Toàn cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan, lãnh đạo UBND huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn và Văn phòng UBND tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày Dự thảo tờ trình thực hiện cơ chế, chính sách giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 – 2025. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 4.367 tàu hoạt động ở vùng biển ven (chiều dài dưới 12m), thu hút khoảng trên 6.400 lao động trực tiếp. Trong đó, có 2.242 tàu cá, với hơn 3.590 lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển khu du lịch biển, đô thị biển, làm ảnh hưởng sinh kế lâu dài của ngư dân. Mặt khác, các tàu cá ven bờ đi hoạt động trong ngày, hải sản bốc dỡ tại các bờ biển, khu du lịch gây mất mỹ quan, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thu hẹp không gian du lịch ven biển.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Nga Sơn phát biểu tại hội nghị
Theo đó, dự thảo cơ chế, chính sách giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh bao gồm các nội dung: Hỗ trợ giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển; Hỗ trợ ổn định đời sống sau khi giải bản tàu cá; Hỗ trợ cải hoán tàu cá khai thác vùng ven bờ thành tàu cá khai thác vùng lộng; Hỗ trợ chi phí tổ chức giải bản tàu cá; Hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề sau khi giải bản tàu cá… Dự thảo cũng quy định cụ thể trình tự, quy trình, kinh phí thực hiện và 2 phương án thực hiện cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2023 – 2025.
Đại diện lãnh đạo UBND TP Sầm Sơn phát biểu.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đánh giá cao công tác thống kê và xây dựng cơ chế, chính sách của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng cơ chế, chính sách giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, vừa hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm mới, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho ngư dân vùng biển vừa xây dựng, phát triển các khu du lịch biển hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, môi trường cảnh quan ven biển sạch đẹp, thuận lợi cho việc khai thác tiềm năng du lịch và giảm áp lực khai thác thủy sản vùng ven bờ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị, bỏ 2/5 nhóm chính sách hỗ trợ trong dự thảo, gồm: Hỗ trợ cải hoán tàu cá khai thác vùng ven bờ thành tàu cá khai thác vùng lộng; Hỗ trợ chi phí tổ chức giải bản tàu cá để giảm kinh phí thực hiện chính sách. Đồng thời, bổ sung chính sách Hỗ trợ chuyển đổi tàu khai thác ven bờ sang vận hành du lịch và xây dựng thêm phương án Thực hiện giải bản tàu cá trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị hoàn chỉnh tờ trình với 4 chính sách hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ giải bản tàu cá ven bờ; Hỗ trợ ổn định đời sống sau khi giải bản tàu cá; Hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề sau khi giải bản tàu cá; Hỗ trợ chuyển đổi tàu khai thác ven bờ sang vận hành du lịch và 3 phương án thực hiện để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền cho ngư dân, kip thời ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hoàn thành mục tiêu cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) năm 2022.