Theo dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa XV, ngày 3/11, Quốc hội bước vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về phiên chất vấn các Bộ trưởng sắp diễn ra, đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) hy vọng các Bộ trưởng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần của các kỳ họp trước, thẳng thắn và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra.
Đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An).
Theo đại biểu Trần Đức Thuận, sau hơn 2 năm đại dịch, người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do đó vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách tiền lương là những nội dung được nhiều cử tri quan tâm hơn cả.
“Nhiều cử tri cũng như các đại biểu rất quan tâm đến việc thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, điều đó cho thấy chính sách tiền lương là rất quan trọng, nếu tăng đúng thời điểm sẽ kiềm chế được lạm phát cũng như cải thiện được đời sống người lao động. Việc tăng lương cần tính toán thật phù hợp để đạt được cả 2 mục tiêu trên”, đại biểu Trần Đức Thuận nói và cho biết thêm rằng, thực tế mỗi vùng miền có mức chi phí sinh hoạt khác nhau, do đó Chính phủ có thể xem xét phương án tăng lương cơ sở theo các mức các nhau tùy từng vùng, giống như mức lương tối thiểu vùng ở khu vực ngoài nhà nước hiện nay.
Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tại các phiên chất vấn chắc chắn nhiều đại biểu sẽ quan tâm đến các vấn đề như thừa thiếu giáo viên, công chức bỏ việc, chế độ chính sách với ngành y tế, thông tin xấu độc trên mạng xã hội,… Đặc biệt vấn đề về trách nhiệm, hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, công bố các kết luận thanh tra chắc chắn sẽ được các đại biểu lựa chọn để chất vấn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ hy vọng, các Bộ trưởng được chất vấn sẽ đi trực diện vào vấn đề, trả lời thấy đáo, rõ ràng, đầy đủ các nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các Bộ trưởng giãi bày về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.
"Tôi cho rằng, khi kết thúc chất vấn, mỗi đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện vấn đề đó. Bộ trưởng cũng phải có trách nhiệm với phần trả lời, với lời hứa của mình để thực hiện trước cử tri, tránh việc đặt vấn đề rồi buông xuôi để đấy, mà cần có hướng giải quyết, giám sát và theo dõi đến cùng”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam).
Trong các nội dung sẽ được chất vấn tại kỳ họp này, đại biểu Tạ Văn Hạ đặc biệt quan tâm đến các chính sách cho đội ngũ công chức, viên chức, tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, chính sách cho đội ngũ cấp xã, đặc biệt là những công chức kiêm nhiệm “phải làm rất nhiều việc, nhưng lại là con nuôi chứ không phải con đẻ”.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thanh tra, kiểm tra: “Chất lượng các cuộc thanh tra làm sao cần thực chất, ai thanh tra thanh tra, ai kiểm toán kiểm toán là vấn đề cần làm rõ. Chúng ta cần nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khi thanh tra phải công khai được kết luận”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Cùng nói về kỳ vọng trong phiên chất vấn Bộ trưởng sắp diễn ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, các vấn đề về thông tin truyền thông cũng rất quan trọng sẽ được đặt ra để Bộ trưởng Bộ TT&TT đưa ra các giải pháp đủ mạnh và thuyết phục, có thể thực hiện được ngay để có thể ngăn chặn thông tin xấu độc.
Đối với lĩnh vực của Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, gần đây dư luận quan tâm rất nhiều về công chức, viên chức bỏ việc, di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư… đây là vấn đề rất nhức nhối. Nhất là lĩnh vực y tế và giáo dục cần nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao. Bộ Nội vụ sẽ có giải pháp gì ngăn chặn tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).
Ngoài ra, theo đại biểu đoàn Hải Dương, giáo dục cũng có nhiều vấn đề, Nghị quyết của Quốc hội đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo phải tập trung cao độ, nhất là đang khuyến khích đào tạo đội ngũ giáo viên bằng nhiều chế độ chính sách cho các khối ngành sư phạm để thu hút sinh viên. Thế nhưng, hiện nay ngành giáo dục phải đối mặt với tình trạng giáo viên bỏ nghề khiến cho ngành giáo dục gặp những khó khăn nhất định khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là hai vấn đề cần giải quyết ngay trước mắt, nếu không sẽ để lại rất nhiều hệ lụy.
Về lĩnh vực xây dựng, đại biểu đoàn Hải Dương đánh giá, trên thực tế, quy hoạch và xây dựng các đô thị lớn đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là những đô thị đông dân như Hà Nội, TP.HCM. Quy hoạch đô thị hiện nay theo đánh giá của các chuyên gia và đông đảo cử tri khá lộn xộn, còn nhiều vấn đề.
“Tôi đánh giá rằng 4 lĩnh vực mà được các đại biểu Quốc hội lựa chọn để chất vấn trong kỳ họp thứ 4 để chất vấn là lĩnh vực then chốt và quan trọng và đều là lĩnh vực có vấn đề nóng cần giải quyết ngay trước mắt. Vì thế, tôi cũng hy vọng qua phiên chất vấn, về phía các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn đúng, trúng vấn đề và nêu được những khó khăn, nút thắt để làm sao các Bộ trưởng có giải pháp. Đối với các Bộ trưởng, tôi hy vọng trước những câu hỏi của các đại biểu sẽ có những giải pháp thiết thực, kịp thời trả lời thẳng vào các vấn đề để khó khăn sẽ được giải quyết. Quan trọng là sau phiên chất vấn chúng ta sẽ có những chuyển biến như thế nào”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói./.
Theo VOV