Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào. Ảnh: Minh Hiếu
Khi bàn về bản sắc của nền ngoại giao Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Cha ông ta đã tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa! Trong khi, chiến lược ngoại giao văn hóa Việt Nam cũng lấy điểm tựa là tinh thần hữu nghị và nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Đặc biệt, khi văn hóa được xem là “sức mạnh mềm” của một quốc gia, thì ngoại giao nói chung, ngoại giao văn hóa nói riêng cũng trở thành một con đường đưa hình ảnh quốc gia vươn ra thế giới, cũng như góp phần tạo dựng lòng tin và sự yêu mến của bạn bè quốc tế dành cho đất nước ta, Nhân dân ta.
Dựa trên tinh thần của nền ngoại giao đặc sắc ấy, nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã thúc đẩy công tác đối ngoại phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với các đối tác, bạn bè truyền thống. Đặc biệt, năm 2022 Thanh Hóa đã ghi dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực đối ngoại, khi đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng, toàn diện. Nổi bật trong đó phải kể đến chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, mà điểm nhấn là sự kiện “Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc 2022”. Với sự chủ động, tích cực lên ý tưởng và tổ chức, sự kiện “Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc” đã để lại dấu ấn đậm nét, khi trở thành một diễn đàn trao đổi thông tin hữu ích, khơi gợi các ý tưởng hợp tác thiết thực, đáp ứng mong muốn của cả hai phía và mở ra thời kỳ hợp tác mới, sâu sắc hơn giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Hàn Quốc.
Bày tỏ ấn tượng đối với sự kiện “Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng đặc biệt nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn có các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế đối ngoại, khuyến khích đầu tư, giao thương với các đối tác nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc. Tỉnh Thanh Hóa là địa phương luôn dành được sự quan tâm lớn và đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại và ngoại giao. Do vậy, Thanh Hóa sẽ là điểm đến tuyệt vời của các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư của Hàn Quốc.
Cùng với đó là chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, 55 năm ký kết hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn. Thành công của sự kiện đã một lần nữa khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn là mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có. Đây cũng chính là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, hai tỉnh cần được giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và trao truyền cho các thế hệ.
Có nhận định cho rằng, ngoại giao là sự kết tinh của trí tuệ và lấy tinh thần yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau làm cơ sở. Đồng thời, ngoại giao cần một tầm nhìn rộng mở, nhằm đưa các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là huy động được các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đối ngoại, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025, nhấn mạnh: “Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đối ngoại, trọng tâm là kinh tế đối ngoại. Tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với một số tỉnh, thành phố ở một số nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các đối tác chiến lược, quan trọng. Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, nhất là năng lực thực thi và khả năng thích ứng của địa phương, doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”.
Nắm vững định hướng đó, đồng thời phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua sẽ là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa vạch ra đường hướng cho công tác đối ngoại phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Muốn vậy, trước hết cần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về hoạt động đối ngoại. Bởi lẽ, Thanh Hóa đang đứng trước nhiều thuận lợi chưa từng có để mở ra một “chân trời mới” trong hoạt động đối ngoại, khi năm 2023 tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và TP Seongnam, Hàn Quốc; ký kết và triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác với TP Seongnam, Hàn Quốc giai đoạn 2023–2025. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác với tỉnh Mittelsachsen, Cộng hòa Liên bang Đức và tỉnh Farwaniyah, Cô-oét. Cùng với đó, tiến hành ký kết và triển khai các nội dung hợp tác cấp sở, ngành, địa phương như TP Sầm Sơn và quận Trung tâm, TP St Petersburg, Liên bang Nga; TP Thanh Hóa và TP Gapyeong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc giai đoạn 2023–2025.
Ngoài ra, tỉnh đang tích cực đấu mối, làm việc với các kênh cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, nhằm thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương, đối tác mới, có tiềm năng tại các khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhân dân vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phát triển với các tổ chức và Nhân dân các nước; tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa nhân dịp kỷ niệm Năm hữu nghị với các nước Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Italia và Phần Lan… Đây sẽ là cơ sở để khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai gần.
Khôi Nguyên