• :
  • :

ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Toàn cảnh kỳ họp.

Tham gia góp ý về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là một nhiệm vụ mới và rất quan trọng để xác định việc phân bổ và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; không gian phát triển vùng và liên vùng, góp phần cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời, là cơ cở để lập các quy hoạch trong hệ thống Quy hoạch quốc gia.

Dự thảo Quy hoạch được chuẩn bị rất công phu và được hoàn thiện theo tinh thần Kết luận số 45-KL/TW ngày 17-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đóng góp ý kiến về định hướng sử dụng đất Quốc gia, ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các ngành, các địa phương.

Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng, sử dụng đất cho 8 lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị, cơ sở hạ tầng; quốc phòng, an ninh chủ yếu căn cứ theo định hướng, số liệu quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được phê duyệt, nên tính định hướng theo đó cần cân nhắc thêm, bởi vì, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt, đã phân bổ chỉ tiêu sử dụng cho các địa phương, nhưng một số địa phương cho rằng chỉ tiêu phân bổ các loại đất chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đất khu công nghiệp, đất giao thông. Chính vì vậy, cần có định hướng cụ thể hơn đáp ứng với các nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhưng cũng phải sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

ĐBQH Mai Văn Hải đồng tình với dự thảo quy hoạch định hướng giữ ổn định diện tích đất trồng lúa khoảng 3,5 triệu ha; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; còn lại nên quy hoạch tính toán cụ thể chuyển các loại đất để tăng quỹ đất đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, như tăng đất dành cho khu công nghiệp, khu kinh tế; đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng; đất đô thị.

ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị bổ sung thêm định hướng cho việc sử dụng đất đối với khu công nghệ cao mà quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã xác định 4.140ha.

Để phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao thì cần phải có định hướng cụ thể về việc tích tụ, tập trung đất đai, đây là vấn đề lâu nay vẫn là “điểm nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp.

ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị Quy hoạch tổng thể Quốc gia cần thể hiện rõ được các chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển đất nước, phát triển vùng, các ngành và các địa phương, trong đó có Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 ở một số nội dung đó là:

Về định hướng phát triển vùng động lực phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, ĐBQH Mai Văn Hải cơ bản nhất trí. Song, đề nghị cần bổ sung thêm tỉnh Thanh Hóa vào định hướng phát triển vùng động lực phía Bắc, bởi vì mục tiêu đến 2030, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đã xác định rõ: “Xây dựng Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc”.

Vì vậy, để cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá thì việc bổ sung quy hoạch đưa Thanh Hóa vào quy hoạch phát triển vùng kinh tế động lực cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc là việc rất cần thiết.

Về phát triển các hành lang kinh tế: Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Tây Bắc với Bắc Trung bộ. Vì vậy đề nghị, trong hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Bắc nên có thêm một hành lang là Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Thanh Hóa, với lý do sau: Thứ nhất, Thanh Hóa có 11 huyện miền núi phía tây, lâu nay có nhiều chính sách đang được Trung ương cho thực hiện như các tỉnh Tây Bắc. Thứ Hai, trong 4 tỉnh: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Thanh Hóa thì hiện tại được kết nối bởi Quốc lộ 6 và Quốc lộ 15 từ Hòa Bình đi Quan Hóa, Thanh Hóa. Nếu thiết lập hành lang này thì sẽ có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Bắc và Thanh Hóa, bởi vì Thanh Hóa có lợi thế về Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn, Cảng nước sâu Nghi Sơn do đó hàng hóa, phương tiện của Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình tới Thanh Hóa sẽ gần so với Nội Bài, hay đi cảng Hải Phòng. Thứ Ba, nếu quy hoạch hành lang Đông Tây gồm Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Thanh Hóa sẽ tạo ra không gian phát triển thuận lợi cho 4 tỉnh, tính kết nối vùng, liên vùng sẽ được hiện thực hóa; đồng thời góp phần giảm tải giao thông cho Hà Nội, Hải Phòng.

Về định hướng ưu tiên phát triển khu vực dịch vụ tại các địa bàn, đề nghị cần phải xác định rõ hơn, cụ thể hơn việc xây dựng các trung tâm Logistics ở khu vực Bắc Trung bộ, trong dự thảo mới xác định hình thành các trung tâm Logistics lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM và Bà Rịa Vũng Tàu. Theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ “xây dựng Trung tâm Logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn”. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung này vào Quy hoạch.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết