• :
  • :

Đại thắng mùa xuân 1975: Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh

Đại thắng mùa xuân 1975: Bản hùng ca thời đại Hồ Chí MinhThành phố Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: P.V

Khi đi sâu nghiên cứu nguyên nhân khiến Mỹ hất chân Pháp để nhảy vào miền Nam Việt Nam, có nhận định cho rằng, sự lựa chọn của Mỹ là có tính toán. Việt Nam từng bước trở thành trọng điểm đối phó của chiến lược toàn cầu của Mỹ ở châu Á, vì Việt Nam là nơi diễn ra cuộc cách mạng giải phóng dân tộc triệt để nhất, mà ảnh hưởng đang vượt ra ngoài phạm vi Đông Dương. Vì Việt Nam là một tiền đồn của chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại, cho xu thế phát triển của phong trào giải phóng dân tộc lên chủ nghĩa xã hội. Âm mưu cơ bản của Mỹ là chia cắt lâu dài đất nước ta, thôn tính miền Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á. Đồng thời, lấy miền Nam làm căn cứ tiến công miền Bắc, tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam châu Á, đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở khu vực này, bao vây, uy hiếp phe xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới. Mỹ chọn Việt Nam còn nhằm biến Việt Nam thành môi trường thí nghiệm các học thuyết chiến tranh xâm lược thực dân mới của chúng.

Với âm mưu đó và với quyết tâm đè bẹp ý chí và sức mạnh chiến đấu của một dân tộc vừa đi qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã tung vào cuộc chiến xâm lược Việt Nam một khối lượng sắt thép khổng lồ, với nhiều loại vũ khí hiện đại nhất, lợi dụng mọi thành tựu khoa học - kỹ thuật mới nhất, đã thi thố mọi chiến lược - chiến thuật chính trị, quân sự, ngoại giao, đã xuất ra hầu như cạn trí tất cả các chiến lược gia bậc nhất của chúng để đấu trí với ta. Để rồi, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta cũng được ví như cuộc đối đầu giữa kiến và voi. Một bên là kẻ thù hùng mạnh và nham hiểm, với đội quân tinh nhuệ, được trang bị vũ khí tối tân và được hậu thuẫn từ một siêu cường kinh tế; và một bên là đội quân cách mạng vừa trải qua cuộc kháng chiến gian khổ chống lại tên thực dân đầu sỏ, với sức mạnh quân sự, vũ khí không thể đặt lên bàn cân so sánh cùng đối phương. Đó là cuộc đối đầu mà ngay cả những người có suy nghĩ lạc quan nhất, cũng không nghiêng nhiều phần thắng về phía dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh, nhìn trên bề mặt là cuộc đọ sức của vũ khí, quân đội được hỗ trợ từ tiềm lực kinh tế vững chắc. Và nếu chỉ nhìn từ bình diện này thì rõ ràng là, bên nào mạnh hơn về quân sự, kinh tế thì phần thắng sẽ nghiêng về bên đó. Thế nhưng, có nhận định cho rằng, nếu chỉ dựa vào những yếu tố ấy làm căn cứ để đánh giá mạnh, yếu, thắng, thua trong cuộc chiến thì lại là phiến diện. Bởi tiềm lực kinh tế hay quốc phòng mới cho thấy cái “lực” của các bên tham chiến; song cái “lực” ấy muốn phát huy hiệu quả nhất để mang đến chiến thắng thì lại dựa vào cái “thế”. Cái “lực” mạnh kết hợp chặt chẽ với cái “thế” có lợi thì sức mạnh có thể nhân lên gấp bội.

Sở dĩ như vậy là bởi, lịch sử nhiều cuộc chiến tranh nói chung, trong đó cuộc chiến đấu ngoan cường của dân tộc Việt Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, mà một minh chứng rằng: đi từ yếu đến mạnh và giành chiến thắng trong cuộc chiến vốn không cân sức, là điều có thể! Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví: "Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi, thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực. Ta đánh Mỹ, lấy ít thắng nhiều được là nhờ cái thế của ta rất lợi. Thế ta thắng đã rõ ràng. Thế địch thua đã rõ ràng”!.

Có thể nói, “câu chuyện thần kỳ” mà Việt Nam kể cho thế giới trong thế kỷ XX, không xuất phát từ một “phép nhiệm màu” nào. Ngược lại, những khó khăn mà dân tộc ta phải đối mặt là cực kỳ to lớn, phức tạp và gay gắt. Song chúng ta điểm tựa vững chắc là tinh thần, là khí thế của “cả dân tộc cùng ra trận”. Và hơn hết, trong cuộc chiến ấy, Việt Nam nằm ở cái thế chính nghĩa. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi xâm lược Việt Nam, Mỹ đã đi ngược lại xu thế phát triển khách quan của thời đại - thời đại hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Do đó, thắng lợi của dân tộc Việt Nam là thắng lợi của sức mạnh và lương tri thời đại.

Vậy “câu chuyện thần kỳ” mang tên Việt Nam là từ đâu mà có? Có nhận định đã chỉ ra rằng, những khó khăn về tất cả các mặt mà kẻ địch gây ra dường như quá sức tưởng tượng, buộc Đảng và Nhân dân ta phải cố gắng vượt bậc, không ngừng vươn lên ngang tầm của nhiệm vụ, biết tiếp thu và vận dụng khôn khéo, linh hoạt tất cả những kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của ông cha, những hình thức và biện pháp đấu tranh phong phú của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; đồng thời lại phải không ngừng sáng tạo ra những hình thức, những biện pháp và cách đánh giặc mới mềm dẻo, linh hoạt, đa dạng trong tất cả các mặt đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao...

Để thống nhất đất nước, dân tộc ta phải đánh thắng bốn chiến lược chiến tranh, từ chiến tranh đơn phương, chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “chiến tranh cục bộ” đến chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và qua 6 đời Tổng thống Mỹ, từ H. Truman, D. Aixenhao, J. Kennơđi, L. Giônxơn, R. Níchxơn, đến G. Pho. Với các dấu mốc quan trọng, từ cao trào Đồng Khởi 1960 - sự khởi đầu tuyệt vời của bạo lực cách mạng; cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; cuộc tiến công chiến lược trên khắp miền Nam năm 1972 và đặc biệt là thắng lợi của chiến dịch phòng không chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari... Đảng ta đã “điều khiển cuộc chiến” một cách khôn khéo, linh hoạt. Đến các chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng; đập nát tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang - sân bay Thành Sơn; đập nát “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn ở Xuân Lộc... tất cả đã dọn đường để năm cánh quân như năm mũi tên đồng loạt đánh vào nội đô và cùng hội tụ ở điểm hẹn Sài Gòn vào 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

Lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX khép lại ở một chương thắng lợi rực rỡ nhất, vẻ vang bậc nhất. Đại thắng mùa Xuân 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại, là thành quả của tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, của quyết tâm sắt đá “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của dân tộc này. Tinh thần và quyết tâm ấy không “bỗng dưng sinh ra”, mà được hun đúc trong trường kỳ lịch sử. Ở đó, từng diễn ra không ít cuộc đối đầu ác liệt giữa ta và địch, ví như cuộc kháng chiến 3 lần chống quân Nguyên - Mông của vua tôi nhà Trần; hay cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài cả chục năm của Bình Định vương Lê Lợi... Và tất cả đều đã minh chứng rằng, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ run sợ trước bất kỳ thế lực nào, kẻ địch nào dù chúng đông, mạnh và hung hãn đến mấy. Dù phải “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, song cái “thế” của cả dân tộc cùng xung trận là “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”!

Kế thừa và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, quyết tâm giữ gìn bờ cõi từ tiền nhân, một chân lý đã được khẳng định trong thời đại Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất, chung một tổ tiên, nguồn cội và không thể chia cắt về mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa. Lãnh thổ Việt Nam từ Bắc đến Nam với một dải giang sơn gấm vóc, hình sông thế núi tươi đẹp được họa nên, được bồi đắp bằng mồ hôi và xương máu của lớp lớp cha ông, qua vô vàn cuộc đấu tranh đánh đuổi ách ngoại xâm và chống chọi với thiên nhiên, mở mang bờ cõi. Cái hình thế chữ S uốn lượn cạnh biển Đông đã và có thể sẽ phải hứng chịu vô vàn bão tố cùng mối nguy rình rập. Song, trong cái sự mảnh mai ấy vẫn luôn chứa đựng nguồn sức mạnh quật cường, bất khuất đến nỗi không thế lực nào, không bão tố nào có thể xô đổ hay nhấn chìm tinh thần sống, khao khát sống mạnh mẽ của dân tộc này xuống tận cùng con nước.

Dù tội ác và tàn tích chiến tranh mà kẻ thù đã gây ra đối với dân tộc ta có thể khiến “trời không dung, đất không tha”. Nhưng kết quả cuối cùng, dân tộc ta đã giành được cái quý báu nhất là độc lập, tự do cho Tổ quốc, quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh cho Nhân dân, quyền xây dựng và phát triển đất nước theo con đường đã chọn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính vì yêu chuộng độc lập và hòa bình mà chúng ta kiên quyết đánh giặc Mỹ xâm lược”. Đồng thời, giữa thời điểm gian khổ của cuộc chiến, Người đã ra “lời hịch”: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!".

Đại thắng mùa xuân 1975: Bản hùng ca thời đại Hồ Chí MinhNhững ngày này, nhiều tuyến phố của TP Thanh Hóa được trang hoàng rực rỡ cờ Tổ quốc, pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu... chào mừng 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần 50 năm kể từ mùa xuân lịch sử đã khiến “Càn khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh” ấy, khúc tráng ca chiến thắng “trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam” vẫn chưa khi nào ngừng âm vang, thôi thúc trong huyết quản dân tộc. Đi qua gần nửa thế kỷ với vô vàn thách thức và cả những sự lựa chọn có tính sống còn, đất nước ta đang vươn dậy mạnh mẽ để tạo dựng nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Điều đó chỉ có thể có được khi chúng ta biết bắt sâu vào cội rễ truyền thống lịch sử hào hùng, để tri ân, ngưỡng vọng, tự hào và để cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng quyết tâm vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong tương lai!

Lê Dung

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn "Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học" (NXB Chính trị quốc gia, 2015).


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết