Đài PT&TH Thanh Hóa lần đầu thực hiện truyền hình trực tiếp bằng xe màu HD tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa). Ảnh: T.L
Đưa Báo Thanh Hóa trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh
Hiện nay, Báo Thanh Hóa là một trong những đơn vị có nhiều ấn phẩm nhất trong hệ thống báo Đảng địa phương cả nước, với 3 ấn phẩm in, gồm báo Thanh Hóa hằng ngày, báo Thanh Hóa cuối tuần và báo Thanh Hóa hằng tháng; 2 ấn phẩm điện tử là báo Thanh Hóa điện tử (baothanhhoa.vn) và chuyên trang điện tử Văn hóa và Đời sống (vhds.baothanhhoa.vn). Đây là điều kiện thuận lợi để Báo Thanh Hóa đa dạng hóa các kênh tuyên truyền theo hướng đa nội dung, đa nền tảng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả; đồng thời cũng đặt ra những đòi hỏi bức thiết trong việc thích ứng với xu thế báo chí hiện đại.
Nhằm từng bước đưa Báo Thanh Hóa trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, từ cuối năm 2021, Báo Thanh Hóa đã xây dựng đề án và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, ban hành Kết luận số 728-KL/TU về phát triển toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, làm cơ sở pháp lý để báo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tiếp theo, trong đó có nhiệm vụ CĐS. Công cuộc CĐS của Báo Thanh Hóa không bao giờ tách rời giá trị cốt lõi là lấy bạn đọc làm trung tâm mọi hoạt động CĐS đều phải hướng đến sự hài lòng của bạn đọc.
Quá trình quản lý, điều hành, Báo Thanh Hóa chủ trương ứng dụng CĐS vào quy trình xuất bản và quản trị tòa soạn, triển khai mô hình “Tòa soạn hội tụ”. Hằng ngày, Báo Thanh Hóa tổ chức giao ban tòa soạn hội tụ, trong đó, Ban Biên tập vừa đánh giá lại kết quả công việc của ngày hôm trước vừa đưa ra những phân tích, nhận định về xu hướng thông tin, các vấn đề mới - nóng cần tập trung tuyên truyền, giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh, tổng hợp ý kiến, đề xuất của các phòng..., từ đó tạo nên sự xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Từ “trung tâm đầu não” ấy, tinh thần, lộ trình CĐS tiếp tục lan tỏa đến các phòng chuyên môn, đến từng cán bộ, phóng viên... Nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, vừa mang đến cho độc giả những tác phẩm báo chí chất lượng vừa có khả năng làm chủ công nghệ, đa-zi-năng.
Trong chiến lược phát triển của mình, Báo Thanh Hóa xác định các sản phẩm báo in là chủ lực, ấn phẩm điện tử là mũi nhọn, mở ra hướng tiếp cận phù hợp với xu thế CĐS mạnh mẽ hiện nay. Những năm qua, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, Báo Thanh Hóa tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) khoa học, xây dựng giao diện Báo Thanh Hóa điện tử (https://baothanhhoa.vn) tương thích với tất cả các thiết bị di động thông minh. Trước sự thay đổi cách tiếp cận của người đọc (công dân toàn cầu), mọi thông tin được trao đổi, tìm hiểu qua môi trường mạng, Báo Thanh Hóa đã xây dựng, quản trị 2 fanpage của Báo Thanh Hóa điện tử và chuyên trang điện tử Văn hóa và Đời sống (hoạt động từ tháng 3-2021), 2 tài khoản Zalo Official; tài khoản TikTok, tiếp tục phát triển kênh Youtube Báo Thanh Hóa,... Hiện nay, tất cả các nội dung quan trọng trên các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa đều được lan tỏa rộng rãi trên các hạ tầng mạng xã hội. Bên cạnh đó, Báo Thanh Hóa cũng đã xây dựng ứng dụng đọc Báo Thanh Hóa trên App Store và Google Play, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận nội dung của Báo Thanh Hóa một cách nhanh nhất. Báo Thanh Hóa đã được đầu tư xây dựng hệ thống studio ảo và thiết bị chuyên dụng; nâng cấp phần mềm giao diện báo điện tử; xây dựng phần mềm lọc tin và ứng dụng các mạng xã hội trong công tác xuất bản; xây dựng các ứng dụng đọc báo trên điện thoại thông minh; phần mềm duyệt báo. Cùng với đó, Báo Thanh Hóa đã xây dựng kho dữ liệu nội dung, đặc biệt là ảnh, video clip, tạo thuận lợi, chuyên nghiệp trong quá trình khai thác dữ liệu số...
Bản tin 18h của Báo Thanh Hóa ngày càng chuyên nghiệp, thu hút đông đảo người xem. Ảnh: T.L
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, từ những bước đi ban đầu, đến nay, Báo Thanh Hóa đã cho thấy lộ trình, hướng đi đúng đắn với nhiều kết quả đáng ghi nhận trên hành trình CĐS. Trong tháng 3-2023, theo số liệu công khai trên SimilarWeb được ONECMS Blog tổng hợp, với 849.600 lượt truy cập, Báo Thanh Hóa điện tử (baothanhhoa.vn) xếp thứ 6 trong 63 báo Đảng địa phương về lượng truy cập, nằm trong top 10 báo Đảng địa phương có lượng truy cập cao nhất cả nước.
Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trên hành trình hội nhập với báo chí truyền thông trong khu vực và cả nước
Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh như vũ bão của khoa học và công nghệ, muốn phát triển tất yếu phải đổi mới. Theo bước cuộc cách mạng 4.0, trên lộ trình CĐS, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) Thanh Hóa được triển khai đồng bộ trên các phương diện: quản trị số, con người số, thiết bị số, nền tảng số...
Việc đón đầu và nắm bắt công nghệ mới đã tạo điều kiện cho sự đổi mới mạnh mẽ về chất lượng nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình của đài. Từ năm 2018, với khẩu hiệu hành động “Phát triển nguồn thông tin, mở rộng phạm vi ảnh hưởng”, Đài PT&TH Thanh Hóa đã tập trung đầu tư phát triển nội dung các chương trình theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, chuyên đối tượng. Đài PT&TH Thanh Hóa hiện có hàng chục chuyên mục, chuyên đề, bản tin chuyên biệt có nội dung phong phú, hình thức thể hiện mới mẻ và hấp dẫn.
Định hướng phát triển thành đơn vị truyền thông đa phương tiện, ngoài lĩnh vực phát thanh, truyền hình, những năm gần đây, Đài PT&TH Thanh Hóa đã tập trung phát triển mảng thông tin điện tử, các nền tảng số trên internet, với sứ mệnh làm cánh tay nối dài đưa các tác phẩm phát thanh, truyền hình đến với đông đảo công chúng.
Giờ đây, trên trang thông tin điện tử truyenhinhthanhhoa.vn, độc giả có thể vừa đọc, vừa nghe, vừa xem, đồng thời vừa thể hiện được cảm xúc, phản hồi của mình đối với nội dung thông tin. Ngoài ra, đài sản xuất một số nội dung theo thể loại báo chí mới như: E-Magazine, Longform, Infographics, Podcast, làm cho thông tin hấp dẫn hơn, giúp cho độc giả dễ tiếp nhận hơn.
Đài PT&TH Thanh Hóa dần hoàn thiện hệ sinh thái với sóng phát thanh FM 92,3 MHz và kênh truyền hình TTV làm trung tâm, song hành cùng trang thông tin điện tử, ứng dụng Truyền hình Thanh Hóa và các nền tảng mạng xã hội lớn như Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok, Spotify... Đài đã phối hợp với các cơ quan báo chí lớn khác để đa dạng hóa phương thức truyền dẫn như truyền hình số của VTV, VTC; truyền hình cáp số của VTV Cab toàn quốc và truyền hình cáp địa phương; truyền hình số vệ tinh; truyền hình IPTV, OTT lớn như VTVgo, MyTV, VieOn, Viettel, FPT,... Điều quan trọng nhất của nền tảng số với phát thanh, truyền hình, nhất là với các báo, đài địa phương là gia tăng mức độ nhận diện, sức lan tỏa, xây dựng và liên tục trẻ hóa đối tượng khán giả.
Với mục tiêu phát triển thành một trung tâm truyền thông lớn của khu vực Bắc miền Trung và cả nước, thời gian qua, Đài PT&TH Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới, sáng tạo; chuyên nghiệp hóa đội ngũ; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; linh hoạt trong hoạt động quản lý, điều hành để bắt kịp với xu thế phát triển của báo chí, truyền thông. Hiện nay, TTV là đài địa phương duy nhất trong cả nước có 4 loại hình truyền thông, gồm: phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, tuyên truyền, cổ động trực quan, triển lãm và tổ chức sự kiện...
Trên hành trình phát triển, Đài PT&TH Thanh Hóa nỗ lực xây dựng hệ sinh thái rộng mở, kết nối muôn phương, không giới hạn vị trí địa lý, ở bất kỳ đâu, chỉ cần có internet và một “thao tác chạm”, công chúng đều có thể dễ dàng tiếp cận các nội dung tin tức, chương trình, chuyên mục của đài. CĐS là để hướng đến sản xuất và phân phối thông tin báo chí, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị phục vụ đắc lực công tác điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng đa dạng và có xu hướng cá thể hóa ngày càng cao của khán, thính giả với tiêu chí: chính thống - nhanh nhạy - hấp dẫn.
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh – hòa mình trên dòng chảy lớn
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã có những hành động thiết thực, hiệu quả, hòa mình vào xu hướng chung của báo chí xứ Thanh hiện đại. Công tác quản lý, điều hành đã dần đổi mới, linh hoạt trên các nền tảng số. Trang thông tin điện tử của tạp chí đang trong quá trình nâng cấp, hoàn thiện. Phóng viên, biên tập viên hình thành tư duy CĐS, đổi mới phương pháp tác nghiệp, trang bị, ứng dụng thiết bị số... Hoạt động trao đổi nghiệp vụ, khai thác, tiếp nhận bài, cộng tác từ cộng tác viên, công tác biên tập, lên trang,... cũng từng bước ứng dụng công nghệ số..., từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng tạp chí, thu hút đông đảo hơn đội ngũ cộng tác viên và độc giả đón đọc tạp chí.
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, báo chí xứ Thanh đã xây dựng lộ trình, mục tiêu, hướng đi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, từ đó định hình được bản sắc riêng trong dòng chảy CĐS, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả ban đầu, những dấu mốc đầu tiên trên hành trình còn rất dài với biết bao khó khăn, thử thách. Để thúc đẩy hơn nữa công cuộc CĐS trong hoạt động báo chí tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung, các cơ quan báo chí cần thêm sự quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành của các cấp, các ngành thông qua các cơ chế, chính sách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.
Thảo Linh