Đã 93 năm trôi qua, nhưng những giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên vẫn là ngọn cờ soi sáng, định hướng cho sự phát triển của đất nước và chỉ đường cho mọi hoạt động của Đảng ta và Nhân dân ta. Điều này được thể hiện rõ từ chính thực tiễn sự vận động của lịch sử dân tộc, của cách mạng Việt Nam kể từ năm 1930 đến nay.
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam đứng trước những thách thức hết sức nặng nề khi rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Dưới ách độ hộ của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của Nhân dân ta đã liên tiếp diễn ra theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến và dân chủ tư sản nhưng đều lần lượt bị thất bại. Nguyên nhân chính của sự thất bại đó là do thiếu đường lối và một tổ chức lãnh đạo đúng đắn.
Trong khi đó, giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX do chưa được trang bị lý luận tiên phong là chủ nghĩa Mác - Lênin nên các cuộc đấu tranh vẫn còn tự phát, chưa trở thành phong trào độc lập. Vì vậy, đầu thế kỷ XX, đất nước ta bị lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước đúng đắn. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối trong phong trào yêu nước Việt Nam khi đã thông qua được Cương lĩnh chính trị đầu tiên.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa - phong kiến. Đó chính là giải quyết đúng đắn các mối quan hệ cốt lõi trong cách mạng Việt Nam: kết hợp đúng đắn vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc; kết hợp truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của Nhân dân ta với những kinh nghiệm của cách mạng thế giới; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn và đầy sáng tạo, đặc điểm thực tiễn, yêu cầu của cách mạng Việt Nam với tư tưởng tiên tiến cách mạng của thời đại. Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam một cách đúng đắn, sáng tạo và có phát triển trong điều kiện lịch sử mới.
Nội dung được đề cập trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã phản ánh một cách súc tích những vấn đề cơ bản có tính quy luật của cách mạng Việt Nam, thể hiện sự đúng đắn của Đảng trong đánh giá đặc điểm, tính chất xã hội thuộc địa - phong kiến ở Việt Nam, chỉ rõ những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu trong xã hội, đặc biệt là việc đánh giá đúng đắn, sát thực thái độ các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ để từ đó, đã xác định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam; xác định phương pháp cách mạng, nhiệm vụ cách mạng và lực lượng của cách mạng để thực hiện đường lối chiến lược và sách lược đã đề ra. Cụ thể:
Thứ nhất, về đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xác định cách mạng Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản, độc lập dân tộc là bước đi đầu tiên, là điều kiện tiên quyết để đi đến xã hội cộng sản. Chánh cương vắn tắt của Đảng viết: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Với việc xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là làm cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản đã cho thấy, ngay từ trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đây chính là sự vận dụng lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện một nước thuộc địa, phong kiến; là định hướng quan trọng để trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã từng bước cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Vì vậy, trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn nhất quán khẳng định sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngay cả đến hiện nay, tại Đại hội XIII, trong các quan điểm định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới, Đảng tiếp tục khẳng định phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và coi đây là vấn đề có tính nguyên tắc, ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.
Thứ hai, về nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng. Cương lĩnh đã xác định những nhiệm vụ cơ bản, những mục tiêu cấp bách của cách mạng Việt Nam: Về phương diện chính trị: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập; Dựng ra Chính phủ công nông binh; Tổ chức ra quân đội công nông. Về phương diện xã hội: Dân chúng được tự do tổ chức; Nam nữ bình quyền; Phổ thông giáo dục theo công nông hóa. Về phương diện kinh tế: Thủ tiêu hết các thứ quốc trái; Thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng...) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh quản lý; Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo; Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; Mở mang công nghiệp và nông nghiệp; Thi hành luật ngày làm 8 giờ.
Cương lĩnh xác định những nhiệm vụ cơ bản, những mục tiêu cấp bách của cách mạng Việt Nam như vậy là hoàn toàn phù hợp với tính chất và mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội nước ta lúc bấy giờ là xã hội phong kiến, thuộc địa. Đây là cơ sở rất quan trọng để Đảng xác định đúng về lực lượng cách mạng và thực hiện các phương pháp, sách lược trong đấu tranh để đưa cách mạng đi đến thành công kể cả trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, về lực lượng cách mạng. Cương lĩnh xác định lực lượng cách mạng gồm toàn bộ những người Việt Nam yêu nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, bao gồm: Công nhân, Nông dân, Tiểu tư sản, Trí thức, Trung nông...; tranh thủ, làm trung lập phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản. Trong đó, Sách lược vắn tắt viết: Đảng “phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”; “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo”; “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông (...) để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”, “Đối với (...) phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản (...) thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm chí họ đứng trung lập”[2].
Nội dung trên đây thể hiện quan điểm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, do liên minh công nhân và nông dân làm nền tảng. Chính quan điểm về lực lượng cách mạng được nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên là tiền đề, cơ sở, định hướng để Đảng thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hiện nay Đảng vẫn luôn chú chú trọng xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo phương châm không phân biệt giai cấp, địa vị, dân tộc, tôn giáo. Chính điều đó đã tạo nên nguồn lực to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Thứ tư, về vấn đề đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Cương lĩnh xác định cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, Sách lược vắn tắt viết: “Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”[3]. Nội dung này thể hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, với phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức và với nhân loại tiến bộ là một vấn đề khách quan. Quan điểm này đã được hiện thực hóa trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam và là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của cách mạng Việt Nam trong suốt chặng đường 93 năm qua.
Thứ năm, về phương pháp cách mạng. Cương lĩnh xác định phương pháp thực hiện độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội phải tiến hành bằng con đường cách mạng, sử dụng phương pháp cách mạng bạo lực; không đi vào con đường cải lương, thỏa hiệp. Việc xác định phương pháp cách mạng như vậy thể hiện Đảng đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về bạo lực cách mạng và cũng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, thực dân Pháp luôn dùng bạo lực phản cách mạng để đàn áp Nhân dân, vì vậy muốn thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp thì không có con đường nào khác con đường bạo lực cách mạng, chứ không phải con đường cải lương, thỏa hiệp. Quan điểm dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của được nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên là cơ sở cho đường lối quân sự với phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng, là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành chính quyền và trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, để đem lại nền hòa bình cho dân tộc.
Thứ sáu, về vai trò lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh xác định lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam, “đội tiên phong của vô sản giai cấp”. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng. Nội dung này vừa khẳng định vai trò và bản chất giai cấp của Đảng, vừa là sự định hướng quan trọng cho công tác xây dựng Đảng. Chính vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn khẳng định và quan tâm bồi đắp bản chất giai cấp công nhân của Đảng; khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Từ thực tiễn quá trình vận động của cách mạng Việt Nam và từ những nội dung được đề cập trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng có thể khẳng định rằng, đây là lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một văn kiện chính trị phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới; đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại. Chính nhờ có Cương lĩnh chính trị đúng đắn và sáng tạo nên ngay từ khi mới ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng trở thành lực lượng lãnh đạo, tập hợp xung quanh mình toàn thể dân tộc theo con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”[4].
Dưới ánh sáng soi đường của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, nhất là những định hướng về những vấn đề có tính chiến lược của cách mạng được đề cập trong Cương lĩnh chính là nền móng, cơ sở quan trọng để Đảng đã không ngừng cụ thể hóa và có bổ sung, phát triển trong đường lối, chủ trương; trong tổ chức chỉ đạo thực tiễn của Đảng ở từng giai đoạn lịch sử, dẫn dắt toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thác ghềnh để đi đến những thắng lợi. Điều này đã được khẳng định bởi quá trình khảo nghiệm của lịch sử và qua những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhất là trong bối cảnh những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng trầm trọng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định con đường cách mạng được xác lập tại Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng: “Đối vớinước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng”[5].
Ngay cả đến hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là ngọn cờ dẫn lối cho cách mạng Việt Nam tiến bước trên con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.2
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.4
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.4-5
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr407
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.Sự thật, H.1991, tr.109