trường mạng máy tính để tích hợp, phân phối và truyền tải thông tin địa lý trực tuyến thông qua Internet) và số hoá các thông tin tại Website “Datnongnghiepthanhhoa.com”, để các ngành, các địa phương và người dân thuận lợi tra cứu, tìm hiểu. Cùng với đó, thông qua các thông tin được nghiên cứu, tổng hợp, bản đồ đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và các biện pháp sử dụng đất, quản lý dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác cho từng loại cây trồng trên từng loại đất ở từng địa phương.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tính tổng thể, phù hợp và tiện dụng của bản đồ đối với quá trình giám sát, quản lý sử dụng đất. Đồng thời, dựa trên những khảo sát, áp dụng bước đầu của bản đồ nông hoá để đánh giá sự phù hợp từng vùng đất với các loại cây trồng, phân tích xu hướng phát triển cần thiết của các vùng cây trồng, nhất là phát triển các vùng cây ăn quả tập trung của tỉnh trong tương quan phát triển với cả nước và thế giới….
Đại diện huyện Lang Chánh phát biểu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định việc xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa là cơ sở khoa học cho thực hiện xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, gắn với chế biến, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, phục vụ nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Đại diện lãnh đạo huyện Bá Thước phát biểu.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn và các địa phương trong việc nghiên cứu, khảo sát để xây dựng Bản đồ nông hóa giai đoạn 1. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, các huyện đã trình bày tại hội nghị để điều chỉnh lại những nội dung trong Bản đồ nông hoá cho phù hợp với thực tiễn tại từng địa phương.
Đối với mục dinh dưỡng cây trồng, ban nghiên cứu xây dựng Bản đồ nông hoá cần tối đa hoá tiện ích cụ thể cho từng vùng đất tại từng địa phương để người dân dễ áp dụng vào thực tế sản xuất.
Cùng với việc nghiên cứu, hoàn thiện bản đồ nông hoá tại cấp huyện, xã, cần nghiên cứu, phát hành thêm bản đồ nông hoá cấp thôn, bản. Đồng thời, xây dựng thêm phần mềm Bản đồ nông hoá trên điện thoại thông minh cho doanh nghiệp và người dân thuận lợi tham khảo, nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu kết luận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương đẩy nhanh công tác tuyên truyền, tập huấn, trao đổi thông tin giữa các cấp; các cơ quan thông tin của tỉnh, như: Báo Thanh Hoá, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cần tăng cường tuyên truyền về kết quả của nhiệm vụ xây dựng Bản đồ nông hoá để các địa phương và bà con nông dân nắm được tiến độ, từng bước áp dụng vào sản xuất.
Ngành nông nghiệp cần phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo để trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ này.