Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương và các đồng chí lãnh đạo Bộ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2022 giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2021 tăng 5,74%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỷ USD. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 19,5% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Những kết quả đạt được của hoạt động thương mại trong thời gian qua đã và đang cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ban, ngành trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Bộ Công thương cũng đề ra 6 giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, như: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả và hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Điểm cầu hội nghị tại các địa phương trong cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nhận định những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất dự báo tiếp tục giữ ở mức cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành để đạt được nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Dự báo về những yếu tố thuận lợi và khó khăn trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; tăng cường kiểm tra hoạt động thị trường, kịp thời xử lý các vi phạm theo đúng quy định; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ...
Các địa phương khẩn trương chỉ đạo xây dựng chiến lược, chương trình hành động và các đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, rà soát các nội dung phát triển công nghiệp và thương mại để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành.