Đồng chí Trịnh Huy Triều Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa: Phát triển TP Thanh Hóa thành một trong những trung tâm lớn về thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa quyết tâm cao, nỗ lực lớn hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà quy hoạch đề ra. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 để các doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân tiếp cận, nắm bắt thông tin, định hướng của quy hoạch. Xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, bảo đảm khoa học, thống nhất, đồng bộ cả về không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị. Cùng với đó, thành phố sẽ rà soát các Chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tỉnh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, sử dụng công nghệ hiện đại, các dự án đầu tư công nghệ cao, hạ tầng thương mại, du lịch, đô thị quy mô lớn; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án xã hội hóa (xử lý rác thải, nước thải, môi trường, y tế, giáo dục…). Đồng thời, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, cùng với nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Khai thác và phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ có lợi thế của thành phố, như tài chính, ngân hàng, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, kho bãi, logistics, thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các cụm công trình hỗn hợp dịch vụ thương mại cao tầng kết hợp văn phòng, khách sạn dọc các đường phố chính, các khu đô thị mới. Đồng thời, huy động, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn; trọng tâm là thành lập và đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị phía Tây, làm cơ sở thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Triển khai sâu, rộng, thường xuyên, liên tục và hiệu quả chương trình xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện”, trong đó, trọng tâm là cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hình thành các trung tâm đào tạo, giáo dục công nghệ cao và các chuỗi cơ sở chăm sóc sức khỏe, khu nghỉ dưỡng phục hồi chức năng, viện dưỡng lão. |
Đồng chí Trần Duy Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Phát triển khoa học và công nghệ trở thành một khâu đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Đây chính là nội dung cốt lõi trong phương án phát triển ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch) và cũng là vấn đề đặt ra nhằm thực hiện khâu đột phá về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVIII và Nghị quyết Đại hội XIX của tỉnh. Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu phương án phát triển ngành KH&CN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau: Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN ở các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, như: Lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; lĩnh vực thương mại - dịch vụ, văn hóa thể thao và du lịch; lĩnh vực giáo dục - đào tạo; lĩnh vực y - dược; lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN có chất lượng, đáp ứng yêu cầu năng lực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hội nhập quốc tế. Có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ KH&CN đầu ngành, được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN quan trọng của tỉnh, cán bộ KH&CN trẻ tài năng. Đồng thời, thực hiện chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tác giả các công trình được công bố quốc tế, các sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước; có chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực KH&CN có chất lượng cao về làm việc trong tỉnh... Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tào nguồn nhận lực chất lượng cao, các nhóm nghiên cứu. Đầu tư, liên doanh, liên kết, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN chất lượng cao với trình độ phù hợp... Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức KH&CN, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động Trung tâm Thông tin Ứng dụng Chuyển giao KH&CN, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và xây dựng Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa… Đổi mới cơ chế, chính sách KH&CN, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng đáp ứng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất các nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KH&CN trong thực tiễn; đảm bảo các đề xuất nhiệm vụ KH&CN phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, kết quả các nhiệm vụ KH&CN phải đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025” đã được ban hành theo Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa và các chương trình: “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021- 2025”; “Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021 - 2025” góp phần thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thu hút vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh; nguồn ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN; thực hiện chính sách khuyến khích phát triển KH&CN; huy động tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế, nhất là vốn của doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp lớn để đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. |
Đồng chí Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân: Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, điểm nhấn trong phát triển du lịch đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước, với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Trong đó, tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính là du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Để phát huy lợi thế là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và phát triển phù hợp với mục tiêu, định hướng theo Quy hoạch tỉnh, huyện Thọ Xuân xác định vai trò và trách nhiệm to lớn trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa góp phần làm phong phú cho nền văn hóa chung của tỉnh, nâng cao giá trị của du lịch xứ Thanh. Theo đó, huyện Thọ Xuân đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóađể nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đưa các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, HĐND, Chương trình, kế hoạch của UBND và các ngành, đoàn thể để tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, đẩy mạnh công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích; quản lý nghiêm ngặt theo quy định đối với các di sản văn hóa, nhất là các công trình tu bổ, khai thác phát huy giá trị các di tích. Ưu tiên nguồn lực của địa phương cho các chương trình, dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tập trung khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể hiện trạng các di tích lịch sử, lễ hội, trò chơi, trò diễn, làng nghề truyền thống tiêu biểu,... để xây dựng, đưa vào kế hoạch thực hiện đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban, tổ bảo vệ di tích. |
Đồng chí Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn: Khai thác hiệu quả giá trị của rừng Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quan Sơn là một trong 9 huyện miền núi của tỉnh phát triển vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung - rừng gỗ lớn. Đồng thời, là 1 trong 5 huyện miền núi (Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân) là vùng khai thác dược liệu dưới tán rừng. Cũng theo theo Quyết định số 153/QĐ-TTg, huyện Quan Sơn được xác định danh mục dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện, như dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ cây nứa, vầu gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Đây là động lực để huyện phát triển và khai thác hiệu quả giá trị của rừng trong thời gian tới. Để thực hiện được điều đó, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho Nhân dân các dân tộc, với nội dung, hình thức phù hợp. Đồng thời, rà soát, quy hoạch 3 loại rừng; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Nâng cao chất lượng và đa dạng sinh học đối với các diện tích rừng nghèo, rừng trung bình gắn với công tác khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng ở những nơi có điều kiện. Khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên (luồng, nứa, vầu, song, mây...). Đồng thời, trồng thử nghiệm các cây dược liệu mới dưới tán rừng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên. Làm giàu rừng tự nhiên bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, trồng bổ sung các loài cây trồng lâm nghiệp đa mục đích, giá trị kinh tế cao, như cây giổi, lim… Cải tạo, phục tráng và thâm canh ổn định diện tích rừng luồng, nứa, vầu đã được quy hoạch, phát triển rừng theo hướng bền vững, có chứng nhận rừng bền vững (FSC). Phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm dưới tán rừng hoặc liên kết không gian rừng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp từ các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất. Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư các dự án mới vào lĩnh vực chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến gắn với xuất khẩu và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu lâm sản bền vững. |
Đồng chí Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương: Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Để góp phần thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Công Thương xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Sở xây dựng các nhóm giải pháp để triển khai thực hiện, gồm: Các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quy hoạch tỉnh, các kế hoạch, chương trình đề án có liên quan; xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa đầu tư hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các Khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo mặt bằng thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư, như PCI, PAPI, SIPAS, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh nói chung và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói riêng nhằm hỗ trợ công tác kêu gọi thu hút đầu tư dự án công nghiệp. |
Đồng chí Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất để xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện bản đồ nông hóa trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Ngành Nông nghiệp tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng đối với 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc thù, hữu cơ có lợi thế của tỉnh theo các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới… Tạo điều thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trọng tâm là đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng các cơ sở chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác; đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp, phát triển trang trại. Đi đôi với đó, ngành nông nghiệp tích cực kêu gọi đầu tư từng bước xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. |
Đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa: Phát triển du lịch bền vững với 3 mũi nhọn Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển du lịch Thanh Hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Theo đó, tỉnh và ngành sẽ chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; phát triển 3 loại hình du lịch mũi nhọn gồm du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch di sản văn hóa. Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối giữa vùng Đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung bộ; có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình từ đường bộ, đường sắt, cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, cảng hàng không kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của 3 vùng kinh tế là vùng núi trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế. Với Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng quốc gia cấp đặc biệt; có tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội, với 102 km đường bờ biển và nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Xương; các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng; thắng cảnh Hàm Rồng - sông Mã, Suối cá thần Cẩm Lương… Thanh Hóa còn có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, các làng nghề truyền thống và ẩm thực đặc trưng, hấp dẫn. Vì vậy, tỉnh có đủ điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Hiện toàn tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn với kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch, như Vingroup, Sungroup, Flamingo, BRG, T&T… Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Sầm Sơn, Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường, Dự án quảng trường biển trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En, Quần thể nghỉ dưỡng nước khoáng Quảng Yên, khu du lịch sinh thái Tân Dân… Từ định hướng của quy hoạch tỉnh mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xác định phải xây dựng sản phẩm du lịch biển thực sự hấp dẫn, văn minh, hiện đại, sôi động, trở thành sản phẩm du lịch có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách, phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường; tập trung phát triển 3 trung tâm du lịch biển chính dọc theo bờ biển các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn, trung tâm Hải Hòa và quần đảo Hòn Mê... Đồng thời, hình thành các điểm du lịch sinh thái mới; tập trung đầu tư phát triển du lịch cộng đồng như: Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân... Cùng với đó, ngành sẽ phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử tại các khu du lịch trọng điểm: Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, đền Bà Triệu, Am Tiên, đền Sòng Sơn, khu tưởng niệm nữ dân quân Hoa Lộc, thành Hoàng Nghiêu; nghiên cứu, lựa chọn và phục dựng một số lễ hội văn hoá đặc trưng, tổ chức thường niên nhằm quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Thanh Hoá. Để đạt được mục tiêu, định hướng trên, thời gian tới, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ rà soát, lập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các khu, điểm du lịch phù hợp với Quy hoạch tỉnh để làm cơ sở đầu tư hạ tầng, kêu gọi dự án đầu tư kinh doanh du lịch nhằm hình thành rõ nét không gian phát triển 3 sản phẩm du lịch mũi nhọn như đã nêu. Tiếp theo, ngành sẽ tranh thủ nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu, lựa chọn và phục dựng một số lễ hội văn hoá đặc trưng, tổ chức thường niên nhằm quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Thanh Hoá: Lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu, lễ hội Am Tiên, lễ tế Đàn tế Nam Giao (Thành Nhà Hồ), lễ hội Phủ Trịnh... Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư có trọng điểm, thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực đầu tư các dự án đầu tư kinh doanh du lịch sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trọng tâm là hình thành các trung tâm nghỉ dưỡng biển kết hợp với vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại; hình thành các khu nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị, hội thảo, bổ sung các dịch vụ bổ trợ phù hợp với tính chất nghỉ dưỡng sinh thái như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dịch vụ làm đẹp... tại khu du lịch biển Sầm Sơn, Hoằng Phụ, ven biển huyện Quảng Xương, khu vực đảo Mê - Nghi Sơn, Vườn Quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông… Cùng với đó, ngành sẽ đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa phục hồi ngành du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp “Du lịch Thanh Hoá - hương sắc bốn mùa”; đẩy mạnh liên kết khu vực đồng bằng sông Hồng, Khu vực Bắc Miền Trung xây dựng các sản phẩm du lịch chung… |