• :
  • :

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành chức năng; các tổ chức Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021. Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021.

Cả 6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 2 khu vực có sự gia tăng mạnh nhất là Đông Nam Bộ (35.683 doanh nghiệp, tăng 17,7%) và Đồng bằng Sông Hồng (26.925 doanh nghiệp, tăng 14,3%). Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 80.107 doanh nghiệp (chiếm 89,6%, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tính đến tháng 7-2022, cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 11.894 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 1,4%); 272.015 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 31,2%) và 587.366 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ (chiếm 67,4%). Số vốn đăng ký của các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ là 13,6 triệu tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng số vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động; khu vực công nghiệp và xây dựng là 8,8 triệu tỷ đồng, chiếm 38,3% và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 510 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,2%.

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Các điểm cầu dự hội nghị (Ảnh chụp màn hình).

Cũng theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến nay khi dịch bệnh dần được kiểm soát, doanh nghiệp trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, hàng không, vận tải… đã có sự phục hồi ấn tượng. Thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa đã phục hồi trên 75% đến 85% so với trước khi có dịch COVID-19…

Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở lớn, những tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ta đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như chuỗi cung ứng nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất gặp khó khăn; giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ dẫn tới chi phí sản xuất, kinh doanh, giá thành tăng. Nguồn cung lao động có khả năng thiếu hụt tạm thời, chi phí lao động tăng…

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Đai diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Anh chụp màn hình).

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận đã đề xuất Chính phủ cần có giải pháp trọng tâm kiên định với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo việc làm. Đồng thời tập trung một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp như bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu. Triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, tập trung giải quyết tình trạng khan khiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn. Có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất…

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình).

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đến nay, sau 2 năm chống dịch COVID-19 và 7 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ lớn nhất chúng ta đã làm được là kiểm soát được dịch bệnh. Kinh tế vĩ mô giữ vững ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, GDP tăng 7,72% trong quý II năm 2022. Đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được nâng lên, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo toàn diện trực tiếp của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự ủng hộ của Nhân dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những khó khăn, sự hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp khi vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh trong 2 năm qua. Thủ tướng cảm ơn, đánh giá cao sự đóng góp tích cực, quan trọng của các doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước trên tinh thần nhân văn cao cả. Đồng thời chúc mừng các doanh nghiệp trong lúc khó khăn, thách thức đã luôn đoàn kết phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tìm ra giải pháp “biến nguy thành cơ” vươn lên trong phát triển.

Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống dân tộc, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện và hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ, chiến lược đã đề ra. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ “đồng cam cộng khổ” cùng với đất nước, cùng với Nhân dân vượt qua những khó khăn trước mặt, lâu dài và những biến động chưa thể lường hết.

Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình).

Thủ tướng tin tưởng mọi khó khăn, thách thức sẽ vượt qua, bởi vì cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng lớn mạnh, có kinh nghiệm và bản lĩnh, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước, cùng với Nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập hiệu quả, đưa đất nước phát triển hùng cường và thịnh vường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp sẽ đối mặt trong thời gian tới như sức ép về lạm phát, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, thiếu hụt nguồn lao động cục bộ, việc tiếp cận vốn khó khăn… và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau chung tay chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục những “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp với các nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm các cân đối lớn. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch như thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động... Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính mạnh mẽ, xây dựng thành công Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Cùng với đó tập trung giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, an toàn cho người dân, cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo việc làm cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát lại những khó khăn, vướng mắc của doang nghệp, từ đó có kế hoạch, giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc. Thúc đẩy giải ngân ngốn vốn đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội trong đó có nguồn lực của doanh nghiệp. Tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cùng với nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch COVID-19, trước mắt tập trung làm tốt nhiệm vụ tiêm vắc xin cho các tầng lớp Nhân dân. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Đối với các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc lại doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghệp hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững trên tinh thần “lợi ích thì hài hoà, rủi ro cùng chia sẻ”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết