Người dân thị trấn Vân Du (Thạch Thành) tích tụ tập trung đất đai để phát triển mô hình trồng cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, huyện Thạch Thành đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện việc tích tụ tập trung đất đai. Đến nay, huyện Thạch Thành đã đạt được kết quả quan trọng, đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng thu nhập cho người dân.
Những ngày này, người dân tại các xã: Thành Tâm, Thành Công, Thành Minh, Thạch Cẩm, Thạch Quảng và thị trấn Vân Du... đang tập trung chăm sóc cây cam sau thu hoạch, vì họ hiểu rằng đây là giai đoạn quan trọng, có vai trò quyết định tới chất lượng quả của mùa vụ sau.
Trên địa bàn thị trấn Vân Du có gần 260 ha cây trồng có múi, riêng khu nông nghiệp công nghệ cao Vân Du là hơn 100 ha. Các loại cây có múi, trong đó có cây cam đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cho nhiều hộ dân nâng cao thu nhập. Nghị quyết Đại hội đại biểu thị trấn Vân Du nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu tích tụ 180 ha đất nông lâm nghiệp để phát triển cây ăn quả, cây có múi. Đến nay đã tích tụ được 110 ha. Theo tính toán của người trồng cam ở thị trấn Vân Du như ông Trịnh Huy Hùng hay ông Nguyễn Văn Chung, chủ trang trại Chung Thủy, nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả như cam, bưởi cho thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha/năm, ổi lê Đài Loan 200 triệu đồng/ha/năm, mít Thái 150 - 200 triệu đồng/ha/năm, dứa 100 - 200 triệu đồng/ha/năm...
Theo ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã, thị trấn tiến hành xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực và đến nay đã tích tụ, tập trung được trên 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, huyện Thạch Thành đã xây dựng được vùng cam ứng dụng công nghệ cao với diện tích 150 ha, sản lượng đạt 20 - 25 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/ha; vùng trồng bưởi 40 ha, sản lượng đạt 15 - 20 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/ha; vùng trồng ổi 30 ha, sản lượng đạt 25 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 200 - 250 triệu đồng...
Từ thực tiễn sinh động cho thấy, không chỉ tại huyện Thạch Thành, còn có nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghị quyết “đúng, trúng”, từ đó tạo chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực đời sống. Điển hình như huyện Như Xuân thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng và duy trì tốt phong trào cải tạo vườn tạp, gắn với chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, kinh tế vườn hiệu quả; Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 31-12-2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đến năm 2020, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò và một số con đặc sản khác như: lợn cỏ, vịt bầu Thanh Quân, gà thả vườn. Hay như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn “Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch” là 1 trong 4 chương trình trọng tâm tập trung thực hiện, nhằm tạo ra những đột phá mới...
Để nghị quyết đi vào thực tiễn đời sống, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX... Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 10,49%, trong đó năm 2021 đạt 8,85%, đứng thứ 5 cả nước; năm 2022 đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước và là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020... Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,7%; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường; nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao từng bước được hình thành; đã thực hiện chuyển đổi 5.308 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn; tích tụ, tập trung được 15.339 ha đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến, như: lúa thâm canh, mía thâm canh, cây gai xanh, nguyên liệu sắn,...
Với quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị trên địa bàn tỉnh đã và đang nhanh chóng đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống. Những kết quả đạt được cho thấy các nghị quyết đã mang lại những hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo ở nhiều vùng quê xứ Thanh. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Thanh Hóa sớm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025.
Bài và ảnh: Xuân Minh