Đồng chí Trần Bình Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HND tỉnh (đứng gữa) thăm hộ sản xuất, kinh doanh giỏi Đỗ Xuân Sơn, xã Xuân Trường (Thọ Xuân). Ảnh: Hoàng Lan
Trong nhiệm kỳ qua, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các cấp hội đã thích ứng linh hoạt, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, như tuyên truyền bằng hình thức trực quan, xây dựng các mô hình và việc làm cụ thể. Các nội dung tuyên truyền trên báo, đài và trang thông tin điện tử đã gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, từng thời điểm của nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, Trung ương và của hội. Các cấp hội đã thực hiện 40.000 buổi tuyên truyền cho 2.780.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức thành công các giải bóng chuyền “Bông lúa vàng”, gameshow truyền hình “Nhà nông tài giỏi”, hội thi “Nhà nông đua tài” toàn tỉnh. Sau hội thi cấp tỉnh, tham gia hội thi “Nhà nông đua tài” khu vực II tại TP Hải Phòng, vòng chung kết toàn quốc lần thứ V năm 2022 tại tỉnh An Giang, thu hút hàng trăm vận động viên và hàng triệu cổ động viên tham gia, cổ vũ.
Hội đã biên soạn và phát hành 58 số Thông tin nông dân Thanh Hóa với số lượng 348.000 cuốn. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các hoạt động của hội trên trang thông tin điện tử, phục vụ gần 1 triệu lượt người truy cập. Hội viên, nông dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; bảo vệ chủ quyền biên giới và biển, đảo của Tổ quốc; thực hiện nghiêm túc “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế và sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Công tác xây dựng tổ chức hội được thực hiện đồng bộ theo hướng tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động từ hội viên, chi, tổ hội. Các hoạt động luôn bám sát nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam khóa VII về xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã xây dựng được 97 chi HND nghề nghiệp với 3.220 hội viên tham gia; 881 tổ HND nghề nghiệp với 14.285 hội viên. Kịp thời tham gia hiệp thương giới thiệu, báo cáo tình hình cán bộ, hội viên, nông dân các cấp tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã kết nạp được 51.119 hội viên, đạt 103% chỉ tiêu nghị quyết đại hội, xây dựng được gần 26 tỷ đồng quỹ hội; trực tiếp và phối hợp mở 467 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 39.719 lượt người. Hàng năm, các cơ sở hội và huyện hội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Các cấp hội đã chú trọng tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ HND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Xác định phong trào thi đua yêu nước là điều kiện để thúc đẩy phong trào hội phát triển, thu hút tập hợp nông dân tham gia tổ chức hội, trong đó trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào đã tạo sức lan tỏa lớn, tác động tích cực đến mọi lĩnh vực trong đời sống của hội viên nông dân. Mỗi năm có gần 400 nghìn hộ đăng ký, năm 2022 có 229.289 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên. 5 năm qua, các cấp hội đã vận động tương trợ giúp đỡ về tiền, lương thực, thực phẩm, hàng hóa, cây, con giống trị giá hơn 186 tỷ đồng và 239.125 ngày công lao động; trực tiếp hỗ trợ giúp đỡ 20.082 lượt hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, các cấp hội đã phát huy tốt vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, XDNTM và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”. HND tỉnh đã ban hành nghị quyết về tham gia, thực hiện chương trình XDNTM. Các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của mở rộng đường giao thông, xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, XDNTM, chỉnh trang đô thị. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 2.079.309 lượt hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó 1.132.792 hộ nông dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; vận động hội viên, nông dân đóng góp 1.218 tỷ 839 triệu đồng, 1.392.386 ngày công; hiến 712.831m2 đất; tu sửa và làm mới 34.622 km đường giao thông, kênh mương và xây dựng mới, sửa chữa 1.974 phòng học, trạm y tế, công trình điện, cầu, cống các loại. Các cấp hội thường xuyên duy trì phong trào thu gom vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; hướng dẫn, xây dựng các mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón; hàng năm mỗi cơ sở hội xây dựng 1 đến 2 mô hình HND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 2.538 mô hình về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và 269 tổ tự quản về bảo vệ môi trường.
Các hoạt động hỗ trợ nông dân được tổ chức, thực hiện theo hướng thiết thực hiệu quả, tạo động lực để phát triển các mô hình hợp tác liên kết, kinh tế tập thể, HTX, thành lập doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã phối hợp xây dựng được 2.521 mô hình, dự án; tập huấn về quản lý HTX và phát triển kinh tế tập thể cho 550 người; tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình trong và ngoài tỉnh; vận động, tư vấn, hướng dẫn thành lập 133 HTX, 752 tổ hợp tác và 300 doanh nghiệp. Các cấp hội đứng ra tín chấp và ủy thác với các ngân hàng cho nông dân vay với tổng dư nợ gần 16 nghìn tỷ đồng, cung ứng chậm trả hơn 140.300 tấn phân bón, trị giá trên 11 nghìn tỷ đồng. Xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả 63 tỷ 834 triệu đồng quỹ hỗ trợ nông dân, cho 3.238 lượt hộ vay thực hiện triển khai 702 dự án.
Phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các cơ quan khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức mở 15.448 lớp cho 1.237.928 lượt cán bộ, hội viên, nông dân để chuyển giao khoa học - kỹ thuật về nông - lâm nghiệp và thủy sản gắn với sử dụng chế phẩm sinh học. Các kiến thức này giúp nông dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, xử lý rơm rạ trên đồng ruộng, xử lý môi trường, rác thải hữu cơ. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 1.817 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP. Trực tiếp và phối hợp tổ chức 1.136 lớp dạy nghề cho hơn 41.000 hội viên, nông dân; tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho gần 20.420 lao động có việc làm trong nước, hơn 8.602 lao động có việc làm ở nước ngoài.
Việc vận động, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP, VietGAP, VietGAHP được quan tâm triển khai, thực hiện. Trước hết là tuyên truyền để nông dân hiểu về bản chất và ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Lấy các địa phương đã xây dựng thành công làm điểm hướng dẫn trực quan, tăng cường hỗ trợ để nông dân xây dựng thương hiệu. Hội cũng đã trực tiếp và phối hợp xây dựng được các cửa hàng bán và giới thiệu nông sản sạch và sản phẩm OCOP; tổ chức đào tạo tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP cho 26 sản phẩm và thiết kế tem nhãn, truy xuất xuất xứ cho sản phẩm; trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng được 89 sản phẩm OCOP. Các cấp hội tích cực thực hiện Chương trình “Kết nối tiêu thụ nông sản” do Trung ương HND tổ chức, tiêu thụ hàng chục tấn nông sản của các tỉnh và trong tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp an toàn hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, ngành nông nghiệp tổ chức kết nối cung cầu và tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Phối hợp với Bưu điện tỉnh, đưa sản phẩm của nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn cho 138 sản phẩm của các hộ, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp.
Các phong trào, cuộc vận động, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động an sinh xã hội khác được HND các cấp tích cực tham gia, phối hợp với Ban Hợp tác quốc tế Trung ương Hội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam hỗ trợ 2.159 bộ đồ dùng thiết yếu dành cho nữ hội viên, nông dân nghèo các huyện miền núi trị giá gần 2 tỷ đồng; trao quà, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà mới cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo với tổng số 2.000 suất quà tổng trị giá 3 tỷ 652,8 triệu đồng. Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện của cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh mang ý nghĩa chính trị - xã hội, tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc.
Trong lĩnh vực tham gia các hoạt động bảo đảm quốc phòng - an ninh, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các cấp hội đã tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng bộ đội, công an, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; vấn đề chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc; kiến thức về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội... HND tỉnh cũng đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hàng năm cử báo cáo viên giới thiệu các chuyên đề về quốc phòng - an ninh cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh.
Bước sang nhiệm kỳ 2023-2028, cùng với tiến trình phát triển chung của tỉnh, công tác hội và phong trào nông dân Thanh Hóa đứng trước nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy đòi hỏi HND các cấp trong tỉnh phải vươn lên, ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng những yêu cầu mới. Đồng thời, phải tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và XDNTM. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ nông dân, xây dựng thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh và của hội.
Với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Hợp tác - Phát triển”, chúng ta tin tưởng rằng, cán bộ, hội viên và giai cấp nông dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng HND vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động; xứng đáng vai trò trung tâm và nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc XDNTM, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc.
Trần Bình Quân
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam,
Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HND tỉnh