• :
  • :

Cảnh giác với âm mưu “nắn dòng dư luận”

Cảnh giác với âm mưu “nắn dòng dư luận”

Các nôi dung thông tin xuyên tạc về lịch sử đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội facebook nhận nhiều bình luận phản bác, tẩy chay từ cộng động mạng. (Ảnh chụp từ internet)

Trong khi dư luận trong nước đang tranh luận xem nên hay không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn cho cấp học THPT từ năm học 2022-2023 theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì bên kia “đại dương”, một số đối tượng có liên quan đến tổ chức khủng bố Việt Tân lại tranh thủ tiến hành xuất bản cuốn sách “Đôi dòng sử Việt”. Điều đáng nói là nhiều nội dung trong cuốn sách đã xuyên tạc trắng trợn vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ đất nước; thay vào đó đã vinh danh một số nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn...

Trên một số trang mạng xã hội như “Tiếng dân”, “Tivi tuần san”... thông qua các hình thức đăng tải video clip, bình luận theo chuyên đề, các đối tượng thù địch đã lộ rõ âm mưu “bắn đại bác vào quá khứ” với chiêu bài “mưa dầm thấm lâu”. Chúng lật lại những thông tin, sự kiện cũ rồi suy diễn, xuyên tạc bằng “cái nhìn mới” để kích thích, gây hoang mang cho người nghe, người xem, trong đó tập trung nhiều nhất là vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nói về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những kẻ cơ hội chính trị này đã đánh tráo, cho rằng thành quả Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản. Việc xuyên tạc lịch sử của chúng thực chất là mưu đồ chính trị của những người bất mãn với chế độ chính trị, muốn phủ nhận ý nghĩa, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và thành quả của cuộc cách mạng. Cần phải khẳng định, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa. Cách mạng thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, từ đây Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và đi lên CNXH.

Tự thân mỗi người đều biết, quyền dân chủ không phải là một khái niệm vô hạn và không có quyền dân chủ nào được phép vu cáo, xuyên tạc, phỉ báng cả một dân tộc, xâm hại quyền, lợi ích của một đất nước, bởi vậy thực chất của những luận điệu trên chính là nhằm phá hoại về mặt tư tưởng, làm mất lòng tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ.

Mục tiêu việc làm này là nhằm hình thành một thế hệ có suy nghĩ đòi xét lại lịch sử, trong đó có nhiều thành phần “trở cờ”, nếu nhiều người trong chúng ta cả tin, chỉ biết tiếp nhận thông tin mà không có sự suy xét, đối chứng các cứ liệu lịch sử sẽ rất dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, càng gần các sự kiện lớn của đất nước thì những hoạt động này sẽ càng diễn biến phức tạp. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền Thông, trước thềm Đại hội XIII của Đảng đã có hàng nghìn trang mạng xã hội, nhất là Việt Tân đăng tải hơn 1.000 clip liên quan đến hoạt động chống, phá, xuyên tạc, tuyên truyền thông tin sai sự thật về Đảng, Nhà nước, công tác nhân sự Đại hội trên không gian mạng.

Mặc dù đã có không ít trường hợp vi phạm bị xử lý theo quy định pháp luật, nhưng dường như vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe. Vì vậy, để đấu tranh hiệu quả với thủ đoạn, chiêu trò của các thế lực thù địch cần thiết phải xử lý nghiêm minh, xét xử công khai, có hình phạt thích đáng để làm gương. Các cấp uỷ Đảng cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, đó là tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Về phía người dùng mạng xã hội, cần phải kiên trì xây dựng mỗi công dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận bảo đảm an ninh mạng, nhất là cần kiểm chứng thông tin và chia sẻ, lan toả thông tin tích cực.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết