Đông đảo đoàn viên, thanh niên tỉnh dâng hương tưởng nhớ Bác tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa). Ảnh: P.V
Thanh niên - lực lượng nòng cốt, quan trọng
Tiến trình lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, từ khi Đảng ra đời và từ khi tổ chức đoàn được thành lập, đến nay thanh niên nước ta luôn kiên định phấn đấu vì mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Ngược dòng lịch sử, tháng 6-1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra đời. Hội gồm 9 hội viên, là những thanh niên Việt Nam đầu tiên, góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng ta vào năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của hội, trải qua các giai đoạn lịch sử, đông đảo thanh niên đã được giác ngộ cách mạng và đã gia nhập hàng ngũ đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc. Khi nước nhà thống nhất, thanh niên tiếp tục là lực lượng đông đảo, xung kích tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh; sáng tạo, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH, góp phần to lớn vào sự phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần do thanh niên”. Với vai trò lãnh đạo công tác thanh niên, Đảng ta xác định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước.
Được sự quan tâm chăm lo, dìu dắt của Đảng, tổ chức đoàn, phần lớn thanh niên luôn đề cao nhận thức, trách nhiệm phấn đấu theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tích cực tham gia xây dựng Đảng. Nhiều thanh niên đã chủ động, thẳng thắn đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch, góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Tuy vậy, bên cạnh những đặc điểm tích cực, đánh giá tại các văn kiện của Đảng và của đoàn cũng chỉ ra những hạn chế: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của đoàn chưa tác động sâu sắc đến đông đảo thanh niên. Công tác nắm, định hướng tư tưởng thanh niên, chưa kịp thời... Những bất cập trên đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi; đến công tác xây dựng Đảng.
Thủ đoạn lôi kéo, kích động thanh niên
Với các luận điệu, như: “Đảng, Nhà nước chà đạp lên tự do, dân chủ của thanh niên”; "nhiệm vụ của thanh niên là phải đứng lên đấu tranh chống độc tài, đòi tự do, dân chủ”... Thanh niên đã và đang trở thành một mục tiêu mới để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích động.
Mỗi lần vào mạng xã hội (MXH), anh Hà Văn Minh, sinh năm 1999 (Triệu Sơn) thường thấy các đường link về các hội, nhóm như: “Sinh viên Nhân quyền”, “Hội dân chủ”, "Tập hợp quốc dân Việt”, “Tiếng dân”... Một lần tò mò, anh đã kích vào trang “Tiếng dân” nhưng khi đọc được vài dòng thì thấy toàn đề cập đến những chuyện xấu, bôi nhọ đất nước, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ... sau đó là kêu gọi đấu tranh. Thấy không ổn, anh Minh đã chủ động thoát ra, không tham gia dưới bất cứ hình thức nào; đồng thời cũng trao đổi với bạn bè, người thân cẩn trọng trước các trang MXH có tên “rất kêu” nhưng bản chất thì đi ngược với tên gọi.
Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự quý II năm 2023 cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, hội viên trong toàn khối. Ảnh: P.V
Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và một phần do hạn chế về nhận thức, thanh niên đang là “tầm ngắm” và cũng là “miếng bánh giàu dinh dưỡng” để các thế lực thù địch, phản động mua chuộc, lôi kéo nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Các thế lực phản động, chống đối luôn triệt để lợi dụng đặc điểm tâm lý nhạy cảm, thích tự do, tự khẳng định mình... của thanh niên để dụ dỗ, lôi kéo, tiêm nhiễm bằng vật chất lẫn văn hóa, lối sống thực dụng, ngoại lai... Thủ đoạn của chúng rất đa dạng như: Lập các trang web, mở các diễn đàn, hội nhóm trên mạng nhằm tán phát tài liệu phản động và tuyên truyền phá hoại tư tưởng; sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, kích động, kêu gọi khủng bố gây hoang mang trong dư luận xã hội... Đối với sinh viên và đội ngũ trí thức, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, lôi kéo du học sinh, nghiên cứu sinh đang học tập, công tác ở nước ngoài để tuyên truyền phản động; tập hợp, bồi dưỡng thanh niên có tư tưởng bất mãn, xu hướng phản động để đào tạo nuôi dưỡng đội ngũ này với âm mưu làm thay đổi chế độ ở nước ta... Thậm chí một số trí thức trẻ, sinh viên, học sinh bị ảnh hưởng, kích động đã hùa theo, đề cao cái gọi là “tự do ngôn luận”, “dân chủ”, “nhân quyền”... dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, các thế lực thù địch cũng lợi dụng những đối tượng chưa đến tuổi vị thành niên dùng MXH non kém về nhận thức để thực hiện ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, đáng chú ý các thế lực thù địch lợi dụng sự lan truyền nhanh chóng của MXH, sự đa dạng của các kênh truyền tải thông tin (youtube, tiktok, facebook...) ra sức đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, clip... nhằm kêu gọi, tập hợp lực lượng thanh niên thiếu hiểu biết, tạo dư luận về các vấn đề kinh tế - xã hội từ đó đẩy lên thành các vấn đề chính trị, gây nhiễu loạn thông tin... Thêm vào đó, với việc nắm bắt được tâm lý thanh niên luôn có khát vọng khởi nghiệp, thông qua những buổi hội thảo bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa “lớp học làm giàu”, “những cách làm giàu nhanh chóng”... của những tổ chức phi chính phủ, ca ngợi thành tựu của chủ nghĩa tư bản, xuyên tạc bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta làm cho một bộ phận thanh niên có nhận thức sai lệch. Từ đó mất niềm tin trong cuộc sống, chạy theo lối sống thực dụng, buông thả.
Với các âm mưu, thủ đoạn chống phá trên các bình diện tư tưởng, văn hóa - xã hội của các thế lực thù địch đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của một bộ phận thanh niên. Có không ít thanh niên có biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, bị các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc đi vào con đường tiêu cực. Đáng buồn, thực tế đã xuất hiện một số thanh niên, học sinh, sinh viên “sập bẫy” bởi những chiêu trò của các thế lực phản động. Họ bị kích động và đăng lên các bình luận, hùa theo tư tưởng phản động, nói xấu chế độ, đề cao cái gọi là “xã hội dân sự”, “tự do ngôn luận”... Số ít các bạn trẻ thì bộc lộ trạng thái mơ hồ, hoài nghi, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng và thành quả cách mạng; tự đề cao cái tôi cá nhân, lối sống vị kỷ, cá biệt có trường hợp tha hóa về nhân cách, trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch. Để xảy ra những vấn đề đáng lo ngại này “Có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức đoàn. Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên MXH; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “xa rời chính trị”...”. Đó chính là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022.
Tin phản động chính là “hại nước”
Chúng ta cũng đã từng nghe và đọc các tin tức về bất ổn chính trị xảy ra tại nhiều đất nước, điển hình như tại Hồng Kông và Myanmar. Thủ lĩnh, đối tượng hoạt động tích cực trong những cuộc biểu tình, gây bất ổn về chính trị tại đó hầu hết ở lứa tuổi thanh niên. Có thể thấy các đối tượng phản động, chống đối luôn tìm cách móc nối, xuyên tạc thông tin để tạo cớ can thiệp, chống phá nước ta. Đặc biệt, những “nhà dân chủ” luôn tìm cách tiến hành so sánh một cách khập khiễng, thô thiển hành động của nhóm người trẻ tại Hồng Kông và tại Myanmar với người trẻ tại Việt Nam để từ đó khích bác giới trẻ Việt không có tinh thần đấu tranh “vì dân chủ”. Đích cuối cùng những kẻ này hướng đến là lôi kéo người trẻ vào các hoạt động chống phá, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Các đối tượng rêu rao các quan điểm: “Người trẻ các nước dám tranh đấu vì dân chủ còn người trẻ tại Việt Nam thì thờ ơ với thời cuộc”... Tuy vậy, phải khẳng định, đặc điểm địa chính trị tại các nước và Việt Nam là hoàn toàn khác nhau. Nước ta là đất nước ổn định, hòa bình và để có được sự ổn định, hòa bình như hiện nay, hàng vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất con, hàng triệu người đã hiến dâng tuổi trẻ của mình cho độc lập, tự do của đất nước. Đó là cái giá mà dân tộc Việt Nam đã trả để có được nền hòa bình, độc lập, dân chủ mà ít quốc gia nào làm được. Do vậy, không có lý do gì để người trẻ Việt Nam phải bị tác động bởi sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch.
Bài học thực tế tại Liên Xô (trước đây) vẫn còn đó!. Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, do những biến động về chính trị, Đảng Cộng sản đã dần đánh mất vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản, cùng sự chống phá của các thế lực ở trong và ngoài nước, nên thời điểm trước khi Liên Xô sụp đổ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Côm-xô-môn đã không còn là tổ chức chính trị - đội hậu bị của Đảng Cộng sản Liên Xô, sau đó “biến mất” khỏi vũ đài chính trị của đất nước. Đội thiếu niên và nhi đồng cũng cùng chung số phận; thanh, thiếu niên bị mất phương hướng, “phi chính trị hóa”... Từ bài học của Liên Xô, đòi hỏi tổ chức đoàn cần nhận diện đúng thực trạng, xác định nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại để tìm giải pháp khắc phục, tránh để tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, dẫn đến dễ bị các thế lực phản động lôi kéo, lợi dụng.
Thủ đoạn công kích, khích bác người Việt trẻ như những gì các đối tượng đang tiến hành là thủ đoạn chống phá về chính trị nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, có quyền quyết định đến tương lai của đất nước, phải nêu cao tinh thần cảnh giác góp phần cùng cấp ủy, chính quyền đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động. Ra sức cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển đất nước. Xứng đáng với niềm tin, nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2021): “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh. Trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên”.
Nhóm PV
Bài 3: Để không chệch hướng.