• :
  • :

Cải cách hành chính: Nhìn từ vai trò lãnh đạo của Đảng

Cải cách hành chính: Nhìn từ vai trò lãnh đạo của ĐảngCông chức bộ phận "một cửa" UBND xã Đông Minh (Đông Sơn) giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ảnh: Thu vui

Cuối giờ chiều, không khí làm việc tại bộ phận “một cửa” phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) vẫn nghiêm túc, nhiều công dân được cán bộ, công chức hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Để hoạt động CCHC mang lại hiệu quả rõ nét, chị Nguyễn Thị Oanh, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Đông Hải cho biết: “Những năm qua, việc xây dựng nền hành chính phục vụ luôn được Đảng ủy phường quan tâm sát sao. Ngoài nêu cao vai trò chỉ đạo của người đứng đầu, tôi yêu cầu cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. TTHC nào người dân không hiểu phải giải thích rõ ràng; thủ tục nào không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn người dân đến nơi khác giải quyết. Toàn bộ mức thu phí, lệ phí, thời gian và kết quả giải quyết TTHC được công khai để tổ chức, cá nhân theo dõi”.

Nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp TP Thanh Hóa lựa chọn CCHC là khâu đột phá để thực hiện. Nửa nhiệm kỳ qua, cùng với cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 30 - 50% so với quy định, TP Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CCHC. Hiện nay, 100% TTHC được tiếp nhận trên hệ thống thông tin “một cửa” điện tử; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng; tỷ lệ ký số tổ chức và ký số lãnh đạo đạt 100%. Thành phố có trên 90% TTHC tiếp nhận và trả kết quả được số hóa xử lý trên môi trường mạng. Số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Năm 2022, thành phố có 10 phường, xã hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số, năm 2023 phấn đấu có thêm 10 phường, xã hoàn thành.

Từ năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh”. Nghị quyết số 02 đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong từng lĩnh vực. Từ hiệu quả Nghị quyết số 02 mang lại, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã lựa chọn “Đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh” là 1 trong 4 khâu đột phá để thực hiện. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thanh Hóa tiếp tục lựa chọn “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là khâu đột phá để triển khai nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nữa. Thực hiện khâu đột phá này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu ở mức cao, trong đó phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về 4 chỉ số PAPI, SIPAS, PAR INDEX và PCI. Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC. Xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện 5 năm và hàng năm, nội dung bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung CCHC, thời gian thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và cơ quan thực hiện.

Cải cách hành chính: Nhìn từ vai trò lãnh đạo của ĐảngCông chức bộ phận “một cửa” phường Đông Hải hướng dẫn công dân giải quyết thủ tục hành chính.

Nắm bắt kịp thời xu thế phát triển, ngày 10-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với 3 trụ cột chính là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số. Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 06, Thanh Hóa đã có sự bứt phá rõ nét khi là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tạo lập văn bản trên môi trường điện tử và sử dụng chữ ký số. Hiện nay, văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định). Thanh Hóa cũng là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp; là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành thuế và ngành giao thông - vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Chưa dừng lại ở đó, Thanh Hóa còn là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và ban hành quyết định giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2022, Thanh Hóa đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi vững vị trí thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI, thứ 5 về Chỉ số SIPAS và thứ 10 về Chỉ số PAR INDEX. Hơn 10 năm chính thức tham gia các bộ chỉ số, đây là năm đầu tiên Thanh Hóa xác lập cùng lúc nhiều kỷ lục ấn tượng trên bảng xếp hạng của cả nước. Những nỗ lực trong CCHC đã giúp Thanh Hóa cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 154 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 19 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.669 tỷ đồng và 193 triệu USD.

Những kết quả tích cực và nổi bật trong công tác CCHC những năm qua có vai trò rất lớn của cấp ủy các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Bằng các kế hoạch, chương trình và hành động cụ thể, Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tạo bước đột phá mới trong CCHC cho những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Thu Vui


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết