Toàn cảnh hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa; Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) và các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Về phía đại biểu Trung ương có ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI.
Nỗ lực triển khai
Giám đốc VCCI Thanh Hoá phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, kể từ khi tỉnh Thanh Hóa triển khai đề án DDCI năm 2021 đã khẳng định, địa phương đã có những quyết tâm trong việc giám sát, cải thiện chất lượng thực thi tại cơ sở. Các chỉ số, thứ bậc xếp hạng từ bộ chỉ số này sẽ là cơ sở để các đơn vị nhìn nhận lại mức độ hoàn thành công việc của mình, những hạn chế cần khắc phục, hướng tới mấu chốt tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng nhấn mạnh, hiện nay tại Thanh Hoá đã và đang hình thành, đón nhận các dự án, DN, tập đoàn lớn. Việc tỉnh có những phương án quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ là cơ hội để các DN phát triển lớn mạnh trong thời gian tới.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc VCCI Thanh Hoá đã báo cáo quá trình triển khai khảo sát Chỉ số DDCI năm 2022. Theo đó, Bộ chỉ số DDCI Thanh Hoá năm 2022 vẫn giữ nguyên 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Ngay sau khi kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 15-11-2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2022, VCCI Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để khẩn trương triển khai các nội dung của đề án, bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, tiến độ đã được phê duyệt. Đơn vị đã tập hợp danh sách các DN, HTX, hộ kinh doanh trên cơ sở danh sách từ Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng 52 đơn vị tham gia đánh giá.
VCCI Thanh Hóa đã thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên hơn 5.000 DN, HTX, hộ cá thể để phát ra hơn 12.000 phiếu khảo sát với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cũng theo VCCI Thanh Hóa, tại lần thứ 2 triển khai đề án này, VCCI Thanh Hóa đã sửa đổi, bổ sung một số câu hỏi, phương án trả lời để thông tin thu về chính xác và có tính phân loại cao hơn; đồng thời, các khảo sát viên đã thường xuyên, tích cực trực tiếp xuống địa bàn để hướng dẫn các DN trả lời Phiếu khảo sát. Qua đó, đã nâng cao tính đại diện, khách quan, chính xác và rút ngắn thời gian khảo sát ý kiến của các DN. Kết quả, có 2.746 phiếu khảo sát hợp lệ được đưa vào xử lý dữ liệu tính toán, xếp hạng, trong đó có 1.417 phiếu khảo sát đánh giá các sở, ban, ngành; 1.329 phiếu khảo sát đánh giá các UBND cấp huyện.
Tăng điểm số, thay đổi thứ hạng
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2022, ở khối các huyện, thị xã, thành phố, có 6 đơn vị xếp ở nhóm tốt gồm UBND các huyện: Thọ Xuân, Như Thanh, Sầm Sơn, Hoằng Hoá, Nga Sơn, Quảng Xương. Trong đó, UBND huyện Thọ Xuân tiếp tục giữ vị trí đầu bảng với số điểm 90,03 điểm. Có 11 đơn vị xếp thứ hạng khá và 9 đơn vị xếp ở thứ hạng trung bình. Có 1 địa phương là UBND thị xã Nghi Sơn xếp ở thứ hạng chưa tốt.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao biểu trưng cho các đơn vị top đầu khối UBDN các huyện.
Điểm trung vị khối các huyện, thị xã, thành phố năm DDCI Thanh Hóa năm 2022 là 67,19 điểm, cao hơn 3,63 điểm so với điểm trung vị năm 2021 (điểm trung vị năm 2021 là 63,56 điểm). Điều này hàm ý chất lượng điều hành chung của các UBND cấp huyện theo đánh giá của cộng đồng DN tỉnh là có cải thiện so với năm trước.
Bên cạnh đó, khối các huyện, thị xã, thành phố cũng có 14/27 đơn vị có sự cải thiện điểm số, trong đó ba đơn vị có mức độ cải thiện ấn tượng nhất là: huyện Quảng Xương, huyện Vĩnh Lộc và huyện Bá Thước. Mỗi đơn vị có điểm số tăng tới 23-24 điểm so với năm trước.
Huyện Hà Trung, huyện Như Thanh cũng ghi nhận mức tăng điểm mạnh, khoảng trên 16 điểm cho mỗi đơn vị. Ở chiều ngược lại, có 13/27 đơn vị bị giảm điểm so với năm trước, trong đó đáng kể nhất là huyện Mường Lát (giảm 14,44 điểm) và huyện Nông Cống (giảm 14,22 điểm).
Sự thay đổi về điểm số của các địa phương dẫn tới sự biến động đáng kể về thứ bậc của các đơn vị trong khối UBND cấp huyện trên bảng xếp hạng DDCI 2022 so với 2021. Cụ thể, trong 27 đơn vị, chỉ có 2 đơn vị vẫn giữ nguyên thứ bậc so với năm trước là huyện Thọ Xuân (giữ nguyên vị trí thứ nhất) và huyện Quan Sơn (đứng nguyên vị trí thứ 7). Còn lại, có 12 đơn vị được tăng bậc và 13 đơn vị khác bị tụt bậc.Trong số các đơn vị được tăng bậc, huyện Quảng Xương gây ấn tượng mạnh nhất, khi tăng tới 19 bậc, từ vị trí thứ 25 trên bảng xếp hạng năm 2021 lên vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng năm 2022. Tiếp theo là huyện Hà Trung, tăng 14 bậc, từ vị trí 24 năm 2021 lên vị trí 10 năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam trao biểu trưng top đầu cho nhóm các sở, ngành.
Ở khối các sở, ngành, kết quả khảo sát DDCI 2022 ghi nhận Cục Hải quan là đơn vị dẫn đầu, với 85,10 điểm. Vị trí thứ 2 và thứ 3 thuộc về Sở Công thương và Sở Thông tin và Truyền thông, với lần lượt 80,77 và 80,18 điểm.
Tiếp theo là 3 đơn vị có điểm số đều ở mức trên 78 điểm, bao gồm Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp và Bảo hiểm xã hội tỉnh. Thanh tra tỉnh được 71,07 điểm, xếp ở vị trí số 7, và đây cũng là đơn vị cuối cùng được xếp vào nhóm “tốt”.
Tiếp theo là 8 đơn vị thuộc nhóm “Khá”, với điểm số dao động ở mức từ 68,08 điểm xuống 65,28 điểm, gồm: Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp.
Tiếp theo là 6 đơn vị thuộc nhóm “Trung bình” với điểm số dao động từ 63,65 điểm xuống 51,64 điểm, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Kho bạc Nhà nước và Sở Khoa học và Công nghệ.
Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đứng cuối bảng, với 45,16 điểm. Đây cũng là đơn vị duy nhất ở nhóm “Chưa tốt”. Có 3 đơn vị cấp sở, ngành là: Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ và Ban Dân tộc không thực hiện đánh giá do không đủ số phiếu tối thiểu.
Điểm trung vị của DDCI khối sở, ngành năm 2022 là 66,8 điểm, cao hơn 7,50 điểm so với năm 2021 (điểm trung vị của năm 2021 là 59,30 điểm). Đây là mức tăng điểm đáng kể, cho thấy năng lực điều hành của các sở, ngành trong tỉnh theo đánh giá của DN nhìn chung là có cải thiện. Trong đó, có 20/21 đơn vị có điểm số tăng so với năm 2021, trong đó Cục quản lý thị trường là đơn vị có điểm số tăng mạnh nhất, ở mức 25,92 điểm. Các đơn vị khác cũng có mức điểm tăng mạnh là Sở Thông tin và Truyền thông (+22,72 điểm), Bảo hiểm xã hội tỉnh (+16,16 điểm) và Sở Giáo dục và Đào tạo (+10,52 điểm). Ở chiều ngược lại, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp là đơn vị duy nhất bị giảm điểm (-1,03 điểm).
Tiếp tục lan tỏa “sức nóng” cải cách
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Qua năm đầu tiên triển khai đánh giá DDCI đã tạo “sức nóng” để các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị mình. Từ đó có những giải pháp mạnh mẽ, nhất là những quyết sách tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhằm tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư lớn hơn.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan phát biểu.
Phát biểu tại hội nghị công bố DDCI năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã nhiệt liệt chúc mừng các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã đạt kết quả cao từ sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng DN; đồng thời đề nghị những đơn vị có kết quả chưa được như kỳ vọng sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn để nâng cao chỉ số DDCI trong năm 2023.
Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI Đậu Anh Tuấn phát biểu.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, qua báo cáo kết quả DDCI Thanh Hóa năm 2022 đã công bố và ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội nghị, có thể thấy, số liệu công bố DDCI năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã phản ánh trung thực, khách quan và đã phân tích được bức tranh về năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Kết quả xếp hạng DDCI năm 2022 đã góp phần phản ánh rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; những ưu, nhược điểm trong thực thi công vụ; đồng thời nói lên trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; sự hưởng ứng, ủng hộ và tham gia khảo sát của các DN đang dần tăng lên; sự phối hợp giữa VCCI Thanh Hóa với cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành ngày càng thông suốt, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện Đề án DDCI tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu.
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa, tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, VCCI Thanh Hóa và cộng đồng DN tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã được đề ra tại các nghị quyết, kế hoạch, đề án.
Trong đó, cần tập trung nỗ lực ở mức cao nhất để cải thiện thứ hạng PCI; giữ vững và tiếp tục cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng (SIPAS); Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, cộng đồng DN và người dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa, nhất là người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện cần thẳng thắn, cầu thị, không quá đề cao thứ hạng mà chú trọng rà soát, khắc phục những rào cản, điểm nghẽn, nút thắt nội tại, để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN khi thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần nghiên cứu kỹ kết quả Chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2022 và các khuyến nghị của VCCI Thanh Hóa tại Báo cáo kết quả DDCI năm 2022, tập trung phân tích, đánh giá để phát huy những kết quả tốt, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; từ đó, xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của đơn vị, địa phương mình trong thời gian tới; đẩy mạnh phong trào thi đua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương tạo sự lan tỏa trong mỗi cán bộ, công chức, người lao động nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tận tụy để xây dựng nền hành chính - quản trị kiến tạo phát triển, liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, DN và xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh và cộng đồng DN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ VCCI Thanh Hóa hoàn thiện phương pháp, quy trình, nội dung đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa; đề nghị cộng đồng DN tiếp tục quan tâm, phối hợp với VCCI Thanh Hóa trong việc triển khai thực hiện Đề án DDCI, đặc biệt là cần phải công tâm, khách quan, hiểu đúng, trả lời đúng mẫu phiếu khảo sát; đồng thời, luôn tự giác nâng cao tính phản biện, góp ý hoàn thiện quy trình, phương pháp và nội dung phiếu khảo sát đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa hàng năm.
Đồng chí cũng đề nghị VCCI Thanh Hóa tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tinh thần cầu thị; đồng thời, học tập những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các địa phương trong toàn quốc; đặc biệt là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá, để kết quả DDCI tỉnh Thanh Hóa bảo đảm thực chất, khách quan, minh bạch, là công cụ tin cậy để đánh giá hiệu quả điều hành kinh tế của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.