Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Nông Cống.
Hoàn thiện chuẩn mực đạo đức công vụ, văn hóa công sở
Đối với người CB, CC, VC, đạo đức là gốc, là nền tảng để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến chất lượng thực thi công vụ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đạo đức công vụ của người CB, CC, VC gắn liền với đạo đức xã hội, những chuẩn mực được xã hội coi là giá trị; nhưng đồng thời, nó cũng là đạo đức nghề nghiệp thể hiện trong thực thi công vụ, gắn chặt với quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của CB, CC, VC.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng, hoàn chỉnh những chuẩn mực đạo đức công vụ, hướng tới nền hành chính công vì dân phục vụ, vì sự phát triển bền vững của tỉnh, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có những chủ trương, chính sách nhằm đổi mới, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức công vụ, văn hóa công sở. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành: Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 12-9-2019, về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 01/CT-UBND, ngày 1-1-2021, về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các quy định liên quan về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 1-1-2021, về tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến CB, CC, VC và người dân trên địa bàn...
Nhìn chung, đa phần đội ngũ CB, CC, VC của tỉnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó mật thiết với Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ CB, CC, VC tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các cấp phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần tích cực vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh. Từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, phường, xã, thị trấn đã xuất hiện nhiều phong trào, sáng kiến hay, việc làm tốt, có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của CB, CC, VC về trách nhiệm thực thi công vụ, qua đó giúp củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Công tác CCHC của tỉnh từng bước có sự chuyển biến tích cực và rõ nét, toàn diện, đồng bộ ở các nội dung, mặt công tác. Năm 2022, Thanh Hóa đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi vững vị trí thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI, thứ 5 về Chỉ số SIPAS và thứ 10 về Chỉ số PAR INDEX. Hơn 10 năm chính thức tham gia các bộ chỉ số, đây là năm đầu tiên Thanh Hóa xác lập cùng lúc nhiều kỷ lục ấn tượng trên bảng xếp hạng của cả nước. Những nỗ lực trong CCHC đã giúp Thanh Hóa cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 154 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 19 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.669 tỷ đồng và 193 triệu USD. Thanh Hóa là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tạo lập văn bản trên môi trường điện tử và sử dụng chữ ký số. Thanh Hóa còn là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp và cũng là địa phương đầu tiên ban hành mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và ban hành quyết định giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trong tỉnh đến năm 2025.
Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận CB, CC, VC hiện nay, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, thiếu gương mẫu về đạo đức và lối sống, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, gây bất bình trong Nhân dân... Thực tiễn cho thấy, những việc có liên quan đến sai phạm về đạo đức công vụ của CB, CC, VC trong giai đoạn hiện nay ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung phần lớn tập trung ở các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, công an, y tế, giao thông, thanh tra... Trong đó, có nhiều vụ, việc, CB, CC, VC vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng, tạo nhiều dư luận xấu, gây bức xúc trong Nhân dân. Cùng với đó, tình trạng CB, CC, VC “tham nhũng” thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc thiếu nhiệt tình và thiếu tính thân thiện trong việc tiếp công dân vẫn chưa được khắc phục triệt để...
Nhận diện khó khăn, bất cập
Theo đồng chí Bùi Huy Hùng, Phó giám đốc Sở Nội vụ: Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh vẫn còn những khó khăn, bất cập. Một số địa phương, đơn vị còn lúng túng, chưa linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Việc cung cấp các tài liệu, hồ sơ còn chưa đầy đủ, dẫn chứng chưa đủ các số liệu, thiếu chi tiết, nên giữa kết quả tự đánh giá chấm điểm và kết quả thẩm định của Sở Nội vụ có sự chênh lệch ở một số tiêu chí thành phần. Việc đánh giá công tác CCHC chưa được triển khai theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vốn là những đối tượng sử dụng dịch vụ công... Công tác triển khai nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa về CCHC, xây dựng văn hóa đạo đức công vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, nên hiệu quả chưa cao. Chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc giáo dục tinh thần trách nhiệm đối với CB, CC, VC, cũng như việc xử lý trách nhiệm đối với một số trường hợp vi phạm đạo đức công vụ chưa nghiêm nên chưa thực sự có tính răn đe.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương ở một số nơi chưa thực sự gương mẫu trong nêu gương về đạo đức, lối sống và trách nhiệm trong công việc, nên đã tác động không tốt đến tư tưởng, lập trường của cấp dưới trong việc thực thi nhiệm vụ. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của CB, CC, VC còn hạn chế, chưa thường xuyên. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đôi khi còn mang tính hình thức. Nhiều CB, CC, VC thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tự soi, tự sửa khuyết điểm, tu dưỡng đạo đức.
Nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát
Để nâng cao đạo đức công vụ đối với CB, CC, VC trong các cơ quan, đơn vị vì sự phát triển bền vững của tỉnh, theo ông Nguyễn Đức Thắng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, thì cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho đội ngũ CB, CC, VC. Vì coi trọng công tác giáo dục là nhân tố quyết định giúp người CB, CC, VC nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn và chủ động về những nội dung, quy tắc, chuẩn mực đạo đức, qua đó góp phần điều chỉnh hành vi trong thực thi công vụ phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm CB, CC, VC; quy chế đánh giá CB, CC, VC theo hướng công khai, dân chủ, có sự tham gia tích cực của người dân. Việc đánh giá khách quan, chính xác năng lực, phẩm chất và sử dụng đúng năng lực, đúng người, đúng việc, có chính sách thu hút được người tài sẽ khuyến khích CB, CC, VC phát huy năng lực đóng góp cho cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng văn hóa công vụ và văn hóa công sở để dần hình thành nên một nền nếp, thói quen và nét đẹp văn hóa trong hoạt động công vụ - văn hóa công vụ. Nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan, đoàn thể và Nhân dân. Tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động công vụ, tạo điều kiện để Nhân dân được giám sát thông qua việc công khai các quy trình, thủ tục, các loại phí, lệ phí, thẩm quyền, qua đó xử lý kịp thời và công khai, minh bạch đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm đạo đức công vụ, những hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà về TTHC trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, góp phần giáo dục và nâng cao trách nhiệm của CB, CC, VC, đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền các cấp.
Nhóm PV