Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Hội thề Lũng Nhai tại làng Mé, xã Ngọc Phụng.
Trong bối cảnh đó, vào đầu tháng 3 năm Bính Thân 1416, Lê Lợi cùng 18 vị hào kiệt thân thiết nhất, gồm: Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến đã cùng nhau đến làng Lũng Nhai (tức Lũng Mi, tên nôm là làng Mé - nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, cùng nhau cắt máu ăn thề sống chết vì sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh. Các nhà nghiên cứu lịch sử gọi sự kiện này là Hội thề Lũng Nhai.
Làng Mé có vị trí đắc đạo, có ý nghĩa về quân sự đối với giai đoạn đầu khởi nghĩa. Núi Pù Mé là ngọn núi cao nhất vùng, khoảng hơn 1.000m so với mực nước biển. Đứng đây có thể nhìn thấy vùng căn cứ Lam Kinh, nghĩa quân có thể quan sát được các hoạt động của quân địch.
Các truyền thuyết dân gian còn lưu lại, trước khi những người Mường đầu tiên tìm đến lang Mé quần tụ sinh sống, vùng này từng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn. Nhiều “vật chứng” được tìm thấy, mà theo như phỏng đoán của người dân trong vùng, chắc hẳn có liên quan đến cuộc khởi nghĩa và nhất là sự kiện hội thề. Đó là chiếc bàn làm lễ và ly rượu chứa máu thề của Lê Lợi và những người đồng chí cùng “nếm mật nằm gai” - phiến đá trên ngọn Pù Mé và chiếc ly đồng thì được một người dân đào được dưới chân núi cách đây chừng dăm, bảy năm. Đặc biệt, trên địa bàn xã Ngọc Phụng hiện còn tồn tại một khu mộ cổ, được đánh dấu bằng những phiến đá to nhỏ xẻ dọc và cắm thẳng xuống đất. Khu mộ nằm cách chân dãy Pù Mé khoảng 800m, rộng chừng 11.300m2. Truyền thuyết kể lại rằng, đây là khu mộ chôn những nghĩa quân Lam Sơn hy sinh trong các trận đánh quanh vùng này. Các nhà nghiên cứu sau này đưa ra giả thuyết, sở dĩ ngôi làng kế bên làng Mé mang tên Phụng Dưỡng là bởi rất có thể đấy là nơi cứu chữa, chăm sóc những nghĩa quân Lam Sơn bị thương và khu mộ cổ chính là nơi chôn cất những nghĩa quân đã hy sinh. Cùng với đó, người dân ở đây còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như làng Phụng Dưỡng, Hòn mài mực, suối Khao, chòm Nhân, hòn Ngồi, cánh đồng Chó...
Đã trên 600 năm trôi qua, Hội thề Lũng Nhai luôn là một sự kiện chính trị - quân sự có ý nghĩa vô cùng to lớn. Hội thề là sự mở đầu cho việc tổ chức xây dựng lực lượng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau hội thề, công cuộc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa được tiến hành bí mật, thu hút anh hùng hào kiệt khắp bốn phương về Lam Sơn cùng Lê Lợi tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang phát triển thành chiến tranh giải phóng thắng lợi năm 1427.
Để đánh giá tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Hội thề Lũng Nhai, giữa năm 2013, một hội thảo khoa học lớn, dành riêng cho Hội thề Lũng Nhai đã được tổ chức tại huyện Thường Xuân, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam. Tại sự kiện, các vấn đề về tầm vóc, giá trị của Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đưa ra bàn thảo và có những đánh giá xác đáng, khách quan. Trong đó, quan điểm xuyên suốt là khẳng định, đề cao vai trò của Hội thề Lũng Nhai như là thành quả của giai đoạn đầu tiên chuẩn bị, xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa toàn dân. Đồng thời, hội thề đã chính thức xác lập đường hướng phát triển cuộc khởi nghĩa, hình thành bộ tham mưu đầu tiên, thúc đẩy nhanh hơn công cuộc chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ địa và phát động khởi nghĩa tại núi rừng Lam Sơn. Đặc biệt, nhiều học giả còn khẳng định, Hội thề Lũng Nhai là nhân tố cơ bản quyết định toàn bộ tiến trình phát triển và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo.
Từ kết quả của cuộc hội thảo, cuối năm 2013, Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Hội thề Lũng Nhai được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Những năm qua, huyện Thường Xuân lập quy hoạch chi tiết khu di tích, đồng thời đầu tư trùng tu, tôn tạo lại một số hạng mục và đã dần trở thành địa chỉ du lịch về lịch sử - văn hóa - tâm linh và sinh thái đối với du khách gần xa.
Bài và ảnh: Khắc Công