Nhân dân thôn Vân Ngọc, xã Cẩm Long (Cẩm Thủy) tập luyện tiết mục cồng chiêng phục vụ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Phan Nga
Vì ngày hội lớn của toàn dân
Quán triệt Nghị quyết số 04 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản, lãnh đạo, chỉ đạo ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức ngày hội đảm bảo trang trọng, hiệu quả và trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng ở mỗi khu dân cư (KDC). Qua đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, ban công tác mặt trận ở KDC đã tổ chức nhiều hoạt động trong Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc, tạo được không khí đoàn kết, vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng và củng cố khối ĐĐK toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Phương, điểm chung của Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc là được các KDC chuẩn bị chu đáo, thiết thực với nhiều hình thức phong phú. Không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai tầng xã hội, đồng bào các dân tộc cùng đoàn kết, chung vui ngày hội. Con em xa quê cũng trở về quê hương. Đại biểu tham dự ngày hội được ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh giá kết quả 1 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”, cũng như triển khai phương hướng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua cho năm tiếp theo. Từ đó đã xuất hiện và lan tỏa nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, nhiều tấm gương điển hình trong XDNTM, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Qua tổ chức Ngày hội ĐĐK, đã huy động được sức mạnh của Nhân dân trong đóng góp, bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa của địa phương. Từ miền núi đến đồng bằng, nông thôn đến thành thị, Ngày hội ĐĐK đều mang những sắc thái riêng gắn với truyền thống văn hóa, phù hợp với đời sống chính trị và yêu cầu của Nhân dân. Từ đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng ngày càng phát triển. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu ở mỗi địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.100 câu lạc bộ thể thao, gần 2.440 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng.
Thắt chặt tình đoàn kết, phát huy giá trị văn hóa
Tính gắn kết cộng đồng, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc. Từ các hoạt động được tổ chức tại ngày hội, Nhân dân cũng hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết. Ngày hội ĐĐK còn nhân lên nghĩa đồng bào qua các hoạt động san sẻ với những gia đình khó khăn, hoạn nạn, tri ân gia đình có công với cách mạng, tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp trong cộng đồng. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, những tấm lòng, sự sẻ chia của các tầng lớp Nhân dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đã được nhân rộng, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19. Ở các KDC cũng đã thực hiện tốt các phong trào “Gia đình văn hóa”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”, phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc với cán bộ và Nhân dân thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) năm 2022. Ảnh: tư liệu
Vào dịp tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc, cấp ủy, chính quyền, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở cũng đã quan tâm, dành nguồn kinh phí hỗ trợ tiền làm nhà ĐĐK cho các hộ khó khăn về nhà ở, góp phần làm mới và sửa chữa gần 13.500 nhà ĐĐK cho hộ nghèo trong 20 năm qua.
Được ví như một làn gió mới, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ở KDC như tiếp thêm sức mạnh trong xây dựng và phát huy tinh thần đoàn kết. Vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó, vị trí, vai trò của MTTQ các cấp ngày càng được nâng lên. Tổ chức bộ máy của MTTQ và ban công tác mặt trận thôn thường xuyên được củng cố và tăng cường. Chức năng giám sát và phản biện xã hội được phát huy, tập trung vào những vấn đề Nhân dân quan tâm. Nhiều ý kiến đóng góp của người dân đối với việc xây dựng, củng cố, đổi mới hoạt động MTTQ được tiếp thu. Trong 20 năm qua, MTTQ các cấp đã vận động Nhân dân tham gia đóng góp trên 57.300 ý kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc còn là dịp để cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp tham gia cùng Nhân dân, từ đó nắm rõ tình hình đời sống và những tâm tư, nguyện vọng của người dân về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ở từng KDC. Từ năm 2003 đến năm 2022, đã có hơn 400 lượt các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh; hơn 6.000 lượt các đồng chí lãnh đạo cấp huyện; hơn 67.800 lượt lãnh đạo cấp xã về dự ngày hội ở các KDC, thể hiện sự quan tâm, động viên Nhân dân trong ngày hội. Theo thống kê, toàn tỉnh có 100% KDC tổ chức Ngày hội ĐĐK, trong đó có hơn 95% KDC tổ chức phần lễ, hơn 97% KDC tổ chức cả phần hội và phần lễ và gần 79% KDC tổ chức “Bữa cơm đoàn kết”.
Khơi dậy tính tự chủ của Nhân dân
Có thể nói, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc không chỉ đem đến niềm vui trong hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đoàn kết các dân tộc, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa, tắt đèn có nhau”. Từ đó động viên, khuyến khích mọi người dân phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương ngày một phát triển. Nhờ vậy, năm 2022 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra và đứng thứ 7 cả nước. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 50.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD. Toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 352 xã, 700 thôn/bản đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 317 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước yêu cầu cần phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc để tạo động lực thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc càng có giá trị, ý nghĩa quan trọng trong đời sống Nhân dân. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tổ chức tốt Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân; khơi dậy và phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường ngay từ cơ sở.
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” - câu nói thật giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng từ lâu đã trở thành lẽ sống, phương châm sống và khẩu hiệu hành động của Đảng ta, dân tộc ta. Bởi vậy, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc được tổ chức vào dịp 18-11 hàng năm càng thể hiện tinh thần đoàn kết, là ngày hội của toàn dân. Qua đó cấp ủy, chính quyền, MTTQ cùng Nhân dân cả tỉnh đồng tâm hiệp lực, thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng lớn lao “phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Tăng cường sự đồng thuận xã hội, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc Trong 20 năm qua, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - xã hội sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân; là diễn đàn dân chủ của Nhân dân; là dịp để gắn kết cộng đồng, nâng cao những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua đó, tăng cường sự đồng thuận xã hội, mở rộng và phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội từ mỗi thôn, bản, làng, tổ dân phố, KDC, góp phần tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ trong tình hình mới. Để tiếp tục phát huy giá trị, ý nghĩa của việc tổ chức Ngày hội ĐĐK, trong thời gian tới, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức Ngày hội ĐĐK. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về nhiệm vụ xây dựng khối ĐĐK toàn dân tộc. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của MTTQ, về mục đích, ý nghĩa của Ngày hội ĐĐK, truyền thống đoàn kết, yêu nước trong cộng đồng dân cư, qua đó, tiếp tục củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh khối ĐĐK trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường hướng dẫn, phát huy sự năng động, sáng tạo của ban công tác mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế ở KDC, đảm bảo cả phần lễ, phần hội vừa được tổ chức trang trọng, vừa vui tươi, gần gũi, gắn bó với Nhân dân. Gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; đồng thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự chủ động, sáng tạo, đồng thuận của Nhân dân trong việc tích cực tham gia các hoạt động ngày hội ở địa phương. Tăng cường vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân sinh sống ở địa bàn, con em quê hương đang sinh sống ở địa phương khác hướng về ngày hội... Với tinh thần chủ động, sáng tạo, hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư, đưa công tác mặt trận về với gia đình, từng người dân, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp có hiệu quả của chính quyền, các tổ chức thành viên, tin tưởng rằng trong thời gian tới Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc sẽ tiếp tục được tổ chức hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy Ủy viên Ban Thường vụ,Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc luôn chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ cho Ủy ban MTTQ huyện xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các khu dân cư triển khai, tổ chức Ngày hội ĐĐK ở tất cả các thôn, khu phố và đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Ngày hội đã tạo nên những điểm nhấn, theo những sắc thái riêng của mỗi KDC, nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối ĐĐK toàn dân tộc. Việc tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp truyền thống, thực sự là ngày hội tại mỗi cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối ĐĐK toàn dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ trong thời kỳ mới. Thông qua việc tổ chức ngày hội ở KDC đã kịp thời tôn vinh các tập thể, người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy phong trào, thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh và giảm nghèo bền vững. Ngày hội cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền huyện Ngọc Lặc thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên có cuộc sống tốt hơn. Kết quả của ngày hội đã đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội từ mỗi thôn, làng, tổ dân phố, KDC trên địa bàn huyện. Từ đó, chính quyền và Nhân dân trong huyện thực hiện thành công chương trình XDNTM. Hiện, toàn huyện có 14/20 xã, 153/189 thôn đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân toàn huyện đạt 16,8 tiêu chí NTM/xã và 11,4 tiêu chí NTM nâng cao; phấn đấu năm 2025 Ngọc Lặc đạt huyện NTM. Đồng chí Phạm Văn Thiết Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngọc Lặc Thường xuyên đổi mới nội dung, cách thức tổ chức Ngày hội ĐĐK có mục đích to lớn, ý nghĩa quan trọng nhưng để thu hút được đông đảo Nhân dân cùng tham gia, theo tôi, MTTQ các cấp phải thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, cách thức tổ chức cho phù hợp với điều kiện địa phương và nhiệm vụ trong tình hình mới. Để làm được điều đó, công tác chỉ đạo phải đầy đủ và tuyên truyền từ sớm. Ngay từ đầu năm, MTTQ cấp cơ sở cần chủ động đưa kế hoạch tổ chức Ngày hội ĐĐK vào chương trình công tác năm và xin ý kiến lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp. Khi có hướng dẫn từ MTTQ cấp trên, các ban công tác mặt trận sẽ thông báo rộng rãi tới bà con và kết hợp với UBND xã, thị trấn tuyên truyền trên bảng tin, loa phát thanh, treo pano... để tạo không khí sẵn sàng cho ngày hội. Bên cạnh đó, nhân lực phải mở rộng và có lực lượng nòng cốt; vật lực phải đa dạng, xã hội hóa từ nhiều nguồn. Đặc biệt, phải thường xuyên phát hiện các nhân tố nhiệt tình, có năng khiếu nghệ thuật, thể thao, nấu ăn,... để mời gọi tham gia, phân công rõ ràng; vận động đảng viên, hội viên các đoàn thể làm nòng cốt để ngày hội là việc chung của cả khu, cả tổ chứ không tập trung dồn việc vào một nhóm nhỏ cán bộ cơ sở. Một yếu tố quan trọng là phải thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Phần lễ phải vừa trang trọng, vừa ý nghĩa, ngoài các báo cáo và thảo luận, cần có cả khen thưởng động viên, hỗ trợ an sinh xã hội. Phần hội phải đông vui, tiết mục đổi mới, có nơi thi văn nghệ, có nơi thi cầu lông, bóng bàn, lại có địa điểm thi món ăn do các gia đình tự làm rồi góp vào bữa cơm đoàn kết. Phần bữa cơm đoàn kết phải đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu... Chính nhờ thường xuyên tìm cách làm mới trong phương thức tổ chức nên dù đã 20 năm diễn ra nhưng Ngày hội ĐĐK trên địa bàn huyện Như Thanh vẫn luôn nhận được sự quan tâm tham gia của đông đảo Nhân dân. Đồng chí Lê Văn Quang, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Như Thanh Tăng cường đồng thuận xã hội trong xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, là hoạt động tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng dân cư với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Thông qua tổ chức ngày hội đã huy động sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các tôn giáo; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tổ chức ngày hội theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn, theo tôi, MTTQ các cấp và ban công tác mặt trận ở KDC cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của ngày hội, nhằm phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng, nội lực của mỗi gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận hướng về cơ sở, địa bàn dân cư và hộ gia đình, lấy thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” làm nội dung cơ bản, thường xuyên của hoạt động mặt trận nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng của Nhân dân, làm cho dân sinh được cải thiện, dân trí được nâng cao, dân chủ được mở rộng, dân đồng thuận ngày càng cao hơn. Chú trọng củng cố ban công tác mặt trận thôn, khu phố; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận. Đồng thời, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá; biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình, nhân rộng những mô hình tốt, những cách làm hay, trong xây dựng “Gia đình văn hóa”, “KDC văn hóa” và tổ chức tốt ngày hội ở khu dân cư… Mai Thị Thấy Trưởng ban công tác mặt trận KDC Hải Bình, xã Nga Hải, huyện Nga Sơn Gìn giữ những nét đẹp trong phong tục, tập quán dân tộc Dao Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc đã phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương và gìn giữ những nét đẹp trong phong tục, tập quán của dân tộc mình. Tại thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) - thôn có 94 hộ là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, Ngày hội ĐĐK gồm phần lễ được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, biểu dương các gia đình văn hóa, tập thể, cá nhân tiêu biểu; hỗ trợ xây nhà ĐĐK, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách. Phần hội vui tươi với các hoạt động văn nghệ, thể thao đậm đà sắc thái văn hóa dân tộc Dao. Thông qua ngày hội, người dân chúng tôi hiểu rõ hơn nhiệm vụ của địa phương, thấy được trách nhiệm của bản thân, gia đình trong xây dựng cộng đồng, trong việc gìn giữ những nét đẹp trong phong tục, tập quán của dân tộc mình, từng bước hủy bỏ các hủ tục lạc hậu... Dưới sự tập hợp của MTTQ, điểm nhấn là thông qua ngày hội, người dân thôn Bình Sơn đã nhiệt tình hiến đất, góp công, vật liệu, kinh phí làm đường giao thông, xây nhà văn hóa; ủng hộ giúp đỡ người nghèo..., xây dựng thành công thôn NTM (năm 2017) và đặc biệt là việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao như: Tết Năm cùng, Tết nhảy, Tết Thanh minh, Lễ hội tháng Bảy, Lễ cấp sắc; chữ viết... Hiện chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí, cùng xã Cẩm Bình phấn đấu về đích xã NTM nâng cao năm 2023. Dương Thị Bình Dân tộc Dao, thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) |
Phan Nga