Toàn cảnh Đại hội.
Dự Đại hội có các đồng chí: PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam; Đào Xuân Yên, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; đại diện lãnh đạo Viện sử học Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và đông đảo cán bộ, hội viên Hội KHLS Thanh Hoá.
Nhiệm kỳ 2017- 2022, công tác tổ chức của Hội được củng cố và có bước phát triển, quy tụ được đông đảo đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, văn hoá của Thanh Hoá. Trong nhiệm kỳ, đã có 30 hội viên mới được kết nạp; Hội hiện có 13 hội, chi hội trực thuộc với tổng số 260 hội viên.
Cùng với đó, Hội đã biên soạn, xuất bản nhiều tập sách lịch sử, văn hoá, như: Hoàn thành biên soạn và xuất bản cuốn sách “Thanh Hoá thời Lý và những dấu ấn nổi bật trong dòng chảy lịch sử dân tộc”, dày hơn 700 trang, phục vụ cho Lễ kỷ niệm “990 năm Thanh Hoá (1029-2019)”; tổ chức nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá (1930-2020) – Những dấu ấn và thành tựu nổi bật”, dày hơn 800 trang... Các công trình đều được Tỉnh uỷ Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá cao.
Các đại biểu dự Đại hội.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu của các hội và chi hội đã biên soạn, xuất bản trên 30 đầu sách về lịch sử, văn hoá Thanh Hoá. Hội đã phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức được 5 cuộc hội thảo khoa học lớn như: Tướng quân Tư Mã Hai Đào và di tích về ông trên đất Mường Lát (năm 2018); Lang Chánh trong khởi nghĩa Lam Sơn (năm 2018); bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hoá trên đất Bá Thước (năm 2020)… Các cuộc hội thảo đã thu hút đông đảo nhà khoa học từ các cơ quan nghiên cứu ở trung ương và địa phương, làm cơ sở khoa học để các ngành, các địa phương xây dựng, thực hiện các đề án về bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá ở Thanh Hoá.
Đoàn Chủ tịch tại Đại hội
Hội cũng đã tích cực tham gia tư vấn và phản biện xã hội, như: Tham gia phản biện dự án trùng tu, bảo tồn các di sản văn hoá các dân tộc thiểu số Thanh Hoá; các dự án trùng tu khu di tích Thái miếu nhà Lê, đền thờ Lê Văn Hưu… Nhiều hội viên tham gia các Hội đồng đặt tên và đổi tên đường phố, các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Hội đồng tư vấn khảo cổ học, Hội đồng xét duyệt xếp hạng các di tích, giám định cổ vật…
Nhiệm kỳ 2022-2027, Hội KHLS đặt ra mục tiêu thành lập được 1-2 chi hội mới, kết nạp 30-50 hội viên mới; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách về lịch sử, văn hoá các làng, xã, dòng họ, nhất là ở các hội, chi hội địa phương; đăng ký biên soạn các tập sách lớn như: 100 năm phát hiện văn hoá Đông Sơn (2024), 995 năm Thanh Hoá (2024); tích cực tham gia có trách nhiệm, chất lượng công tác tư vấn, phản biện xã hội…
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam phát biểu tại Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam đánh giá vai trò, vị trí quan trọng của Hội KHLS Thanh Hoá đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá, truyền bá tri thức lịch sử, văn hoá, giáo dục truyền thống.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam đề nghị Hội KHLS Thanh Hoá cần tiếp tục tập hợp, gắn kết các thành viên trong tổ chức Hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc nghiên cứu, phổ biến các giá trị lịch sử truyền thống của quê hương; thực hiện tốt chức năng tham mưu, tư vấn, phản biện xã hội đối với các vấn đề liên quan đến lịch sử – văn hóa. Đồng thời tích cực nghiên cứu, biên soạn lịch sử làng, xã, lịch sử Đảng bộ, lịch sử các ban, ngành… khi được các địa phương, đơn vị yêu cầu ký hợp đồng nghiên cứu, biên soạn. Hội tiếp phát triển hơn nữa về quy mô và chất lượng, xứng đáng với chức năng nhiệm vụ mà Hội đã đề ra…
Đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu tại Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội KHLS Thanh Hoá trong thời gian qua.
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Hội KHLS Thanh Hoá cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và Hội KHLS Việt Nam giao. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện xã hội, góp phần tích cực và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá, truyền bá tri thức lịch sử - văn hoá, giáo dục truyền thống, nâng cao vị thế, ảnh hưởng của hội và đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Cùng với đó, tập hợp rộng rãi đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hoá trong tỉnh, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động để Hội KHLS Thanh Hoá thực sự phát huy trí tuệ, năng lực của những người làm công tác chuyên ngành sử học. Không ngừng giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định những thành tựu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh, các địa phương tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng tới các sự kiện lớn của quê hương đất nước…
Ban chấp hành khoá V, nhiệm kỳ 2022-2027 ra mắt Đại hội
Đại hội đã bầu BCH khoá V, nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 20 đồng chí. TS. Lê Ngọc Tạo được bầu làm Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hoá.
4 tập thể...
... và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc thuộc hội KHLS Thanh Hoá được hội KHLS Việt Nam tặng Bằng khen.
Tại Đại hội, 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc Hội KHLS Thanh Hoá có thành tích xuất sắc trong hoạt động hội đã được Hội KHLS Việt Nam tặng Bằng khen.