• :
  • :

Đài tưởng niệm Bác Hồ tại Rừng Thông, một địa chỉ đỏ

Trong những ngày vô cùng căng thẳng khi cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 20-2-1947, Bác Hồ đã về thăm Thanh Hóa lần thứ nhất. Và chỉ trong một ngày đó, trên sườn đồi của Rừng Thông lịch sử thuộc huyện Đông Sơn, Bác Hồ đã có 3 cuộc họp và gặp gỡ với các cán bộ chủ chốt của tỉnh, cán bộ hành chính, mặt trận các châu, huyện, với một số thân sĩ, phú hào trí thức và đại biểu các dân tộc, tôn giáo ở Thanh Hóa. Bác chọn Thanh Hóa để về làm việc bởi vì Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là hậu phương rộng lớn và vững chắc của cuộc kháng chiến.

Tự hào là mảnh đất lần đầu tiên được Bác đến thăm và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Đề tỏ lòng tôn kính và biết ơn vô hạn đối với Bác, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Nhân dân và cán bộ huyện Đông Sơn đã xây dựng đài tưởng niệm Người ngay chính nơi Người đã ngồi làm việc năm xưa.

Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nằm ở phía nam dãy núi Phượng Lĩnh với độ cao 169 mét. Theo truyền thuyết, đỉnh núi cao 169 mét chính là đầu của con chim Phượng Hoàng, hai trái núi nhỏ mang tên Tả Phượng Dục và Hữu Phượng Dục đó chính là đôi cánh của chim Phượng Hoàng. Nhìn xa, thế núi, hình chim tựa như con chim Phượng Hoàng khổng lồ chở che cho vùng linh địa này và từ từ tung cánh, bay vút lên trời cao tràn đầy ánh sáng cầu vồng rực rỡ.

Đài tưởng niệm Bác Hồ tại Rừng Thông, một địa chỉ đỏ

Đài tưởng niệm Bác Hồ tại Rừng Thông.

Công trình Đài tưởng niệm Bác Hồ được khởi công vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng, mùng 3-2-1990. Khánh thành vào đúng ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, 19-5-1990. Đài tưởng niệm được xây dựng theo mẫu thiết kế của họa sĩ điêu khắc Lê Xuân Hùng (lúc đó công tác tại Bảo tàng Thanh Hóa) bằng bê tông cốt thép và ốp đá. Đài tượng có chiều cao 8 mét, kết cấu hài hòa, thanh thoát, mang tính bền vững, vừa giản dị, gần gũi, vừa tôn nghiêm, thiêng liêng. Trên khối granit cao 1,55 mét hình trống đồng cách điệu, biểu tượng của nền văn hóa Đông Sơn đầy tự hào của dân tộc ta. Trên là khối bê tông lớn, cao 1,70 mét, hình hộp chữ nhật đứng. Bốn mặt ốp đá hoa cương. Mặt trước gắn bức phù điêu chân dung Bác. Hai bên và mặt sau gắn ba bông sen cách điệu rực ánh vàng tươi, như cuộc đời cao đẹp, trong sáng và tấm lòng cao cả của Bác. Vút lên cao là khối bê tông lớn đúc hình bó đuốc như nhiều lá cờ đang tung bay trong gió và trên đỉnh cao chót là ngôi sao vàng năm cánh đang tỏa ánh hào quang. Tấm bia lớn cao 1,80 mét, rộng 1,30 mét bằng đá đen bóng nặng 700kg, khắc ghi lời căn dặn của Bác về 5 đức tính cần có của người cán bộ được gắn phía trước đài tượng như nhắc nhở các thế hệ cán bộ, cháu con luôn luôn rèn luyện phẩm chất của người đầy tớ của nhân dân. “…cán bộ phải có đức tính thế nào?

1. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; Phải tìm học hỏi, cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng, tiết kiệm.

2. Đối với đồng chí mình phải thế nào? - Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị.

3. Đối với công việc phải thế nào? - Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau, có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh. Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát, do dự.

3. Đối với nhân dân: Phải nhớ đoàn thể làm việc cho dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân.

4. Đối với đoàn thể: Trước lúc mình vào đoàn thể nào phải hiểu rõ đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi đoàn thể phải vì dân, vì nước. Khi vào đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành. Khi bình thời phải hết sức làm việc”.

Đài tưởng niệm Bác Hồ tại Rừng Thông, một địa chỉ đỏ

Tấm bia ghi lời Bác dạy.

Đài tưởng niệm được đặt đúng nơi mà cách đây 76 năm Bác đã ngồi làm việc giữa lưng chừng núi, với độ cao hơn 60 mét so với mặt quốc lộ 45. Lối lên đài tượng là 302 bậc đá len lỏi giữa những hàng thông xanh mát, với chiều dài hơn 150 mét sườn đồi. 302 bậc đá lên đài tượng, con số ngẫu nhiên mà ý nghĩa, trùng với con số của ngày mùng 3 tháng 2, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công trình được thực hiện với tấm lòng biết ơn và yêu kính Bác vô hạn của Đảng bộ và Nhân dân trong huyện. Để hoàn thành công trình đài tưởng niệm, 230 tấn bê tông và 110 tấn vật liệu các loại đã được đưa lên lưng chừng đồi trong điều kiện thi công gấp rút và phương tiện thi công hạn chế của năm 1990. Chỉ riêng việc đưa tấm bia ghi lời Bác, bằng đá đen bóng, nặng gần một tấn mà 40 người (có cả các cụ già người địa phương) dùng đòn khênh trên vai đưa lên bằng những lối đi chênh vênh trên sườn núi cũng đã là một ghi nhận tấm lòng của người dân đối với Bác.

Để phát huy giá trị di tích lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, Khu lưu niệm và Đài tưởng niệm Bác Hồ đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Khu lưu niệm đã được đầu tư nâng cấp. Đường lên tượng đài được xây bậc đá có lan can và các chiếu nghỉ hợp lý, vừa đảm bảo tính mỹ thuật, thích ứng cảnh quan, vừa tiện dụng cho người dân đến hành lễ.

Di tích lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch, bảo vệ thành khu di tích lịch sử cách mạng. Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - nơi Bác Hồ lần đầu về thăm Thanh Hóa được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1989.

Đài tưởng niệm Bác Hồ tại Rừng Thông là địa chỉ đỏ, là nơi người dân thường xuyên đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm. Các hoạt động báo công dâng Bác, lễ kết nạp đội viên, đoàn viên, giáo dục truyền thống… cũng thường xuyên được tổ chức tại đây với niềm biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết