• :
  • :

Đề xuất 5 giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp

Đề xuất 5 giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp

Th.s Nguyễn Xuân Anh, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: Quốc Hương)

Theo Th.s Nguyễn Xuân Anh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển tổ chức đảng tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân thành lập được tổ chức cơ sở đảng chưa nhiều; tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với quy mô. Phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân còn bất cập về hình thức, phương pháp. Tình trạng đơn vị kinh tế tư nhân có đủ số lượng đảng viên nhưng vẫn chưa thành lập được tổ chức đảng còn tồn tại.

Trước thực trạng trên, tham luận đề xuất 5 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới, bao gồm:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chủ doanh nghiệp đối với công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp

Các cấp uỷ cần đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, đặc biệt, cần làm cho chủ doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp. Thực hiện tốt phương châm ở doanh nghiệp tư nhân nào có đảng viên thì ở đó phải thành lập tổ chức đảng. Theo đó, các cấp uỷ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác này.

Đảng uỷ Khối, các cấp ủy cơ sở, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tâm tư nguyện vọng của người lao động, từ đó tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp ủng hộ và tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng

Các cấp uỷ, tổ chức đảng ở cơ sở phải phân công cấp uỷ viên, cán bộ phụ trách tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đối với các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, đảng viên, cần rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên; đề ra giải pháp, nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.

Đối với doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng, thì cấp ủy quản lý đảng viên giới thiệu những đảng viên này về sinh hoạt với tổ chức đảng phù hợp; đồng thời bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm để giao nhiệm vụ cho những đảng viên đó làm công tác tuyên truyền, vận động, phát hiện quần chúng ưu tú tại doanh nghiệp báo cáo cấp ủy để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên ngay tại doanh nghiệp, chuẩn bị các điều kiện để thành lập tổ chức đảng.

Đối với các doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên phải phân công cấp ủy viên và chuyên viên các ban xây dựng đảng có kinh nghiệm phối hợp với cấp ủy cơ sở và các tổ chức đoàn thể phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tiêu biểu tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Ưu tiên phát triển đảng ở các doanh nghiệp tư nhân có số lượng từ 50 - 70 công nhân trở lên, chú trọng phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý, khi đủ điều kiện thì thành lập tổ chức đảng.

Đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm

Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp tư nhân, chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ phụ trách công tác đảng, đoàn thể và đảng viên trong doanh nghiệp; mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ trên. Hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với các tổ chức đảng ở doanh nghiệp mới thành lập gặp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ.

Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của tổ chức đảng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp; coi trọng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, làm rõ mối quan hệ giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, ban giám đốc và các đoàn thể.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động

Chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp hoạt động; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật liên quan đến việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể.

Tạo điều kiện về kinh phí và thời gian giúp các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Dành phần kinh phí thỏa đáng để thực hiện công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên

Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết để rút ra những mô hình mới, cách làm hay, những điển hình tiên tiến, tiêu biểu. Tổ chức gặp gỡ, động viên, biểu dương những doanh nghiệp tư nhân thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng; đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết để nâng cao chất lượng các tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân. Đây là giải pháp quan trọng, góp phần để các nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết