Video: Cận cảnh cây lim đại thụ ở xứ Thanh.
Cây lim xanh có tên địa phương là Thiết Lim, tên khoa học là Erythrophleum fordii Olive, thuộc họ đậu (Fabaceae). Cây lim cổ thụ nằm trên địa phận giáp ranh giữa 2 xã Xuân Khang (Như Thanh) và xã Tân Bình (Như Xuân), thuộc quản lý của Vườn Quốc gia (VQG) Bến En.
Đây là “cụ” lim xanh duy nhất còn lại tại nơi này.
Trong vùng chẳng ai biết cây lim này có từ bao giờ, nhưng theo những người dân địa phương cây “thần mộc” này phải đến hàng ngàn năm tuổi.
Theo Hồ sơ đề nghị xét duyệt cây di sản Việt Nam của VQG Bến En, cây lim xanh này khoảng gần 700 năm tuổi, có chiều cao khoảng 29m.
Gốc cây lim có đường kính rất lớn, khoảng 4-5 người ôm.
Gốc cây sần sùi, được phủ đầy những lớp rêu phong như minh chứng cho sự trường tồn của cây với thời gian.
Được biết, VQG Bến En có tổng diện tích tự nhiên là 14.305,09ha, nằm trong khu vực chuyển tiếp từ vùng núi Tây Bắc vào Bắc Trường Sơn, đồng thời cũng là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh. Vùng đất này là nơi phân bố tự nhiên của loài lim xanh, đây là loài cây quý hiếm, đặc hữu của Thanh Hóa.
“Cụ” lim này đã nhiều lần bị “lâm tặc” nhòm ngó nhưng trước sự bảo vệ quyết liệt của bà con nhân dân và lực lượng Kiểm lâm nên đã không thành.
Hiện các vết cắt trên thân cây vẫn còn, trong đó có 1 vết cắt lớn.
Theo lãnh đạo VQG Bến En, gần 10 năm nay “cụ” lim xanh không còn ra hoa khi bị “lâm tặc” cắt 1/4 đường kính gốc. Tuy nhiên, được lực lượng kiểm lâm bảo vệ, lên phương án chăm sóc, phục tráng, nên cây lim vẫn xanh tốt, vươn mình mạnh mẽ giữa núi rừng.
Không chỉ là “báu vật”, là biểu tượng, là niềm tự hào của người dân địa phương, “cụ” lim xanh này còn có giá trị rất lớn trong việc bảo tồn, duy trì nguồn gen của các loài cây quý hiếm.