Tham gia góp ý về nội dung này, ĐBQH Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tán thành với nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, trong đó nêu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý đối với người phạm tội, từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án.
Đồng tình với quan điểm thực hiện thí điểm mô hình lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam không vi phạm Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức, ĐBQH Lê Thanh Hoàn đề nghị sửa đổi Khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị quyết theo hướng phạm nhân tham gia lao động hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được trả công theo quy định của pháp luật về lao động. Cùng với đó, cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động; cần có những quy định bảo đảm cho phạm nhân để phòng tai nạn lao động, kể cả bệnh nghề nghiệp với những điều khoản không kém thuận lợi hơn so với quy định pháp luật áp dụng đối với lao động tự do.
Để làm rõ phạm vi điều chỉnh dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Lê Thanh Hoàn đề nghị cần làm rõ hơn về hoạt động hướng nghiệp, hoạt động dạy nghề. Ban soạn thảo làm rõ thêm trong quá trình phạm nhân tham gia lao động học nghề ngoài trại giam, các quyền của phạm nhân như hoạt động thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, chế độ y tế được đảm bảo như thế nào?
Về ngành nghề tổ chức hoạt động lao động, ĐBQH Lê Thanh Hoàn đề nghị cần quy định rõ đây là ngành nghề phải được sản xuất theo quy định của pháp luật. Đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ là chỉ sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, bởi quy định theo dự thảo có nghĩa là vẫn được phép sản xuất hàng hóa xuất khẩu.