Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc, bao gồm các nội dung: Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030). Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đặt câu hỏi chất vấn tại hội trường, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số dự án và tiểu dự án trong chương trình còn có những vướng mắc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ đâu là vướng mắc lớn nhất và hướng khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề ĐBQH Mai Văn Hải nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là khó khăn nhất và chia sẻ với những trăn trở của tất cả các cấp, các ngành và các đại biểu, bởi chương trình rộng lớn và nằm ở địa bàn khó khăn, phức tạp. Các dự án, chính sách được tích hợp vào chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, trăn trở lớn nhất hiện nay là quá trình triển khai trên thực địa, bởi có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn, bản, từng hộ gia đình. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết về mặt thể chế, cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên không tránh khỏi trong thực tế có những vấn đề phát sinh do đó, Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với các địa phương, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực cho địa phương quyết định, tập trung lực lượng để triển khai.