• :
  • :

ĐBQH Phạm Thị Xuân tham gia đóng góp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự

ĐBQH Phạm Thị Xuân tham gia đóng góp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự

Phát biểu ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật PTDS tại phiên họp, ĐBQH Phạm Thị Xuân, Thư ký Tòa án Nhân dân huyện Quan Hóa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Luật PTDS đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ để chỉnh lý, được chuẩn bị công phu, có chất lượng, tiếp thu nhiều nội dung…

Để dự thảo Luật PTDS tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa, ĐBQH Phạm Thị Xuân đề nghị cơ quan thẩm tra cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình Dự án luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục rà soát kỹ các nội dung có khả năng trùng lắp, chồng chéo giữa Dự thảo Luật PTDS với các luật chuyên ngành nêu trên, như: việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 7 Dự thảo Luật PTDS) so với cấp độ rủi ro thiên tai (trong Luật Phòng, chống thiên tai), ứng phó sự cố môi trường (trong Luật Bảo vệ môi trường)...; việc thành lập, sử dụng, điều phối Quỹ Phòng thủ dân sự (Điều 41 của Dự thảo Luật PTDS) với Quỹ phòng, chống thiên tai (Điều 10 Luật phòng, chống thiên tai), Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch (Điều 62 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm), Quỹ Bảo vệ môi trường (Điều 151 Luật Bảo vệ môi trường); phân công trách nhiệm của các bộ, ngành... nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật.

Đề nghị cần rà soát, làm rõ hơn tính chất nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh so với sự cố, thảm họa ở cấp độ tại Điều 7 và nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 7 để đảm bảo tính logic, đồng bộ giữa quy mô, tính chất, hậu quả nghiêm trọng của sự cố, thảm họa với các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng.

Đồng thời, nên xác định rõ phạm vi, mối quan hệ giữa lực lượng PTDS với các lực lượng phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các lĩnh vực khác để Chính phủ có cơ sở quy định cụ thể, tránh vướng mắc có thể xảy ra khi áp dụng.

Ngoài ra, quy định về lực lượng PTDS tại khoản 1 Điều 36 Dự thảo Luật PTDS đã bổ sung thêm lực lượng “dân phòng” nhưng thiếu đi chủ thể là “ngành trung ương” so với quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Quốc phòng. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cần sửa đổi khoản 3 Điều 13 Luật Quốc phòng cho thống nhất. Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò của từng lực lượng gắn với cơ chế “4 tại chỗ” nhưng cần tăng cường cơ chế phối hợp, phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong những tình huống cụ thể.

ĐBQH Phạm Thị Xuân cũng đề nghị cân nhắc về sự cần thiết thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật. Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều loại quỹ ngoài ngân sách trong các dự án luật, như: Quỹ phòng, chống thiên tai (Điều 10 Luật phòng, chống thiên tai), Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch (Điều 62 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm), Quỹ Bảo vệ môi trường (Điều 151 Luật Bảo vệ môi trường).... Do vậy, Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ về thực trạng, hiệu quả việc thành lập, sử dụng các quỹ hiện có; làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự, đánh giá mối quan hệ giữa quỹ này với các quỹ đang tồn tại nêu trên để bảo đảm tính khả thi. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 792 ngày 22-10-2019.

Chương này quy định chung về nguồn lực, chế độ, chính sách đối với lực lượng PTDS. Do đó, để bao quát được đầy đủ lực lượng tham gia PTDS theo Điều 36 Dự thảo Luật PTDS, cần cân nhắc sửa lại tên chương theo hướng thay thế từ “người” bằng từ ‘lực lượng”, sửa tên Chương 5 thành: “nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự” để bảo đảm bao quát cả cơ quan, tổ chức tham gia PTDS.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết