Tham gia đóng góp về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), về tên gọi, ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị giữ nguyên tên gọi của luật là Luật Giá. Bởi tên gọi này đã bao hàm đầy đủ những nội dung về quản lý, điều chỉnh hành vi hoạt động các chủ thể trong lĩnh vực giá. Nếu chúng ta dùng Luật Bình ổn giá, Luật Quản lý giá hoặc Luật Kiểm soát giá, có thể sẽ làm hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật mà chưa bao quát được các vấn đề có liên quan như niêm yết giá, kê khai giá hiệp thương, giá của Nhà nước thẩm định giá được quy định tại điều chỉnh của Luật này.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị bổ sung thêm đối tượng là sản xuất hàng hóa; đề nghị bổ sung quy định cấm chuyển giá giữa các đơn vị của các doanh nghiệp liên doanh hoặc các doanh nghiệp FDI.
Về quy định Hiệp thương về giá, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết, dự thảo quy định về thẩm quyền và trách nhiệm cơ quan hiệp thương giá của Bộ và Sở quản lý ngành tương ứng hàng hóa dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành. Tuy nhiên, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực thì chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm hiệp thương giá thuộc cơ quan nào. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung để làm căn cứ phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm hiệp thương giá. Về đăng ký hành nghề thẩm định giá, đại biểu Võ Mạnh Sơn chỉ rõ, điểm b khoản 1 Điều 45 dự thảo Luật về điều kiện đăng ký hành nghề, thẩm định giá của người có thẻ thẩm định viên về giá là phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo đại biểu, quy định này là không phù hợp với thực tiễn. Do đó, đề nghị sửa đổi điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 theo hướng chỉ cần có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài ra, cho ý kiến về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đại biểu Võ Mạnh Sơn bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật đặt ra yêu cầu về điều kiện kinh doanh khắt khe hơn đối với doanh nghiệp thẩm định giá như tăng số lượng thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp; yêu cầu các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá hay đặt ra điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật… chưa đủ bằng chứng là sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại, tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng.