Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ảnh: Tố Phương
Những trở lực lớn
Thanh Hóa đặt mục tiêu nằm trong top 10 cả nước về Chỉ số PCI vào năm 2025. Thế nhưng, nửa nhiệm kỳ đã đi qua, chỉ số này không những không được giữ vững mà ngày càng tụt sâu trên bảng xếp hạng. Nếu như năm 2020, Thanh Hóa xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố thì năm 2021 lại giảm tới 15 bậc, xếp thứ 43 toàn quốc. Đến năm 2022, Thanh Hóa một lần nữa “thất vọng” khi Chỉ số PCI tiếp tục tụt xuống vị trí thứ 47/63 tỉnh, thành phố với 63,67 điểm, thuộc nhóm trung bình của cả nước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Thanh Hóa tụt hạng ở chỉ số này. Sự tụt hạng liên tiếp và giảm điểm nhiều chỉ số thành phần đã và đang tạo ra gây áp lực cho nhà lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực liên quan. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với Thanh Hóa trong hành trình chinh phục mục tiêu nằm trong top 10 của cả nước.
Theo kết quả công bố Chỉ số PCI, tiêu chí thành phần về tiếp cận đất đai của Thanh Hóa đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Từ vị trí này để thấy rằng, thủ tục về đất đai còn quá nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó, tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra ở nhiều nơi với số lượng lớn. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2020-2021, toàn tỉnh có 7.063 hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai của hộ gia đình, cá nhân do Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện bị quá hạn. Từ 1-11-2022 đến 31-5-2023, toàn tỉnh có 10.278 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân quá hạn (chiếm 3,33%).
Việc quá hạn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã khiến người dân, doanh nghiệp không hài lòng; tình trạng phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khi giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận càng khiến tổ chức, công dân, doanh nghiệp bức xúc. Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh diễn ra vào trung tuần tháng 7-2023, nhiều đại biểu đã thắng thắn chỉ rõ tình trạng “lót tay” khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai vẫn diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Ông Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nông Cống nhấn mạnh 3 lý do khiến Chỉ số PCI của Thanh Hóa tụt sâu trên bảng xếp hạng, đứng thứ 47 cả nước, đó là: Thanh Hóa chưa có mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; vai trò, chức năng của các sở, ngành chưa phát huy hết hiệu quả, công tác tham mưu cho tỉnh chưa tốt; đặc biệt tình trạng “bôi trơn” khi giải quyết TTHC cho doanh nghiệp vẫn còn diễn ra.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh chỉ ra “cơn bão ngầm" khi một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn. Theo ông Cao Tiến Đoan, trước đây, các sở, ngành nỗ lực, cố gắng để được giao nhiều việc, nhưng bây giờ thì ngược lại, khi được giao việc lại đùn đẩy (càng không giao việc càng tốt) làm trì trệ trong khâu giải quyết TTHC, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư. Cùng chung nhận định này, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa nhấn mạnh: “Hiện nay có tình trạng khi giải quyết cùng một việc, nhưng tỉnh lại giao cho quá nhiều sở, ngành chủ trì tham mưu. Việc rà soát kỹ là cần thiết, nhưng cần hạn chế vòng vo, chồng chéo, kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành thủ tục dự án. Đặc biệt tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC chưa cao. Tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai chưa được xử lý dứt điểm”.
Dù đã có nhiều hành động, biện pháp quyết liệt, song Thanh Hóa vẫn còn những thách thức trên con đường CCHC cần phải tiếp tục tháo gỡ. Từ năm 2021 đến hết tháng 6-2023, qua hệ thống phanhoi.thanhhoa.gov.vn và Cổng dịch vụ công quốc gia, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.715 ý kiến phản ánh từ phía người dân, doanh nghiệp về thái độ, lề lối làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chậm trễ, chưa đề cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các TTHC cho người dân. Trong Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 29-5-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ: Nhiều công việc, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, nhưng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chậm tiến độ, chưa chủ động, thiếu quyết liệt, chất lượng tham mưu chưa đảm bảo theo yêu cầu. Người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn được giao. Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền...
Nguồn lực và những điều kiện để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác CCHC, giải quyết TTHC vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều nội dung CCHC phụ thuộc vào ngân sách cấp huyện, cấp xã, trong khi số địa phương khó khăn về ngân sách còn nhiều. Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế chỉ ra sau kiểm tra hiệu quả chưa cao. Việc định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường dẫn đến số dự án thu hút đầu tư chưa được như mong đợi... Nhiều “nút thắt” trong thực thi công vụ chưa được tháo gỡ là những trở lực lớn mà Thanh Hóa cần sớm khắc phục trong nửa nhiệm kỳ còn lại mới có thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025.
Nỗ lực không ngừng
Thanh Hóa luôn xác định để phát triển một cách bền vững, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm và liên tục. Với quyết tâm vượt qua chính mình, Thanh Hóa không cho phép hoạt động CCHC được chùng xuống mà phải nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để kiến tạo những giá trị mới cao hơn trong những năm tiếp theo.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng để gỡ dần những tồn tại trong công cuộc cải cách. Theo đó, để khắc phục tình trạng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 29-5-2023, yêu cầu giám đốc sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt sâu sắc chủ đề năm 2023 “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” và phương châm hành động của UBND tỉnh “Đoàn kết - kỷ cương - trách nhiệm - linh hoạt - hiệu quả”. Kiên quyết khắc phục tình trạng Chủ tịch UBND tỉnh giao, nhưng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chậm tiến độ, chưa chủ động, thiếu quyết liệt; người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền, phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; chủ động điều chuyển, thay thế theo đúng quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.
Trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh khẩn trương thực hiện nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa TTHC, TTHC nội bộ, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, nội dung, quy trình và thời hạn kế hoạch đề ra. Thường xuyên rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với CCHC, bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, đối chiếu các chỉ số nội dung, chỉ số nội dung thành phần thấp điểm thuộc phạm vi, lĩnh vực, trách nhiệm của đơn vị mình để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số PCI của Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Đề án “Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” đặt ra các mục tiêu: Tiếp cận, xúc tiến từ 3 - 6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa. Phấn đấu vận động, xúc tiến thành công các dự án đầu tư trực tiếp (FDI, DDI) với tổng mức đầu tư dự kiến đạt từ 30 tỷ USD (tương đương 690.000 tỷ đồng) trở lên. Phấn đấu kêu gọi, xúc tiến thành công các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư dự kiến đạt từ 36.373 tỷ đồng trở lên. Để đạt được các mục tiêu lớn này, Thanh Hóa tiếp tục quan tâm xây dựng bộ máy chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, hành động vì doanh nghiệp. Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp diễn ra đầu tháng 3-2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cam kết, tỉnh Thanh Hóa sẽ luôn sát cánh, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời chỉ đạo các ban, sở, ngành, địa phương theo dõi, nắm bắt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các dự án thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Cùng với tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nhiều quỹ đất sạch, Thanh Hóa chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến đầu tư theo nhiều hình thức. Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin, hình ảnh tốt đẹp về môi trường đầu tư của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, qua đó làm cầu nối để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh. Thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài theo cơ chế “cùng thắng” nhằm tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài để rút ngắn giai đoạn phát triển và khoảng cách lạc hậu về công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục đã đề ra.
Tố Phương