• :
  • :

ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

ĐBQH Mai Văn Hải góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tham gia góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các nội dung của dự thảo Luật trình Quốc hội.

Góp ý vào quy định về cơ quan thanh tra được quy định tại Điều 9, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất với các quy định về thành lập các cơ quan thanh tra ở cấp hành chính, bên cạnh đó đề nghị không nên thành lập cơ quan thanh tra ở các Cục thuộc Tổng cục mà chỉ cần giao nhiệm vụ thanh tra cho các Cục thuộc Tổng cục là phù hợp. Hơn nữa các quy định về Thanh tra cục thuộc Tổng cục chưa có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra cục thuộc Tổng cục, điều kiện để thành lập cũng chưa được rõ…

Tại Khoản 3 Điều 9 quy định: “Cơ quan thanh tra được thành lập ở một số cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước”, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn cơ quan nào thuộc Chính phủ được thành lập cơ quan thanh tra.

Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra tại Điều 53, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, quy định như dự thảo luật cũng rất khó phân biệt sự chồng chéo giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, vì vậy đề nghị nên tách ra để quy định xử lý chồng chéo giữa Thanh tra hành chính với nhau và Thanh tra chuyên ngành với nhau, như: Xử lý chồng chéo trong lĩnh vực Thanh tra hành chính chủ yếu giữa Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, thanh tra Bộ, thanh tra Sở. Xử lý chồng chéo trong lĩnh vực Thanh tra chuyên ngành chủ yếu là giữa Thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục, Sở.

Về quy định công khai kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 77, đại biểu Mai Văn Hải cơ bản thống nhất với các nội dung công khai, hình thức công khai, song đề nghị nên quy định cụ thể mỗi hình thức công khai thì phải công khai trong bao nhiêu ngày để tránh công khai hình thức.

Về vấn đề thu hồi tài sản sau thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần phải có quy định rất cụ thể để xử lý đối với những trường hợp không chấp hành quy định phải bồi thường tiền, tài sản cho nhà nước như trao quyền quyết định kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản (nếu có), thu giữ tài sản do vi phạm mà có và cũng cần có biện pháp để thu hồi tài sản, tiền của nhà nước được phát hiện ngay trong quá trình thanh tra chứ không chờ sau khi kết luận thanh tra.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết