• :
  • :

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý về dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý về dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với các Tờ trình, báo cáo; đồng thời thống nhất với việc cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (TAND) có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn tổng kết 8 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập.

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), ĐBQH Mai Văn Hải tham gia một số ý kiến đó là: Điều 4. Tổ chức và thẩm quyền thành lập các TAND. Khoản 1. Tổ chức của TAND có quy định gồm: TAND tối cao; TAND cấp cao; TAND phúc thẩm; TAND sơ thẩm và TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần cân nhắc thêm việc đổi tên TAND tỉnh, TAND huyện thành Tòa phúc thẩm, Tòa sơ thẩm và thành lập thêm Tòa sơ thẩm chuyên biệt, bởi vì:

- Mục đích là để thực hiện tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử và không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Nhưng thể chế vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải thấy chưa cụ thể chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm không có nhiều điểm mới so với TAND tỉnh và TAND huyện, nhất là về thẩm quyền, phạm vi hoạt động của Tòa án như vẫn còn quy định Tòa phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm (Điều 55).

- Việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt, theo đại biểu Mai Văn Hải cần đánh giá kỹ tác động khi thành lập. Trên thực tế những vụ việc khó, phức tạp trong lĩnh vực liên quan phá sản, thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ... cũng không nhiều (bình quân 8 năm thi hành Luật, mỗi năm có khoảng 200 vụ việc cả nước). Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên nghiên cứu, nếu thành lập thì nên quy định cụ thể việc thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt có thể theo lãnh thổ tùy tình hình và nhu cầu thực tế.

Điều 15. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự. Trong đó, Quy định tại khoản 1 và khoản 2: Tòa án có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và hỗ trợ đương sự là người yếu thế thu thập chứng cứ. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần cân nhắc xem xét vấn đề này bởi vì:

- Nếu chỉ yêu cầu, hướng dẫn đương sự cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, dân sự thì đây quả là gánh nặng cho người dân trong việc thu thập tài liệu, nhất là các tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, các tài liệu liên quan đến vụ việc dân sự. Thực tế vấn đề này, TAND yêu cầu các cơ quan cung cấp tài liệu, chứng cứ có vụ việc cũng còn rất khó khăn, nhiều vụ việc kéo dài, nếu chỉ giao cho đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ thì sẽ rất khó khăn.

- Nếu quy định chỉ yêu cầu đương sự cung cấp thông tin, tài liệu thì sẽ có nhiều vụ việc đương sự cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu thuộc các cơ quan quản lý, dẫn đến kết quả xét xử sẽ bị sai lệch. Theo đại biểu nên nghiên cứu quy định có trách nhiệm của đương sự và trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ vụ việc hành chính, dân sự.

Điều 135. Lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán. Trong đó, Quy định Chánh án Tòa án quyết định phân công ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu Mai Văn Hải nội dung này cần phải làm rõ:

- Cơ chế để thực hiện phân công ngẫu nhiên như thế nào? phương thức, cách thức thực hiện phân công ngẫu nhiên? yêu cầu nào để đảm bảo được thực hiện nguyên tắc vô tư, khách quan trong phân công xét xử.

- Phân công ngẫu nhiên sẽ xảy ra có trường hợp vụ án khó mà giao cho thẩm phán, hội thẩm năng lực hạn chế thì sẽ không thể có chất lượng xét xử tốt được.

Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên quy định căn cứ vào tính chất vụ án, năng lực của thẩm phán, hội thẩm để Chánh án phân công cho phù hợp.

Đối với Điều 136. Phương thức tổ chức xét xử tại Tòa án, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất với việc luật hóa các quy định để thực hiện tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến, vấn đề này đã được quy định tại Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đây cũng là một xu hướng đối với nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần đánh giá lại việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở đó cần cụ thể hóa hơn nữa điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến và cũng chỉ nên quy định đối với những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, không liên quan đến bí mật Nhà nước.

Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị rà soát lại các nội dung trùng lắp quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp sơ thẩm, phúc thẩm ở các Điều 23, Điều 24 chương II với các Điều 55, Điều 59 chương IV.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết