Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng, lãnh đạo các bộ, ngành, cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và quý vị đại biểu.
Hai ngày đến với xứ Thanh - vùng đất “hương sắc bốn mùa”, hai ngày trải qua nhiều cung bậc “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, tôi cùng các thành viên trong đoàn công tác cảm nhận về sức sống mới ở làng quê nông thôn, ở các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số, ở cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng dây chuyền tiên tiến... Những chuyển biến tích cực thể hiện qua kết quả xây dựng nông thôn mới khá toàn diện, cao hơn trung bình của cả nước và các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, chất lượng sống của người dân dần nâng cao... Tôi xin ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đạt được từ sự quyết tâm, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương trong suốt thời gian qua, và tin tưởng rằng kết quả đạt được sẽ tốt hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Đến thăm và làm việc, ghi nhận ý kiến từ đại diện lãnh đạo 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, mới hiểu thêm về đặc điểm tình hình, điều kiện khiến cho tỷ lệ số xã đạt chuẩn còn thấp, nhất là tại Mường Lát vẫn chưa có xã đạt được. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khó khăn, suất đầu tư lớn, tổ chức sản xuất để nâng cao đời sống, kinh tế của người dân không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Chia sẻ với những khó khăn, thách thức địa phương đang đối mặt, chúng ta càng cần chủ động tìm kiếm cách thức tiếp cận mới, nguồn lực mới. Thay vì cứ phải vân phân, chần chừ trước điều-không-thể, tại sao chúng ta không kiên trì góp nhặt từng điều-có-thể?
Tôi ấn tượng khi truy cập Cổng Thông tin Điện tử Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa với các nội dung được cập nhật sát thực, sinh động. Vào mục Chương trình OCOP, là tiêu đề bài viết gợi lên bao cảm xúc Cả làng phết quệt làm bánh đặc sản tương truyền xưa kia Bà Triệu dùng để khao quân, là sản phẩm nước mắm truyền thống với lời nhắn gửi Tinh túy từ biển Mẹ, là sản phầm Rau má - sâm của người xứ Thanh. Những câu chuyện dung dị, gắn với tích cũ truyện xưa cần được “thổi hồn” đề từng sản phẩm nông nghiệp nông thôn, từng làng quê nông thôn có thêm sức sống mới, tạo dựng giá trị mới. Theo quan điểm phát triển dựa vào năng lực cộng đồng, cốc nước nửa đầy hay nửa vơi là do góc nhìn, chúng ta có thể tận dụng tất cả những gì đang có, để đạt được những điều chưa có.
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cùng tất cá các Đồng chí!
Tôi cơ bản đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra để phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025, đồng thời, xin lưu ý thêm một số vấn đề sau để chúng ta cùng tiếp tục trao đổi, để đồng thuận và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình trong thời gian tới.
- Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý, hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành cơ bản đồng bộ, để triển khai thực hiện trên cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, trong điều kiện của mình, tỉnh Thanh Hoá có thể chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với thực tế, theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phân tích, làm rõ thêm những điều còn bất cập, chưa phù hợp, cần sớm điều chỉnh.
- Thứ hai, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 có một điểm rất mới so với các giai đoạn trước, đó là: Ngoài việc ban hành Chương trình chung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 06 Chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới bao gồm: Chương trình OCOP; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình môi trường, nước sạch và an toàn thực phẩm nông thôn; Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự ở nông thôn...). Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá cần chỉ đạo các Sở, ngành, các địa phương cụ thể hóa, triển khai thực hiện quyết hệt, hiệu quả 06 Chương trình chuyên đề nêu trên theo hướng sát thực nhất.
- Thứ ba, về huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM: Tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định; huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai xây dựng NTM. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các vùng, địa phương; thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
- Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng NTM ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo để chỉ đạo phổ biến nhân rộng; đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, khuyết điểm trong chỉ đạo xây dựng NTM để sớm điều chỉnh, xử lý kịp thời. Tăng cường công tác động viên, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Thưa các đồng chí,
Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Giá trị sâu xa, cốt lõi của xây dựng nông thôn chính là:
Thứ nhất, khơi gợi, hồi sinh đời sống cộng đồng nông thôn ít nhiều bị tác động trong tiến trình công nghiệp hoá đất nước. Không tạo ra những đứt gãy, xung đột giữa đô thị và nông thôn, giữa thị dân và nông dân, giữa công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp, giữa hiện đại và bản sắc truyền thống.
Thứ hai, đó là nâng cao năng lực cộng đồng thông qua hình thành các thiết chế tự lực, tự quản, tinh thần hợp tác, gắn kết giữa cấp uỷ, chính quyền và cộng đồng dân cư nông thôn. Từ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm du lịch cộng đồng sẽ dần hình thành đội ngũ doanh nhân lớn mạnh trong tương lai.
Thứ ba, đó là tạo ra không gian cộng đồng rộng mở dần, hình thành mạng liên kết giữa các cộng đồng thôn bản lại với nhau. Một khi không gian sản xuất, không gian sống càng được rộng mở, giá trị sản phẩm cộng đồng càng gia tăng. Chúng ta không để thôn bản trở thành những “ốc đảo”, biệt lập với không gian phát triển chung của địa phương.
Thứ tư, xây dựng nông thôn mới còn hướng đến xây dựng cấu trúc kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng một nông thôn hài hoà giàu bản sắc, góp phần tiến tới xã hội hài hoà, hài hoà giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa thụ hưởng và đóng góp, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa tri thức bản địa và tri thức phổ quát, khoa học - kỹ thuật tiên tiến.
Về các kiến nghị của địa phương,
- Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp Văn phòng Bộ, các đơn vị tham gia đoàn công tác của Bộ, tổng hợp đầy đủ, báo cáo Bộ, để sớm có văn bản phản hồi đến Tỉnh. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ: yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp tháo gỡ, xử lý, điều chỉnh phù hợp, như phản ánh về vướng mắc trong cấp nước sạch tập trung.
- Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo kiến nghị tháo gỡ.
Về việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ chương trình tại các huyện miền núi Thanh Hóa, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương sẽ chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của bộ, của địa phương.
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cùng tất cá các đồng chí!
Tôi thật cảm xúc tham dự Hội nghị hôm nay khi nhìn thấy sự hiện diện đông đủ các đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh. Các đồng chí đã truyền thêm cảm hứng và động lực cho Bộ NN và PTNT, và cá nhân tôi, để chúng ta cùng nhau kiến tạo những không gian phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. Và tôi có niềm tin sâu sắc rằng Chương trình MTQG xây dựng NTM của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc, như cốt cách người xứ Thanh trong suốt chiều dài lịch sử.
Xây dựng nông thôn mới là quá trình diễn ra hàng ngày ở làng, ở thôn bản, do đó, tất cả chúng ta cần về làng, về với thôn bản. Về để hiểu hơn người dân gắn bó với làng quê nông thôn, từ suy nghĩ đến nhu cầu, tâm tư, trăn trở, điềm nghẽn hàng ngày đang đối mặt. Về để thấy mỗi người chúng ta đều có thể làm một điều gì đó cho nông thôn, cho bà con nông dân. Về đề hiểu hơn nhờ đâu chúng ta có được miếng cơm, manh áo để sống, để tồn tại, để làm người.
Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc.
Chúc chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa hiệu quả, thành công. Diện mạo mới. Sức sống mới!
Xin trân trọng cám ơn!