Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) thống nhất với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự thảo Luật.
Về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là rất cần thiết. Song băn khoăn quy định như dự thảo có dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Việc quy định như vậy có thể dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện hai lần công tác lấy ý kiến, hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có hai bộ hồ sơ, gây tốn kém không cần thiết về chi phí làm thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định này.
Về lấy ý kiến về quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đang diễn ra bình thường có thể sẽ phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì sự thay đổi của quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Những nguy cơ thay đổi đột xuất này làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước. Trong khi đó, dự thảo lại chưa có quy định đủ rõ ràng về việc lấy ý kiến những đối tượng tác động này trong quá trình lập quy hoạch. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước, thì cần phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó.
Về phòng, chống sụt, lún đất, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng, Tại Khoản 2 Điều 62 dự thảo quy định: “….Trường hợp xảy ra sụt, lún đất thì phải dừng việc thăm dò, khai thác, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục và báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất”. Như vậy, việc quy định chính quyền địa phương nơi gần nhất chưa rõ là chính quyền địa phương nào? Chính quyền địa phương theo phân cấp hành chính hay là chính quyền địa phương có khoảng cách địa lý gần với vị trí xảy ra sụt, lún đất? Theo ĐBQH Võ Mạnh Sơn, nên quy định cụ thể về việc báo ngay cho chính quyền địa phương theo phân cấp hành chính là phù hợp nhất.
Tại Khoản 1, 2 Điều 63 của Dự thảo quy định các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thuỷ, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý tài nguyên nước trước. Quy định này sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền vì hiện nay, các hoạt động này đều đã phải thực hiện các thủ tục hành chính theo các quy định của pháp luật liên quan, gồm: Thủ tục về xây dựng đối với xây dựng công trình; thủ tục về khoáng sản đối với việc khai thác cát, sỏi; thủ tục về giao thông đối với việc nạo vét luồng tuyến, xây dựng cầu cảng; thủ tục về môi trường đối với các dự án đầu tư; thủ tục về thuỷ lợi nếu có liên quan đến công trình thuỷ lợi.
Theo nguyên tắc về cải cách thủ tục hành chính, mỗi vấn đề chỉ có một đầu mối phụ trách, các cơ quan khác phối hợp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn nghiên cứu quy định theo hướng người dân và doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục một lần tại một cơ quan, các cơ quan khác phối hợp cho ý kiến và ra quyết định cùng một lúc giống như quy định tại Khoản 3 Điều 63 dự thảo quy định về trường hợp khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông.