Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại hội nghị (Ảnh TTXVN).
Đồng chủ trì hội nghị có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là hội nghị quan trọng để thảo luận về những nhiệm vụ cụ thể, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại hội nghị (Ảnh TTXVN).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đang là xu hướng toàn cầu; trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi, chuyển đổi số góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Do đó phải có tư duy đi trước, đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, dữ liệu dân cư là tài nguyên quý của quốc gia. Do đó phải thể chế hóa để biến nguồn tài nguyên này thành nguồn lực, động lực của đất nước trong kỷ nguyên số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị… trên cơ sở bám sát thực tiễn và dự báo tình hình, nhất là các công nghệ mới phát triển nhanh như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi-khối), ChatGPT…, đưa ra các phản ứng, giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Theo báo cáo, năm 2022 công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt về nhận thức và hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số...
Trong 2 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh. Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực, đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 58 địa phương và 4 doanh nghiệp Nhà nước; đã cấp trên 78 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối năm 2022.
Các nền tảng ứng dụng về công dân số, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả. Nhiều bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã đề ra của năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu như đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật phục vụ chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng…
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế, khó khăn thách thức cần khắc phục trong thời gian tới như kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 chưa được ban hành. Đến nay mới có 6/30 bộ, ngành và 29/63 địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ 1-1-2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh TTXVN)
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06.
Đồng thời nêu rõ: Năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Theo đó, chuyển đổi số là xu hướng, xu thế, phong trào không thể đảo ngược, có tính toàn cầu, toàn dân, toàn xã hội, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Chuyển đổi số phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến…; đồng thời, quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hòa nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Phải đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân. Chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.
Chuyển đổi số phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn xã hội, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là tránh sách nhiễu, tham nhũng vặt.
Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề “Năm quốc gia về dữ liệu số” (hoàn thành trong quý I năm 2023). Hoạt động của Ủy ban và các Ban chỉ đạo phải thực chất, lựa chọn chủ đề từng phiên họp để đánh giá kỹ những rào cản, nguyên nhân và đưa ra quyết sách tháo gỡ, không hoạt động hình thức, chung chung.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm trễ, không theo đúng kế hoạch; khen thưởng kịp thời những nơi làm tốt.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và đánh giá mức độ hoàn thành trong các bộ, ngành, địa phương. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội từ các bộ, ngành Trung ương đến địa phương nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách.
Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, đặc biệt là tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân...